Nhiều người dân California lo lắng bang này sẽ hứng chịu siêu lũ lụt (megaflood).
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Science Advances xác định biến đổi khí hậu làm tăng gấp đôi nguy cơ xảy ra lũ lụt thảm khốc ở California trong 4 thập kỷ tới.
Nhà khoa học khí hậu Daniel Swain thuộc đại học California (UCLA) - người tham gia thực hiện nghiên cứu nêu trên - định nghĩa siêu lũ lụt là một trận lũ nghiêm trọng xảy ra trên một khu vực rộng lớn, gây ra thiệt hại thảm khốc cho cộng đồng ở khu vực bị ảnh hưởng. Ví dụ tiêu biểu là trận lũ “nghìn năm có một” tại St. Louis (bang Missouri) và phía đông bang Kentucky mùa hè qua, nhưng xảy ra trên quy mô lớn hơn chẳng hạn như toàn California.
Giới chuyên gia cảnh báo lũ như vậy sẽ biến vùng đất thấp của California thành “vùng biển trên đất liền rộng lớn”. Bang từng hứng chịu một trận lũ lịch sử, nhưng biến đối khí hậu khiến khả năng xảy ra thảm họa thảm khốc tăng lên: mỗi 25 - 50 năm.
California rất dễ bị lũ lụt vì các “sông khí quyển” (atmospheric river) – dòng khí ẩm mạnh xuyên qua bầu khí quyển Trái đất. Theo nghiên cứu đăng trên Science Advances, “sông khí quyển” nay có thể duy trì suốt nhiều tuần.
Vùng bị tàn phá nặng nề nhất California sẽ là Thung lũng Trung tâm với Sacramento, Fresno, Bakersfield – diện tích xấp xỉ hai bang Vermont và Massachusetts cộng lại, tạo ra 1/4 nguồn cung lương thực toàn nước Mỹ. Thiệt hại một siêu lũ gây ra ước tính gấp 5 lần cơn bão Katrina (thảm họa gây thiệt hại lớn nhất lịch sử Mỹ tính đến hiện tại).
Nghiên cứu nêu trên là một trong chương trình nghiên cứu ba phần nhằm làm rõ tác động mà siêu lũ sẽ mang lại cho California trong tương lai, qua đó xây dựng phương án ứng phó. Hiện chưa thể xác định thời điểm siêu lũ xảy ra.
Thảm họa lặp lại, thiệt hại lớn hơn
Hơn 150 năm trước, một loạt “sông khí quyển” gây nên trận lũ lịch sử ở California.
Lũ đến vào mùa đông 1861-1862, biến các thung lũng San Joaquin và Sacramento thành “biển trên đất liền”. Một số điểm duy trì mực nước hơn 9 mét suốt nhiều tuần, xóa sổ hạ tầng, đất nông nghiệp, thị trấn. 4.000 người mất mạng, 1/3 tài sản của bang bị phá hủy, 1/4 số gia súc chết đuối hoặc chết đói, 1/8 số nhà mất hoàn toàn do nước lũ.
Nhà khoa học Swain cảnh báo siêu lũ như vậy hoàn toàn có thể xảy ra lần nữa, nhưng tồi tệ và thường xuyên hơn. Ông chỉ ra rằng nhiều thành phố hiện tại được xây dựng trên lớp trầm tích lũ lụt năm xưa, khiến nhiều người ở vào tình thế nguy hiểm hơn.
Năm 1862 California chỉ có khoảng 500.000 dân. Nay dân số của bang là hơn 39 triệu.
Biến đổi khí hậu làm tăng lượng mưa mà bầu khí quyển có thể chứa và khiến nhiều nước trong không khí rơi xuống dưới dạng mưa hơn, dễ gây nên lũ lụt ngay lập tức. Thái Bình Dương nằm ngay bên cạnh California giống như “hồ chứa hơi nước vô hạn”, theo nhà khoa học Swain.