Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên đã xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế, dù địa phương này có nhiều nỗ lực ngăn chặn. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn tỉnh này đang thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế ổ dịch này.
Chiều 18.3, lực lượng phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Thừa Thiên – Huế đã tiến hành tiêu hủy một số con lợn còn lại trong đàn lợn của một hộ chăn nuôi nhỏ ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, kết quả kiểm tra mẫu bệnh phẩm lấy trên đàn lợn 6 con của hộ dân này dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Đây được xác định là ổ dịch đầu tiên của loại dịch bệnh này phát hiện ở Huế. Ông Hưng cho biết thêm Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi của tỉnh đã thực hiện các biện pháp chốt chặn, tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch nhằm tránh lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Theo Bộ NN-PTNT tại Việt Nam, tính đến ngày 16.3.2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 253 xã, 57 huyện của 18 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút bệnh ở mọi loại lợn (lợn nuôi, kể cả lợn cảnh và lợn rừng); lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế; hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; bệnh không lây sang người.
Nhật Lam