Sáng sớm nay (8.11), bão Yinxing đã đi vào vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vào hồi 10 giờ (ngày 8.11), vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,3 độ vĩ bắc; 118,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14 (134 - 166km/giờ), giật cấp 17. Di chuyển theo hướng tây tân nam, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Từ 72 - 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được 10 - 15km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 14, giật cấp 17, sóng biển cao 4 - 6m, vùng gần tâm 6 - 8m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Ngoài ra, ngày và đêm 8.11, ở vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa); vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8.
Cảnh báo: Ngày và đêm 9.11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 7 - 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 16, biển động dữ dội; sóng biển cao từ 4 - 6m, vùng gần tâm bão 6 - 8m.
Vùng biển từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 4m.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2; riêng khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.
Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Theo thông tin dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn số, từ ngày 3 - 10.11.2024, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn.
Sau ngày 10.11, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt mưa lớn.
Trong đó, nửa đầu tháng 11, mưa lớn tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, mưa lớn tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ kéo dài trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ bão số 6, nhất là tại các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Cuối cùng, thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.