Myanmar nổi tiếng khắp thế giới với hàng nghìn ngôi chùa cổ kính, kiến trúc độc đáo. Đằng sau những công trình kiến trúc kỳ vĩ này còn có nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng biết.

Bí ẩn các ngôi đền, chùa linh thiêng trên đất nước Myanmar

Ngoisao | 08/11/2016, 13:41

Myanmar nổi tiếng khắp thế giới với hàng nghìn ngôi chùa cổ kính, kiến trúc độc đáo. Đằng sau những công trình kiến trúc kỳ vĩ này còn có nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng biết.

Chùa Shwedagon có 8 sợi tóc của Đức Phật

Shwedagon là ngôi chùa vàng thiêng liêng nhất ở Myanmar nằm ở thành phố Yangon, với thân và ngọn tháp dát vàng ròng, còn đỉnh gắn hàng nghìn viên kim cương và hồng ngọc. Theo truyền thuyết, hai anh em từ thành phố Balkh (ngày nay là Afghanistan) đã gặp Đức Phật và được tặng 8 sợi tóc. Sau đó, hai người di chuyển đến Miến Điện (nay là Myanmar), dưới sự giúp đỡ của người cai trị trong vùng đã tìm thấy ngọn đồi Singuttara - nơi mà họ đã xây dựng nên ngôi chùa này. Bảo tháp trên đỉnh mái vòm chính của ngôi đền có một chiếc vương miện nạm hơn 7.000 viên kim cương và đá quý. Lớn nhất là viên kim cương 74 carat.

Kiến trúc sư của ngôi đền Ananda đã bị giết

Ananda là ngôi đền tôn kính ở Bagan, được xây dựng dựa trên ý kiến của 8 nhà sư từ đền Nandamula ở dãy núi Himalaya. Thời bấy giờ, nhà vua đã yêu cầu các nhà sư xây dựng ngôi đền ở giữa vùng đồng bằng Bagan để mô tả lại cho giống bản gốc. Tuy nhiên, theo chuyện xưa kể lại, sau khi hoàn thành việc xây dựng, nhà vua đã ra lệnh giết các nhà sư để đảm bảo sự độc đáo của ngôi đền không bị lập lại ở bất cứ nơi đâu.

Bagan từng có hơn 10.000 ngôi đền, chùa và tu viện

Bagan từng là kinh đô cổ của vương quốc Pagan. Đây là vương quốc đầu tiên thống nhất được các vùng của Myanmar ngày nay. Trong triều đại kéo dài suốt 250 năm, các vị vua Pagan và người dân đã xây dựng hơn 10.000 di tích tôn giáo trên diện tích 104 km2. Ngày nay, chỉ còn khoảng 2.200 ngôi đền, chùa từ thời này còn tồn tại.

Chùa Shwezigon được quyết định xây dựng bởi một con voi trắng

Shwezigon cũng là một ngôi đền cổ thiêng liêng ở vùng đất Bagan. Người ta tin rằng vị trí của ngôi chùa đã được xác định bởi một chú voi trắng mang trên mình vết tích xương trán của Đức Phật. Chú voi này được phép di chuyển tự do trong khu vực và nếu nó dừng lại bất cứ đâu thì đó sẽ là nơi được dành cho xây dựng ngôi đền. Chùa nằm ở trung tâm của một khu vực rộng lớn, xung quanh có nhiều đền thờ và chùa khác. Shwezigon có cấu trúc chùa tháp lộng lẫy giống như chùa Shwedagon nổi tiếng ở Yangon.

Đền Dhammayangyi được xây dựng bởi vị vua tàn nhẫn

Ngôi đền Dhammayangyi bằng gạch nung giữa quần thể Bagan cổ nổi tiếng với hình dáng là một chiếc kim tự tháp to lớn, đồ sộ, lấn át mọi công trình khác. Và mô hình kim tự tháp này cũng hoàn toàn khác với những đền tháp truyền thống của Phật giáo Myanmar, thường là hình stupa với tháp nhọn vút lên trời.

