Vở kịch 3 lần nhường ngôi do mấy ông vua Trung Quốc sáng tạo ra nhưng bị mai một, tuyệt tích và chính Hồ Quý Ly là người sau này tiếp thu diễn lại rất ngọt. Nhưng kết cục cho Hồ Quý Ly lại cay đắng.

Bàn về vở kịch Hồ Quý Ly 3 lần bị ép lên ngôi

19/04/2018, 19:12

Vở kịch 3 lần nhường ngôi do mấy ông vua Trung Quốc sáng tạo ra nhưng bị mai một, tuyệt tích và chính Hồ Quý Ly là người sau này tiếp thu diễn lại rất ngọt. Nhưng kết cục cho Hồ Quý Ly lại cay đắng.

Tranh vẽ Tào Hoán nhường ngôi cho Tư Mã Viêm

Chuyện nhà Trần chuyển giao cho nhà Hồ hay Trần Thiếu Đế truyền ngôi cho... ông ngoại Hồ Quý Ly được ghi vắn tắt trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục là: "Quý Ly nói thác ra rằng nhà vua truyền ngôi cho. Bầy tôi khuyên mời lên ngôi vua. Quý Ly giả vờ thoái thác nói: "Ta sắp đến ngày xuống lỗ rồi, nếu làm như thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất được?". Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời".

Sử chép bề tôi 3 lần dâng biểu thì Hồ Quý Ly mới nhận lời lên ngôi nhưng có lẽ là các sử quan ngày xưa ghi có điều gì không được đầy đủ lắm về chi tiết này. Đơn giản là vì các bề tôi không đủ tư cách để dâng biểu 3 lần đòi Hồ Quý Ly lên ngôi trong bối cảnh vua Trần khi đó vẫn còn ngồi đó (dù chỉ là hư vị). Hồ Quý Ly thừa hiểu rõ nếu không được chính đương kim hoàng đế ép lên ngôi mà nghe lời người khác tự ý lên ngôi thì vẫn là cướp ngôi. Là người thông thuộc chuyện sử sách, điển tích và có tài dàn kịch, diễn kịch thì Hồ Quý Ly đâu có thể làm vở kịch sơ sài là "Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời". Theo bối cảnh khi ấy, tin rằng Hồ Quý Ly phải ép cháu ngoại Thiếu Đế 3 lần ra biểu nhường ngôi cho "hợp hiến" chứ không thể chỉ dựa vào mỗi chuyện "bề tôi dâng biểu" mà vội vàng lên ngôi được.

Và câu hỏi đặt ra là tại sao phải là 3 lần mời qua mời lại mà không mời 1 lần rồi lên ngôi luôn cho khỏi mất thời gian (đáng tiếc là sử không chép 3 lần mời lên ngôi này kéo dài trong thời gian bao lâu để đo độ công phu của vở kịch)?. Đúng là trong tiền lệ sử nước ta trước thời điểm khi đó thì chưa có chuyện ai đó lại được dâng biểu mời lên ngôi đến 3 lần cả nhưng trong lịch sử thời trước đã có những tuồng diễn kịch hấp dẫn này. Con số 3 được coi là chuẩn mực để ca ngợi một cuộc đổi ngôi thuận lợi.

Khi Lưu Bang đánh bại Hạng Võ tại Cai Hạ năm 202 TCN, các tướng đòi Lưu Bang lên ngôi nhưng người sao này là Hán Cao Tổ cũng phải từ chối đủ 3 lần mới dám nói: "Các ông nhất định cho rằng làm như vậy có lợi cho xã tắc thì tôi đành nhận". Khi Hán Quang Vũ đế Lưu Tú đánh bại các thế lực vào năm 25 thì các tướng cũng đòi lên ngôi, ông còn "tỏ ra sợ hãi" từ chối 3 lần, đòi suy nghĩ trong 6 tháng mới xưng đế mở ra nhà Đông Hán. Thời điểm Lưu Bang, Lưu Tú lên ngôi là lúc các vua cũ không còn nên chỉ cần các tướng nói là đủ ngồi lên ngai vàng.

Nhưng đến thời Hán Hiến đế truyền ngôi cho Ngụy Văn đế thời Tam Quốc thì đúng là vua cũ chuyển ngôi cho vua mới nên màn kịch rất kỳ công. Trong khoảng một tuần từ 13.10.220, Hán Hiến đế 3 lần tuyên chỉ nhường ngôi kèm ấn tín nhưng Tào Phi "kháng lệnh" không nhận. Mãi đến lần thứ 4, Tào Phi mới "đành phải tuân chỉ". Các đại thần còn bày ra một nghi thức nhường ngôi long trọng để Hán Hiến Đế bưng Ngọc tỉ dâng cho Tào Phi để tỏ rằng hoàn toàn tự nguyện. Chuyện Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán 40 năm sau nhường ngôi cho Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm cũng y chang như vậy: 3 lần từ chối, lần thứ 4 mới miễn cưỡng đồng ý và bắt vua cũ phải dâng ngọc tỷ.

Sau này ở Trung Quốc, việc chuyển ngôi giữa nhà Tấn sang Lưu Tống, từ Lưu Tống sang Nam Tề, từ Nam Tề sang Lương, từ Lương sang Trần hay sau này là từ Bắc Chu sang Tùy đều thiện nhượng 1 lần chứ không diễn trò 3 lần từ chối mới lên ngôi vì mất thời gian và nặng về hình thức trong khi các vua thời ấy đều sợ để lâu sinh biến.

