Thời gian vừa qua, dư luận và báo chí đã phản ảnh về vấn đề xây dựng bãi đỗ xe bên trái Lăng Khải Định đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDT) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NNC Nguyễn Đắc Xuân) kéo dài từ cuối tháng 7.2017 đến trung tuần tháng 10.2017 vẫn chưa ngã ngũ.
Không thể kéo dài hơn nữa, ngày 23.10.2017 Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao chỉ thị cho TTBTDT Cố đô Huế “chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại, làm rõ các nội dung theo kiến nghị của ông Nguyễn Đắc Xuân trong việc xây dựng bãi đỗ xe trước ngày 15.11.2017”.Tưởng đã có chỉ thị của Tỉnh, cuộc đối thoại trực tiếp giữa TTBTDT là chủ đầu tư bãi đỗ xe Lăng Khải Định và nhà bảo vệ lịch sử văn hóa Huế sẽ được tiến hànhđể đưa ra vấn đề đúng sai như thế nào?Bãi đỗ xe bên trái Lăng Khải Định được tiếp tục xây dựng hay phải dời đến một địa điểm khác? Nhưng không hiểu sao qua trao đổi với NNC Nguyễn Đắc Xuân, ông cho biết trong thời gian từ khi có chỉ thị của Tỉnh (23.10.2017) cho đến nay (cuối tháng 11.2017), ông không hề được TTBTDT thông báo cho biết về cuộc đối thoại theo chỉ thị của Tỉnh như thế nào cả!
Trước đó, vào tháng 7.2017, khi bãi đỗ xe bên trái Lăng Khải Định tiến hành thi công đã gặp những phản ứng trái chiều từ dư luận. Vào ngày 27.7.2017, NNC Nguyễn Đắc Xuân đã có thư gởi cho TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - chủ đầu tư dự án để phản biện về dự án này. Cụ thể, nhà nghiên cứu Huế đề nghị nên xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực ruộng làng Châu Chữ đối xứng với công trường xây dựng bãi đỗ xe trước lăng Khải Định hiện nay. Địa điểm này nằm ngoài khu vực bảo vệ lăng, vừa đảm bảo hài hòa về yếu tố thiên nhiên, phong thủy. Tuy nhiên, ý kiến này đã không được TTBTDT chấp nhận.
Tiếp đến, sau nhiều lần kiên nhẫn phản biện nhưng hồi âm từ TTBTDT vẫn chưa rõ ràng và thuyết phục, ngày 9.10.2017, NNC Nguyễn Đắc Xuân tiếp tục gởi các vị lãnh đạo UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế một văn thư, trong đó kiến nghị tỉnh đây là một công trình xây dựng mới trong khu vực bảo vệ di sản chưa từng xảy ra trong mấy trăm năm qua trên khu vực di sản Huế nên cần tổ chức một hội nghị khoa học thẩm định dự án bãi đỗ xe bên trái Lăng Khải Định. Và ngày 23.10.2017 vừa qua, ông Xuân cho biết đã nhận được thông báo từ UBND tỉnh về chỉ đạo của tỉnh nhưng không phải là trả lời trực tiếp cho ông mà gởi cho TTBTDTCĐ.
Trong 10 yêu cầu đề nghị làm rõ về vị trí xây dựng bãi đỗ xe Lăng Khải Định hiện tại mà TTBTDT là chủ đầu tư được gởi đến TTBTDT và UBNDTTH của nhà nghiên cứu Huế, đã nhấn mạnh đến điều 32.2 Luật di sản Văn hóa năm 2001, được sửa đổi và bổ sung năm 2009: “Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa”.
Và theo điều 11 NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 288-HĐBT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1985 QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH đã ghi rất rõ: “Khu vực II là khu vực bao quanh khu vực I có thể được xây dựng bia, tượng đài hoặc những công trình văn hoá khác nhằm mục đích tôn tạo khu vực di tích, thắng cảnh”.
Dựa trên cơ sở Nghị định 288, Luật Di sản Văn hóa và các tài liệu gốc, NNC Nguyễn Đắc Xuân đã khẳng định:
“Văn bản cho biết cụ thể vị trí của Lăng Khải Định tọa lạc tại thôn Châu Chữ và có ghi ký hiệu 12 thửa đất, trong đó có các loại: đất núi, đất lăng, đất ở, đất khô, đất hoang, đất ruộng. Qua nghiên cứu văn bản cho biết các ký hiệu B.86, B.87, B.88, B.89 là đất hoang (đất trống) và đất ruộng nhưng vẫn thuộc phạm vi Di tích lịch sử lăng Khải Định.
Toàn bộ khu đất B.86, B.87, B.88, B.89 gần 5000 m2 là đất di tích với một cái giếng cổ còn nguyên vẹn, đều bị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng bãi đỗ xe. Như thế là vi phạm di tích.”
Một số ý kiến vàvấn đề cần làm rõ về bãi đỗ xe tại Lăng Khải Định
Trong thời gian vừa qua, việc xây dựng bãi đỗ xe bên trái Lăng Khải Định làm dư luận và những người yêu Huế đã có rất nhiều lo ngại những vấn đề sẽ ảnh hưởng và tác động xấu đến di sản thế giới: Tác động phong thủy, môi trường, cảnh quan thiên nhiên…
Cũng cần nói thêm trong vấn đề xây dựng bãi đỗ xe bên trái Lăng Khải Định là lần đầu xây mới một công trình (bãi đỗ xe) ngay trên đất di tích, đất thuộc khu vực bảo vệ IImà TTBTDT lại không đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng tham vấn! Trước đó, các công trình trùng tu như Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, TTBTDT đều đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng tham vấn.