Ngày nay, người Myanmar vẫn chưa có lời giải thích vì sao vua Narathu lại chọn kiểu kiến trúc này. Huyền thoại kể rằng vua Narathu đã giết cha và anh trai để chiếm ngôi. Nhưng khi lên ngôi, có lẽ vì lo tạo nghiệp xấu nên ông đã cho xây đền cúng Phật. Trong đó, một cửa đền có 2 bức tượng Phật, được ông thực hiện, tái tạo như hiện thân của cha và anh trai.

Nhưng theo giải thích trong một số sách cổ, đây là pho tượng của hai Đức Phật: Phật Thích ca và Phật Di lặc. Người dân Myanmar vẫn truyền tai nhau, vua Narathu rất hà khắc, ông sẵn sàng chặt tay bất cứ nhân công nào nếu công việc xây dựng đền không hoàn hảo, các viên gạch phải được đặt khít vào nhau đến mức một cây ghim không thể xiên qua.

Hang động Pindaya có khoảng 9.000 tượng Phật

Hệ thống hang động đá vôi Pindaya tọa lạc tại bang Shan, Myanmar. Hang động này nổi tiếng bởi có rất nhiều tượng Phật với những phong cách nghệ thuật đặc thù đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Các hang động Pindaya - nơi cất giữ bảo vật xứ chùa tháp từ thế kỷ 18 - là địa điểm hành hương quan trọng của các tín đồ Phật giáo Myanmar và cũng là điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.

Có tất cả 3 hang động nhưng chỉ có hang phía Nam là có thể tham quan. Hang động này dài 150m chứa tổng cộng có trên 8.000 tượng Phật và tháp Xá Lợi. Đặc biệt trong số này là 70 tượng Phật mang phong cách độc đáo của truyền thống Bhisakkaguru (Dược Sư) khoảng vào những năm 1790. Mỗi hình tượng có một hình dáng và kiểu cách riêng biệt, mỗi phong cách lại đại diện cho những thời đại khác nhau.

Truyền thuyết về ngôi đền này có liên quan đến bức điêu khắc hình nhện ở cửa động. Truyện kể rằng có 7 nàng công chúa bị một con yêu quái nhện nhốt vào trong động. Đúng lúc này có một hoàng tử đi qua và nghe thấy tiếng kêu cứu của họ. Nàng công chúa cả đã hứa sẽ để cô em út cưới chàng nếu giết được con quái vật và giải thoát cho họ. Sau đó chàng đã giành chiến thắng và được như nguyện ý.

Núi Popa được xem là Olympia của người Myanmar

Đây là điểm hành hương lớn và thờ nhiều vị thần tối cao của Myanmar. Đây được xem là ngôi nhà huyền thoại của "linh hồn" Taung Kalat, nơi thờ phụng 37 vị Nat hay còn gọi là những vị thánh trong tín ngưỡng dân gian, thần bảo hộ cho những người cơ cực ở Myanmar. Ở đây có rất nhiều ngôi đền và các di tích tôn giáo. Để lên đến đỉnh ngọn núi, du khách phải vượt qua 777 bậc thang (chừng 45 phút). Người Miến Điện cho rằng không nên mặc màu đỏ, đen hoặc xanh lá cây và phải mang thịt khi lên núi.

Sợi tóc của Đức Phật được chôn cất tại chùa Kyaiktiyo

Chùa Kyaikhtiyo có lịch sử hơn 2.500 năm, nằm cách Yangon khoảng 210 km. Kyaikhtiyo được xây trên một hòn đá nằm ở độ cao 1.100 m so với mực nước biển. Hòn đá cao 7,3 m và chu vi 15,2 m được gọi là "Hòn đá vàng" (Golden Rock) bởi vì cả hòn đá và ngôi chùa được dát kín bằng vàng lá. Theo tiếng của người Mon, "Kyaikhtiyo" có nghĩa là “ngôi chùa được đặt trên đầu của vị tu sĩ”.

Theo truyền thuyết, trong lần Đức Phật đến đây truyền đạo, ông đưa cho tu sĩ Taik Tha một sợi tóc. Sợi tóc này được cất vào hòn đá trong ngôi chùa nhỏ đặt ở đồi Kyaikhtiyo. Tuy nhiên, phụ nữ không được phép chạm vào tảng đá và do vậy cũng không được phép băng qua cây cầu ở gần đây.

Theo Linh San/Ngoisao
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn các ngôi đền, chùa linh thiêng trên đất nước Myanmar