Trò này cũng không xuất hiện ở các triều đại sau đó ở Trung Quốc như Tống, Nguyên, Minh, Thanh và không thể ngờ nó lại diễn ra ở nước ta thời Hồ Quý Ly. Tin rằng Hồ Quý Ly cũng diễn vở kịch không hề kém hấp dẫn so với Tào Phi hay Tư Mã Viêm, chỉ có điều sử không chép tường tận (có lẽ các sử gia coi Hồ Quý Ly là nghịch tặc, coi nhà Hồ là ngụy triều nên không chép kỹ những chi tiết mà họ cho là mị dân chăng?)

Trò 3 lần từ chối rồi lên ngôi tuy mất thời gian nhưng đó là cách tốt nhất để Hồ Quý Ly đo được xem sự phản kháng từ phía tông thất nhà Trần, quan lại triều đình thế nào. Khi trò 3 lần từ chối được diễn ra thuận lợi thì Hồ Quý Ly có thể yên tâm lên ngôi hơn, dễ ăn nói với thiên hạ hơn. Chỉ tiếc rằng vở kịch đó tuy diễn ra trót lọt nhưng kết cục của Hồ Quý Ly không được như Tào Phi hay Tư Mã Viêm.

Lê Hoàn được thái hậu Dương Vân Nga truyền ngôi và cũng không cần chờ đến biểu tấu thứ 2 để lên ngôi thay Đinh đế Toàn. Sử chép: (Phạm) Cự Lạng và các tướng đều mặc quân phục, vào thẳng điện đình, bảo mọi người rằng: "Nay, thưởng người có công mà phạt kẻ không vâng mạng, đó là phép hành binh. Bây giờ chúa thượng hãy còn thơ ấu, bọn ta dẫu hết sức liều chết, may mà có chút công lao, thì ta biết cho? Chi bằng trước hãy tôn ngay Thập đạo tướng quân lên làm thiên tử, sau sẽ ra quân?". Quân sĩ đều tung hô "vạn tuế". Dương hậu thấy ai cũng một lòng hả hê mến phục, liền sai lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn rồi chính Dương hậu khuyên mời Lê Hoàn làm vua. Hoàn bấy giờ mới lên ngôi, đổi niên hiệu, giáng chức Đế Toàn xuống làm Vệ vương như cũ.

Khi Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc mời lên ngôi thì con của Long Đĩnh là Sạ còn chưa kịp nối ngôi. Sử chép: Cam Mộc sợ việc chậm lại, sẽ sinh biến chăng, mới đem việc đó nói với khanh sĩ và các quan, thì không ai dám có ý gì khác cả. Ngay hôm ấy, mọi người hội họp ở nhà triều đường, cùng nhau bàn rằng: Ngày nay, đối với nhà Lê, ức triệu người đều khác lòng, quan và dân đều lìa bỏ. Nếu không nhân dịp này, tôn quan thân vệ lên làm thiên tử, lỡ có biến cố gì xảy ra, thì bọn ta liệu có giữ được khỏi mất đầu không? Bấy giờ các quan mới cùng nhau phò Công Uẩn đến nhà chính điện lên ngôi hoàng đế. Trăm quan thụp lạy, đâu đấy tung hô "vạn tuế". Công Uẩn đại xá cho cả nước, lấy sang năm làm năm đầu một niên hiệu mới.

Còn việc Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh cũng chỉ ra chiếu đơn giản: "Trẫm xét thấy ngôi báu rất là trọng đại mà trẫm là vua đàn bà, phải gánh vác lịch số do trời giao cho, riêng những nơm nớp lo sợ, như sắp sa xuống vực sâu. Nghĩ sao tìm được hiền nhân quân tử, để giúp đỡ về chính trị. Duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, uy nghi đường hoàng, thực có phong độ bậc quân tử, có thể nhường cho ngôi báu để chống đỡ trong buổi gian nguy. Vậy rất mong Trần Cảnh đồng lòng hợp sức, dẹp yên loạn lạc, cứu vớt sinh dân, để cùng hưởng phúc thái bình". Thế là chuyện nhà thành chuyện nước.

Anh Tú

Các bài viết cùng chủ đề

Hồ Quý Ly và 2 lần diễn kịch hòng che mắt nhà Minh​

Hồ Quý Ly và mưu kế dùng độc trị độc với nhà Minh​

Hồ Quý Ly xử lăng trì vua bù nhìn do nhà Minh dựng​

Hồ Quý Ly đường cùng không giữ khí tiết là điều đáng thẹn

Hồ Quý Ly và cơ hội ghi điểm danh dự khi chạm mặt vua Minh

Hồ Quý Ly đầu hàng vì hèn nhát hay muốn bắt chước Việt vương Câu Tiễn

Nếu có thời gian, Hồ Quý Ly có thể thành công như nhà Trần

Hồ Quý Ly chờ bên Trung Quốc nội chiến mới cướp ngôi nhà Trần

Phân tích việc Hồ Quý Ly ép cháu nhường ngôi dù chưa có điềm lành

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn về vở kịch Hồ Quý Ly 3 lần bị ép lên ngôi