Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Theo dòng thời sự

Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container

Văn Kim Khanh - Đỗ Vy 28/04/2024 22:27

Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.

Tính phương án xử lý nước nhiễm mặn thành nước sinh hoạt

Đó là thông tin mà ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Cửu Long Capital cung cấp tại hội thảo bàn về giải pháp nguồn nước vùng ĐBSCL do Báo Tuổi trẻ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ.

linh.jpg
Ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phát triển Cửu Long Capital - Ảnh: V.K.K

Theo ông Linh, hiện công ty của ông có thể đưa nhà máy nước di động (nhà máy nước thu nhỏ được thiết kế trong container) đến vùng khô hạn gay gắt để cung cấp nước cho người dân.

Nhà máy nước di động này sử dụng nguồn nước đầu vào là nước ngọt và đặc biệt có thể lấy nước nhiễm mặn từ sông, rạch để xử lý thành nước sạch, với công suất đạt đến 3.000m3/ngày.

"Nước sạch sau khi xử lý được đấu nối vào hệ thống dẫn nước của trung tâm nước sạch nông thôn hoặc trạm cấp nước hiện hữu tại các địa phương ở ĐBSCL, rồi dẫn đến các hộ dân", ông Linh cho hay.

loc-nuoc-1.jpg
Phác họa nhà máy nước di động trong container với đầu vào là nước ngọt và nước nhiễm mặn (hình ảnh được cung cấp tại hội thảo)

Phương pháp này có thể thực hiện tại các vùng sâu, vùng xa, vùng bị nhiễm mặn hiện chưa có giải pháp tháo gỡ. Từ đó có thể giải quyết được vấn đề về nước sạch cho người dân trong ba tháng khô hạn.

Đối với vùng ít dân cư, có thể chỉ sử dụng nhà máy nước di động, nếu nhiều người dân sinh sống có thể đưa nhiều container vào cùng hoạt động, miễn là có nguồn điện phục vụ.

Trả lời về giá nước sạch sau xử lý, ông Linh cho biết, nếu đầu vào là nước ngọt thì sản phẩm nước sạch sẽ có giá khoảng 10.000 đồng/m3, còn đầu vào là nước nhiễm mặn thì sản phẩm đầu ra sẽ đắt hơn vài ngàn đồng.

Hiện chưa bàn đến tính khả thi của phương án này, nhưng một số địa phương ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau... đang cần một giải pháp cấp bách.

loc-nuoc-2.jpg
Người dân Tiền Giang lấy nước từ các xe bồn từ thiện - Ảnh: Đỗ Vy

Mùa khô năm nay là lần thứ ba tình trạng hạn mặn cực đoan xuất hiện ở vùng ĐBSCL, sau mùa khô năm 2016 và 2020.

Huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) từ những ngày đầu tháng 4 đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng. Mặc dù người dân đã chủ động trữ nước nhưng hiện không đủ sử dụng.

Theo ngành chức năng, nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn huyện là 10.270m3/ngày đêm, trong đó nguồn tự cung cấp chỉ khoảng 2.500m3/ngày đêm; nguồn từ Nhà máy nước Đồng Tâm 6.000m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500m3/ngày đêm, còn thiếu 1.770m3/ngày đêm.

Hiện người dân mua nước sinh hoạt do xe bồn chở đến tận nhà với giá khoảng 100.000 đồng/m3. Đối với những hộ gia đình khó khăn, đây là một khoản chi phí rất lớn. Do đó, nhiều hộ lựa chọn đội nắng, thức đêm đi lấy nước tại các xe chở nước từ thiện.

gp-2.jpg
Hội thảo giải pháp về nguồn nước ở ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

Được biết, ngành chức năng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển.

Nhiều thách thức cho nguồn nước ĐBSCL

Tại hội thảo này, PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức gồm: Chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mê Kông qua nơi khác; suy giảm chất lượng môi trường đất - nước; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; hiệu quả sử dụng nước rất thấp; khai thác tài nguyên nước quá mức; biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Từ những thách thức này, ông Tuấn cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như: cắt giảm các hoạt động sản xuất công nghiệp có mức xả thải vượt quy định; khuyến khích sự tham gia của người dân trong quản trị nguồn nước; tăng cường bảo tồn nguồn nước, hiện đại hóa hệ thống quan trắc nguồn nước; chia sẻ rộng rãi thông tin nguồn nước, thường xuyên theo dõi các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới trên lưu vực; tăng cường pháp chế liên quan đến kiểm soát nguồn nước…

Ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì cho rằng, nguồn nước ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông (chiếm 94% tổng lượng nước của ĐBSCL). Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Về giải pháp, ông Hiếu cho rằng, trước mắt cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn.

hong-hieu.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ngoài ra, vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng để hạn chế thiệt hại. Rà soát lại diện tích cây trồng và khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới.

Về giải pháp lâu dài, đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với những vùng sinh thái đã chỉ ra trong các quy hoạch và Nghị quyết 120 của Chính phủ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) - Clip: Văn Kim Khanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container