Nhà sử học Trần Viết Ngạc đưa ra ý kiến của mình về vấn đề này: “Tôi đề nghị họp hội đồng tham vấn của TTBTDT để lấy ý kiến, gửi lên bộ VHTT&DL, Ủy ban UNESCOVN, UBNDTTH. Nếu vấn đề này không thực hiện thì một số thành viên của hội đồng tham vấn của TTBTDT đứng ra triệu tập”.
Về vị trí xây dựng bãi đỗ xe hiện tại, kiến trúc sư Hồ Viết Vinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra luận chứng khoa học rất rõ ràng: “Bảo tồn và thích ứng là phương thức chúng ta sẽ áp dụng trong trường hợp này. Việc bổ sung chức năng khu đón trả khách & bãi đậu xe là cần thiết cho việc tham quan của du khách. Tuy nhiên, vị trí đặt và hình thức công trình tuyệt đối không làm biến đổi đến tính toàn thể (uniqueness) của di sản. Khuôn viên Lăng Khải Định và không gian xung quanh trong tầm nhìn thị giác là một cấu trúc tương hỗ, do vậy việc tạo nên một bãi đỗ trống phía trước Lăng với màu sắc và tiếng động sẽ ảnh hưởng đến vẻ trầm mặc, trang nghiêm là nơi yên nghỉ nghìn thu của vị Hoàng đế. Chính vì vậy việc chọn lựa vị trí xây dựng và hình thức công trình nên được tham vấn của các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm thực tiễn để tránh những tác động xấu không đáng có cho Di sản Quốc gia và Thế giới”.
Một ý kiến nữa của một người yêu Huế rất đáng trân trọng - đó là nhà báo Lưu Trọng Văn:”Huế là không gian duy nhất ở đất nước này để con người dù lang bạt tha phương, dù đô hội kinh kỳ đẩu đâu trở về tìm lại chính mình cùng sự thiền linh, thiền tâm, thiền tình. Kẻ nào không hiểu điều ấy, không thấy giá trị ấy, vẻ đẹp ấy của Huế, muốn Huế trở thành một không gian náo nhiệt, hội hè, tưng bừng ánh sáng, vút cao những tòa nhà kính, ồn ã những tiếng xập xình, kẻ ấy đang bắn những viên đạn vào Huế”.
Vâng, Lưu Trọng Văn, một người dân Việt sinh ra trên đất Bắc nhưng đã biết những điều tối thiểu mà một người dân Huế phải biết.
Bên cạnh những ý kiến trên, dư luận còn đang đặt ra nghi vấn với diện tích bãi đỗ xe thậm chí còn lớn hơn khu vực lăng tẩm và khoảng cách rất gần từ bãi đỗ xe đến lăng - hoàn toàn khác với những gì mà TS Phan Thanh Hải thông tin trước đó. Cần làm rõ những vấn đề trên và cần phải có sự xác thực của các nhà khoa học ngay tại hiện trường bãi đỗ xe để sự việc được minh bạch.
Vẫn chờ đợi một câu trả lời
Từ năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã lập dự án đầu tư bãi đỗ xe tham quan lăng Khải Định.
Và cũng trên các phương tiện truyền thông, TS Phan Thanh Hải khẳng định: "Chúng tôi đã khảo sát, đánh giá và lấy ý kiến của cơ quan ban ngành. Riêng về bãi đỗ xe Lăng Khải Định, tôi khẳng định bãi xe này chúng tôi đã làm rất kỹ".
Tuy nhiên trong việc này, một vấn đề mấu chốt trong quy trình này vẫn chưa được thực hiện khi mà dự án này trình lên các cơ quan chức năng vẫn chưa được thông qua Hội đồng tham vấn của TTBTDT để có cơ sở khoa học và phản biện! Và câu trả lời vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo, rõ ràng từ TS Phan Thanh Hải- Giám đốc TTBTDT.
Một vấn đề nữa liên quan về hồ sơ trong dự án xin cấp phép bãi đỗ xe tại Lăng Khải Định cũng đang được dư luận rất quan tâm là trong hồ sơ dự án gởi chính quyền các cấp xin xây dựng bãi đỗ xe, TTBTDT đã có trình bày hay chưa đến Điều 32 Luật Di sản Văn hóa và Điều 11 Nghị định 288 Quy Định Việc Thi Hành Pháp Lệnh Bảo Vệ Và Sử Dụng Di Tích Lịch Sử, Văn HóaVà Danh Lam Thắng Cảnh của Hội đồng Bộ trưởng: “Khu vực II là khu vực bao quanh khu vực I có thể được xây dựng bia, tượng đài hoặc những công trình văn hóakhác nhằm mục đích tôn tạo khu vực di tích, thắng cảnh”. Đây cũng là những vấn đề cần minh bạch một cách cụ thể để làm bản lề cho những công trình xây dựng về sau trên đất di tích.
Vậy, cho đến nay TTBTDT Cố đô Huế đã có những thông tin cụ thể để giải thích điều 32 Luật Di sản Văn hóa và Điều 11 Nghị định 288 với NNC Nguyễn Đắc Xuân chưa? Và việc đối thoại giữa TTBTDT Cố đô Huế với NNC Nguyễn Đắc Xuân có được thực hiện đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND Tỉnh Thừa Thừa Huế hay không? Đây là vấn đề dư luận và những người yêu Huế rất mong được câu trả lời cụ thể từ các cấp chính quyền Thừa Thiên Huế.
Hạ Lan