Hai con lợn chết chưa rõ nguyên nhân bị vứt dưới một kênh nước xã Phong Hiền, H.Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) được người dân đưa hình lên mạng xã hội, sau đó đã được lực lượng thú y xử lý.
>> Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Thừa Thiên-Huế
Ngày 19.3, lực lượng thú y H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải xử lý chôn lấp, tiêu độc khử trùng hai con lợn chết chưa rõ nguyên nhân bị vứt bỏ tại một kênh nước bên dưới cây cầu thuộc tỉnh lộ 11C, đoạn qua thôn Triều Dương, xã Phong Hiền, H.Phong Điền.
Trước đó, sự việc được người dân phát hiện và quay video phát lên mạng xã hội Facebook vào chiều 18.3. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng thú y huyện xử lý để phòng ngừa dịch bệnh.
Lợn chết bị vứt bừa bãi ở xã Phong Hiền, H.Phong Điền, Thừa Thiên -Huế được người dân ghi hình đưa lên mạng xã hội
Như Một Thế Giới đã thông tin, ngày 18.3 cơ quan thú y xác định dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, H.Phong Điền. Mặc dù cách xa nhau giữa hai địa phương xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi và nơi vứt heo chết, nhưng việc vứt lợn chết bừa bãi đã thêm vất vả cho lực lượng chống dịch, gây bức xúc và lo lắng cho người dân.
Theo ghi nhận tại xã Phong Sơn, ngày 19.3 lực lượng phòng chống dịch đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phunhóa chất tiêu độc khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Hiện Thừa Thiên -Huế cũng như Quảng Trị đang siết chặt công tác phòng chống dịch. Riêng tại Thừa Thiên -Huế hiện đã thành lập 9 chốt kiểm tra, kiểm soát trên QL1, QL49, khu vực cửa khẩu…
Theo chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên -Huế, dịch tả lợn châu Phi chỉ gây ra thiệt hại kinh tế khi tỷ lệ lợn chết rất cao nếu mắc bệnh, tuy nhiên người dân không quá lo ngại cho sức khỏe khi bệnh không truyền từ lợn sang người. Riêng việc dùng thực phẩm lợn nếu rõ nguồn, có kiểm dịch thì vẫn an toàn. Hiện loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh, nếu người chăn nuôi thấy lợn xuất hiện các triệu chứng đau sốt bất thường thì cần phải báo ngay cho cơ quan chức trách, cấm không được mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh.
Nhật Lam