Với sự nổi lên của FinTech, mô hình cho vay ngang hàng (P2P) là xu hướng mới trên thế giới trong vài năm nay và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi mỗi ngày có hàng nghìn đơn xin vay vốn.

Bài học từ Trung Quốc về hình thức cho vay ngang hàng P2P

12/10/2018, 11:41

Với sự nổi lên của FinTech, mô hình cho vay ngang hàng (P2P) là xu hướng mới trên thế giới trong vài năm nay và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi mỗi ngày có hàng nghìn đơn xin vay vốn.

Mô hình cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được hoàn thiện về pháp lý - Ảnh minh họa

Hàng loạt vụ phá sản

Thị trường cho vay P2P toàn cầu ước tính sẽ có mức tăng trưởng lên tới 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỉ USD vào năm 2020. Riêng tại Trung Quốc giai đoạn 2014-2017, dư nợ cho vay P2P đã đạt xấp xỉ 1,3 nghìn tỉ nhân dân tệ.

Tại một hội thảo mới đây, ông Maurizio Raffone - Giám đốc Công ty Finetiq Ltd chia sẻ, công ty P2P đầu tiên được thành lập tại London (Anh) vào năm 2005. Mô hình cho vay này sau đó đã xuất hiện tại Trung Quốc và khối lượng giao dịch năm 2016 đạt 2.000 tỉ Nhân dân tệ.

Rủi ro của mô hình này bắt đầu xuất hiện từ năm 2016 khi các công ty P2P đã nhận 7,6 tỉ USD từ khoảng 900.000 nhà đầu tư, nhưng cũng trong năm này, đã xuất hiện 21 vụ bắt giữ với hơn 95% dự án là giả mạo.

Năm 2018, sau vụ đột kích công ty cho vay P2P Tourongjia, 13 nghi phạm bị bắt giữ và không bồi thường cho các nhà đầu tư… Một trong những lý do là P2P tại Trung Quốc phát triển mạnh nhưng không có quy định quản lý cho đến năm 2016.

Các công ty chỉ đăng ký với văn phòng thương mại và ngành địa phương, mở các trang web thu hút những người đi vay và cho vay, mà không có tiêu chuẩn chính thức, công bố thông tin và không có quy định quản lý chính thức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hoặc cơ quan quản lý ngân hàng (CBRC).

Cho đến ngày 24.8.2016, Chính phủ Trung Quốc mới công bố quy định các biện pháp tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh của các trung gian thông tin P2P thì trước đó, đã rất nhiều công ty P2P lending sụp đổ do lợi dụng hình thức này để lừa đảo nhà đầu tư.

Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và CBRC cùng ban hành các quy định mới đối với P2P lending. Các quy định quản lý mới được đưa ra đã làm giảm số lượng công ty đang hoạt động xuống còn khoảng 3.500 công ty.

Tại Việt Nam, mô hình cho vay ngang hàng mới chỉ phát triển mạnh trong hơn 2 năm trở lại đây. Đặc biệt, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc cho vay ngang hàng và sự tồn tại của dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, tại Việt Nam chưa nghe nói đến trường hợp kiện cáo, lùm xùm về cho vay P2P nhưng đã nghe đến chuyện lãi suất cao, lên tới 700%. Có thể trên giấy trắng mực đen không quá 20% nhưng cộng các loại phí khác thì sẽ rất cao. Do đó, hình thức cho vay này không minh bạch, trong nhiều trường hợp dễ đi đến lừa đảo nên rất cần hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này.

Cấm hay quản?

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico), tất cả những khoản thu lãi lên 20% là phạm pháp. Thế nhưng không có ai xử lý mà phải đến lãi 100% mới có chế tài hình sự. Còn từ 30- 50% thì hiện không bị xử phạt. Và đây là một lỗ hổng của luật pháp.

Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng cần phân biệt việc tự cho nhau vay là đúng theo luật, hợp pháp, rủi ro tự chịu và loại thứ hai là một công ty cá nhân đứng ra môi giới. Nếu chỉ đơn thuần môi giới ở một lượng tiền giao dịch không quá lớn thì luật không cấm.

Trường hợp như Trung Quốc bị sập hàng trăm công ty cho vay là gần như các công ty này thay mặt cho ngân hàng để làm chức năng của ngân hàng. Họ huy động cho vay và đứng giữa, làm hết mọi khâu, từ thẩm định hồ sơ đến cho vay.

Luật sư Đức cho rằng về cơ bản, không có rủi ro lớn cho người vay, bởi người vay đã biết rõ lãi suất tiền vay là bao nhiêu, không trả được sẽ bị gây sức ép như thế nào… Tuy nhiên, những người cho vay trực tuyến có nguy cơ mất trắng vì khách hàng không trả được nợ.

Bên cạnh đó, khi đã làm chuyên nghiệp, làm ở quy mô lớn thì chỉ cần không ưng ý, người ta sẽ đến rút tiền, công ty không có khả năng chi trả lại, không kịp thu hồi vốn thì sẽ sụp đổ. Trong khi theo luật thì không được phép đòi nợ người vay trước hạn, nhưng kể cả đến hạn cũng không thể đòi được.

“Người vay không trả thì cũng không thể làm được gì. Ngân hàng ngoài việc quản lý chặt chẽ còn phải giới hạn tỷ lệ an toàn. Rồi ngân hàng nhà nước, bảo hiểm… đứng ra gánh đỡ, giải quyết chứ những dạng cho vay trực tuyến thì nguy cơ sẽ sụp đổ trong nháy mắt”, ông Đức phân tích.

Ngoài ra theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật SBLaw, ngoài thiếu một khung pháp lý, các P2P Việt Nam cũng không có phương án phòng ngừa rủi ro và phần lớn đều có nguồn vốn nhỏ, tiềm lực tài chính rất khiêm tốn so với quy mô kết nối khoản vay.

“Đối với người đi vay, mặc dù thủ tục vay khá đơn giản và thuận lợi nhưng họ sẽ phải vay với mức lãi suất rất cao. Nếu những người này không có khả năng trả nợ họ có thể bị người cho vay dùng những biện pháp qua công ty môi giới để thu hồi nợ một cách không chính thống, mang tính ép buộc hay đe doạ”, ông Hà nói.

Theo đó, luật sư này khuyến cáo, trước khi vay tiền của các tổ chức này, người vay phải tìm hiểu rất kỹ các thông tin về dịch vụ cho vay tiền, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ là gì, tính pháp lý của đơn vị cho vay và nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay để tránh rủi ro khi vay tiền.

TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ cần phải có những quy định về vấn đề này, thậm chí cần đưa ra Quốc hội, nâng lên tầm luật. Trước khi có luật thì Chính phủ cần đưa ra những nghị định, sắc lệnh quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến hợp đồng, lãi suất, phí, cách thức thu nợ, trả nợ, quyền lợi và nghĩa vụ của người vay và cho vay...tránh tình trạng biến tướng, gây hậu quả xấu.

“Chúng ta đứng trước 2 lựa chọn: một là cấm, hai là hợp thức hóa. Việc cấm thì gần như không thể. Vậy cần hợp thức hóa thế nào để quản lý hiệu quả, tránh này sinh nhưng hậu quả đáng tiếc cho người dân là vấn đề cần phải được tính toán kĩ lưỡng và sớm có quy định pháp lý rõ ràng”, ông Hiếu nói.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học từ Trung Quốc về hình thức cho vay ngang hàng P2P