Bắc Cực có thể lần đầu không có băng vào mùa hè năm 2027, tức là toàn bộ băng biển tan chảy. Điều này càng làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu và thời tiết khắc nghiệt.
Kiến thức - Học thuật

Báo động: Bắc Cực có nguy cơ tan sạch băng vào 2027

Anh Tú 16:00 08/12/2024

Bắc Cực có thể lần đầu không có băng vào mùa hè năm 2027, tức là toàn bộ băng biển tan chảy. Điều này càng làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu và thời tiết khắc nghiệt.

bang.jpg
Bắc Cực ngày càng gia tăng nhiệt độ

Lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã đưa ra dự đoán thời điểm ngày đầu tiên không có băng có thể xảy ra ở cực bắc của hành tinh. Nhà khí hậu học Alexandra Jahn của Đại học Colorado Boulder và Céline Heuzé từ Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, đã sử dụng các mô hình máy tính để tính toán thời điểm trên. Một Bắc Cực không có băng có thể tác động đáng kể đến hệ sinh thái và khí hậu của Trái đất.

Jahn - Phó giáo sư tại Khoa Khoa học Khí quyển và Đại dương đồng thời là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Núi cao của Đại học Colorado Boulder, cho biết: "Ngày đầu tiên không có băng ở Bắc Cực sẽ không làm thay đổi mọi thứ một cách đáng kể. Nhưng nó cũng cho thấy rằng chúng ta đã thay đổi cơ bản một trong những đặc điểm xác định của môi trường tự nhiên ở Bắc Băng Dương thông qua khí thải nhà kính. Hãy nhớ phía bắc của Bắc Băng Dương vốn bị bao phủ bởi băng biển và tuyết quanh năm".

Phát hiện này mới được công bố trên tạp chí Nature Communications. Jahn cũng sẽ trình bày kết quả vào ngày mai (9.12) tại cuộc họp thường niên của Liên minh Địa vật lý Mỹ tại Washington D.C.

Bắc Cực xanh

Khi khí hậu ấm lên do lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng, băng biển ở Bắc Cực đã biến mất với tốc độ chưa từng có là hơn 12% mỗi thập niên.

Vào tháng 9, Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia (Mỹ) đã báo cáo rằng mức băng biển Bắc Cực tối thiểu trong năm nay (tức ngày có lượng nước biển đóng băng ít nhất ở Bắc Cực) rơi vào một trong những mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1978.

Với diện tích 4,28 triệu km vuông, mức tối thiểu trong năm nay chỉ cao hơn mức thấp nhất mọi thời đại được ghi nhận vào tháng 9.2012. Thế nhưng, diện tích đó vẫn thể hiện sự suy giảm rõ rệt so với con số trung bình mức về độ bao phủ băng tối thiểu từ năm 1979 đến năm 1992 là 6,85 triệu km vuông.

Khi Bắc Băng Dương có ít hơn 1 triệu km vuông băng, các nhà khoa học cho biết Bắc Cực sẽ không có băng.

Các dự báo trước đây về sự thay đổi của băng biển Bắc Cực tập trung vào việc dự đoán thời điểm Bắc Băng Dương sẽ không còn băng trong trọn vẹn một tháng. Nghiên cứu trước đây của Jahn cho thấy tháng không có băng đầu tiên sẽ xuất hiện vào những năm 2030.

Khi điểm tới hạn đến gần, Jahn tự hỏi khi nào xuất hiện ngày hè đầu tiên làm tan chảy hầu như toàn bộ băng biển Bắc Cực. Heuzé cho biết: "Vì ngày đầu tiên không có băng có khả năng xảy ra sớm hơn tháng đầu tiên không có băng, nên chúng tôi muốn chuẩn bị. Điều quan trọng nữa là phải biết những sự kiện nào có thể dẫn đến việc tan chảy toàn bộ băng biển ở Bắc Băng Dương".

Khả năng thấp nhưng không thể loại trừ

Jahn và Heuzé đã dự đoán/ước tính ngày đầu tiên Bắc Cực không có băng bằng cách sử dụng kết quả từ hơn 300 mô phỏng máy tính. Họ phát hiện ra rằng hầu hết các mô hình đều dự đoán rằng ngày đầu tiên không có băng có thể xảy ra trong vòng 9 đến 20 năm sau năm 2023 bất kể con người thay đổi lượng khí thải nhà kính như thế nào. Thậm chí, có một số mô hình dự đoán ngày sớm nhất không có băng ở Bắc Băng Dương có thể xảy ra trong vòng ba năm.

Đây là một kịch bản cực đoan nhưng vẫn có khả năng xảy ra nếu dựa trên các phần mềm tính toán. Tổng cộng, 9 mô phỏng cho thấy một ngày không có băng có thể xuất hiện trong khoảng 3 đến 6 năm nữa.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt có thể làm tan chảy hai triệu km2 băng biển trở lên trong một thời gian ngắn: Một mùa thu ấm áp bất thường đầu tiên làm suy yếu băng biển, sau đó là mùa đông và mùa xuân ấm áp ở Bắc Cực ngăn không cho băng biển hình thành. Khi Bắc Cực trải qua tình trạng ấm lên cực độ như vậy trong ba năm trở lên liên tiếp, ngày không có băng đầu tiên có thể xảy ra vào cuối mùa hè.

Điều đáng nói, những năm ấm áp như vậy đã xảy ra thường xuyên gần đây. Ví dụ, vào tháng 3.2022, một số khu vực của Bắc Cực ấm hơn 10 độ C so với mức trung bình và các khu vực xung quanh Bắc Cực gần như tan chảy. Theo Heuzé, với biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết như vậy sẽ chỉ tăng lên theo thời gian.

Băng biển bảo vệ Bắc Cực khỏi tình trạng nóng lên bằng cách phản xạ ánh sáng mặt trời chiếu vào trở lại không gian. Với băng ít xuất hiện hơn, vùng nước biển tối hơn sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn từ Mặt trời, làm tăng thêm nhiệt độ ở Bắc Cực cũng như trên toàn cầu. Ngoài ra, việc Bắc Cực nóng lên còn có thể thay đổi các mô hình gió và dòng hải lưu, dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cũng có tin tốt: Theo nghiên cứu, việc cắt giảm mạnh lượng khí thải có thể làm chậm tiến độ không còn băng ở Bắc Cực và rút ngắn thời gian đại dương không còn băng. Jahn kêu gọi: "Bất kỳ sự cắt giảm nào về lượng khí thải cũng sẽ giúp bảo tồn băng biển".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo động: Bắc Cực có nguy cơ tan sạch băng vào 2027