Trong tuần vừa qua, một đoạn clip ngắn về loài “thỏ biển” với hình dạng vô cùng đáng yêu đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet.
“Thỏ biển” thực chất là một loài sên biển, có tên khoa học là Jorunna Parva, thuộc ngành thân mềm (Mollusca), lớp Chân bụng (Gastropoda) tương tự như ốc. Điểm khác biệt là các loài sên biển không có vỏ ngoài hoặc vỏ ngoài đã bị tiêu giảm. Chúng thường có kích thước dưới 2,5cm và có thể được tìm thấy ở vùng biển Indo - Pacific (bao gồm Ấn Độ Dương cùng Tây và Trung Thái Bình Dương). Màu sắc của “thỏ biển” trong đoạn clip được chia sẻ phổ biến là màu trắng, tuy nhiên trong thực tế, màu sắc thường gặp của loài sinh vật này lại thường là vàng hoặc cam.
Những chú “thỏ biển” này có vẻ ngoài mềm mại như một chú thỏ trên đất liền là nhờ các tua hình que (gọi là caryophyllidia) phủ khắp trên lưng chúng. Theo chuyên gia Angel Valdes về sên biển tại Đại học California State Polytechnic, chức năng của các tua này vẫn chưa được tìm hiểu chính xác, rất có thể chúng đóng vai trò là cơ quan xúc giác của loài này.
Bộ phận “tai thỏ” có hình dạng như xúc tu ở phần đầu của chúng được xác định là cơ quan xúc giác chính (gọi là rhinophore) có chức năng phát hiện các chất hòa tan trong nước và nhờ đó mà chúng tìm được nguồn thức ăn và bạn tình. Các cơ quan này hoạt động càng hiệu quả hơn nhờ được phủ bởi lớp các vây nhỏ, giúp khuếch đại khả năng nhận biết chất hòa tan trong nước của J.parva.
Mặc dù tuổi đời khá ngắn ngủi nhưng một điều may mắn là “thỏ biển” hoàn toàn không phải lo lắng về các loài ăn thịt khác nhờ độc tính rất mạnh của chúng. Valdes đã miêu tả về độc tính của J.parva như sau: “bất kỳ ai cố gắng ăn chúng chắc chắn sẽ phải trải qua khoảng thời gian cực kỳ khó chịu sau đó”. Độc tính này chủ yếu là từ nguồn thức ăn chính của sên biển: bọt biển. Thậm chí một số loài sên biển khác còn có thể lấy độc từ loài sứa và dùng nó cho việc tự vệ.
Anh Nhi (Theo National Geographic)