Bất chấp mưa rét, hàng nghìn gia đình đã phải chen chân chờ đợi cho con được xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội.
Tính đến thời điểm chiều 16.3, bệnh viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương đã tiếp nhậntới hơn 1.000 bé ở Bắc Ninh được phụ huynh đưa đến xét nghiệm tìm bệnh sán lợnvà con số này đang tiếp tục tăng.
Được biếtđơn vị cung cấp thực phẩm là Công ty Hương Thành đã cung cấp không chỉ cho trường mầm non Thanh Khương mà còn cung cấp cho 19 trường học tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ngay từ sáng sớm, bất chấp mưa lạnh nhiều phụ huynh đã phải đưa con lên Hà Nội để khám bệnh do trước đó đã có thông tin nhiều học sinh bị nhiễm sán lợn. Nhiều trẻ được bố mẹ đưa đến với mong muốn duy nhất là được xét nghiệm để xem con mình có bị nhiễm sán lợn hay không.
Các bậc phụ huynh tự tập hợp và thuê xe để ra hai viện lớn của Hà Nội xét nghiệm, toàn bộ kinh phí tự túc,cuộc sống của các hộ gia đình có trẻ học mầm non ở huyện Thuận Thành đang bị đảo lộn mạnh.
Tính đến sáng 17.3 đã có tới gần 100 trẻ đến từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được chuẩn đoán là dương tính với nhiễm sán lợn. Con số này chưa dừng lại bởi hàng nghìn phụ huynh có con học tại gần 20 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành vẫn đang chờ kết quả từ phía bệnh viện.
Nhiều phụ huynh đã bức xúc vì cho tới thời điểm này cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Trong khi đó, trước sự việc hàng loạt trẻ tại trường mình bị nhiễm sán lợn, khi được hỏi về phương án xử lý, ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh, bà Nguyễn Thị Mây - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương cho biết, trường vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng rồi mới tính phương án tiếp.
Đưa ra ý kiến của mình, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em – cho rằng, các cơ quan bảo vệ về trẻ em cần lên tiếng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân khiến hàng chục trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn.
“Cuộc đời làm y khoa, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân bị di chứng do sán chui vào não làm tổ. Có người đã mất mạng vì ăn phải những thực phẩm nhiễm sán, nên cơ quan chức năng không thể thờ ơ trước sự việc này. Nếu nguyên nhân do thực phẩm bẩn thì đơn vị cung cấp thực phẩm, Hiệu trưởng, người đứng đầu Phòng giáo dục, lãnh đạo địa phương… để xảy ra việc đều cần bị xử lý trước pháp luật. Nếu che giấu, không quyết liệt xử lý sự việc cũng là tội ác, tiếp tay cho những kẻ bất lương. Sự vô cảm của cơ quan chức năng sẽ đầu độc, gây nguy hại cho sức khỏe của nhiều đứa trẻ”- bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.
Đưa ra lo lắng của mình, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, bệnh sán lợn nếu điều trị sớm thì sức khỏe của các cháu cũng vẫn bị ảnh hưởng, nhưng nếu gia đình giấu hoặc không đưa con đi khám bệnh thì lại rất nguy hiểm và dẫn đến hậu quả khôn lường.
Các ấu trùng này cư trú khắp nơi trong cơ thể trẻ, nhất là ưa thích ẩn cư ở não. Ấu trùng sán gây ra những cơn đau đầu thường xuyên cho trẻ. Đặc biệt khi ấu trùng cư trú trên da mặt nếu không biết mà điều trị, sẽ gây biến dạng khuôn mặt bởi những ổ ấu trùng nằm ở dưới lớp da.
Bên cạnh đấy, Bộ GD-ĐT cũng đã gửi công văn yêu cầu Sở Giáo dục Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện trong trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành) và hàng chục học sinh có kết luận dương tính với sán lợn.
Trao đổi với phóng viên tối 16.3, bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh xác nhận, tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xét nghiệm và hỗ trợ chi phí xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành. Ngành Y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho các trẻ ở một số trường mầm non nghi nhiễm sán (các trường có thực phẩm do công ty Hưng Thành cung cấp), sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện đầu ngành để làm xét nghiệm…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Dạ Thảo