Các kỳ trước
Kỳ 1: Lấy cớ quân Việt lấn biên, nhà Nguyên phát động chiến tranh lần 3
Kỳ 2: Nhà Nguyên tính dùng cả triệu người đánh Đại Việt, dân Hán lầm than
Kỳ 3: Được trả 5 vạn tù binh, nhà Nguyên vẫn không nguội dã tâm
Kỳ 4: Quân Nguyên kinh hoàng trước tài bắn cung nỏ của Đại Việt
Kỳ 5: Nhà Trần tung cú đấm vào mạng mỡ quân Nguyên, cục diện đảo chiều
Kỳ 6: Quân Trần đánh tan triều đình bù nhìn do nhà Nguyên ngụy dựng
Kỳ 7: Quân Nguyên lạc lối giữa mê cung Đại Việt
Kỳ 8: Hưng Đạo vương dùng thủy binh đại chiến Ô Mã Nhi
Kỳ 9: Quân Nguyên tìm cách rút lui trong danh dự cũng không xong
Kỳ 10: Quân Trần bắt sống Ô Mã Nhi, xóa sổ thủy quân nhà Nguyên
Kỳ 11: Quân Trần dùng liên hoàn kế, truy kích Thoát Hoan
Kỳ 12: Nhà Trần luận công ban thưởng, trừng trị kẻ hàng Nguyên
Kỳ 13: Thua trận thảm hại, nhà Nguyên vẫn ngạo mạn khi đòi tù binh
Kỳ 14: Bất chấp yêu cầu của triều Nguyên, nhà Trần vẫn bắt Ô Mã Nhi đền tội
Kỳ 15: Nhà Nguyên chưa nguôi hận, muốn phát động chiến tranh lần 4
Tháng 3.1293, sứ Nguyên về nước. Sứ đoàn Đại Việt do Đào Tử Kỳ, Lương Văn Tảo cũng tiếp sang Nguyên ngay sau đó. Hốt Tất Liệt vẫn ôm mối hận với Đại Việt vì lẽ nước ta không chịu khuất phục, giam lỏng sứ đoàn không cho về. Quân Nguyên đi đánh nước Trảo Oa (Java, nay thuộc Indonesia) thất bại. Bọn Diệc Hắc Mê Thất, Cao Hưng, Sử Bật kéo binh thuyền trở về trở về vào tháng 8.1293. Hốt Tất Liệt càng nung nấu ý muốn thôn tính Đại Việt để thôn đường tiến xuống phía nam, triệu Lưu Quốc Kiệt Bạt Đô (Bạt Đô tức là dũng sĩ) vào triều để giao việc, nói rằng: “Trảo Oa đã được lại mất, khanh hãy vì trẫm mà đi một chuyến”.
Quốc Kiệt trả lời: “Trảo Oa là vật ở đầu ngón tay, An Nam là vật nằm trong bàn tay, thần xin vì bệ hạ mà chiếm lấy”
Hốt Tất Liệt tiếp lời: “Việc đó như ngứa trong tim, không phải gãi mà đến được. Lời khanh nói thật hợp ý ta”
Vua tôi nước Nguyên lại một lần nữa quyết chí đánh Đại Việt. Hốt Tất Liệt lệnh thành lập Hồ Quảng An Nam hành tỉnh, giao cho Lưu Quốc Kiệt làm tướng soái, cùng thân vương Diệp Cát Lý Đải (Ikiradai) với các tướng Trần Nham, Triệu Tu Kỷ, Vân Tòng Long, Trương Văn Hổ, Sầm Hùng … chuẩn bị việc nam chinh. Lưu Quốc Kiệt được lệnh đến Ngạc Châu bàn bạc với Trần Ích Tắc kế hoạch. Ban đầu, Nguyên triều điều động 1.000 chiếc thuyền, mỗi chiếc chứa được 100 hộc, 56.570 quân, 35 vạn thạch lương thực, hai vạn thạch thức ăn cho ngựa, 21 vạn cân muối, 70 vạn khí giới tập trung ở Tĩnh Giang (thuộc Quảng Tây), lấy cớ là dẹp giặc ngoài biên giới để Đại Việt không đề phòng. Bấy giờ có tù trưởng tên Hoàng Thánh Hứa, vốn là tri châu Thượng Tư (thuộc Thượng Lang, Cao Bằng ngày nay), đã đơn phương nổi dậy, đem hàng vạn quân dân dưới trướng đánh phá Ung Châu. Nguyên triều muốn lấy việc đánh dẹp Hoàng Thánh Hứa làm bình phong cho việc tập trung quân tấn công Đại Việt. Từ năm 1293 đến 1294 việc tập trung lực lượng, của cải, mộ quân diễn ra khẩn trương. Quảng Đông được lệnh đóng thêm 500 chiến thuyền, dân vùng Quảng Tây được lệnh làm đồn điền để chu cấp cho quân xâm lược.
Việc chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ tư đang gấp rút chuẩn bị thì đến ngày 18.2.1294, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt chết vì bệnh gút và béo phì đã lâu ngày. Thái tử Thiết Mộc Nhĩ lên kế vị, thường được sử gọi là Nguyên Thành Tông. Vua mới của Nguyên Mông không có lòng hận Đại Việt như Hốt Tất Liệt, nhân cớ trong nước có tang mà xuống lệnh bãi binh, thả sứ giả, gửi thư sang Đại Việt:
“Đức Tiên Hoàng đế mới thăng hà, ta nối nghiệp lớn lao. Ban đầu lên ngôi, đại xá cả thiên hạ, ân lớn ấy thấm đến tất cả mọi nơi không phân biệt trong ngoài gần xa. Khanh cũng được hưởng sự khoan hồng của ta, nên ta đã hạ sắc dụ cho các quan bãi binh, còn tên bồi thần là Đào Tử Kỳ cũng cho về nước. Nay sai Thị Lang Bộ Lễ là Lý Hãn, Lang Trung Bộ Binh là Tiêu Thái Đăng phụng chiếu cho biết từ nay về sau, phải giữ gìn và tôn thờ thiên oai. Khanh phải nên xem mà tuân theo lời chiếu” (theo An Nam Chí Lược).
Như vậy là cuối cùng nước Nguyên cũng để cho Đại Việt được yên ổn, không còn bắt vua ta phải sang chầu nữa. Từ đó về sau, Đại Việt tạm yên mặt bắc, muôn dân chuyên việc làm ăn. Từ năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho thái tử Thuyên, tức Trần Anh Tông. Dưới sự trị vì của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông, nước Đại Việt bước vào kỷ nguyên cực thịnh. Bấy giờ uy danh Đại Việt đối với lân bang rất lớn vì đã ba lần đại thắng quân Nguyên. Các nước Chân Lạp, Chiêm Thành, các mường Ai Lao đều cống nạp xưng thần. Kể cả nước Nguyên cũng vị nể Đại Việt đôi phần. Cũng nhờ việc giữ được đất nước, Đại Việt đã che chắn cho vùng Đông Nam Á tránh khỏi vó ngựa Nguyên Mông giày xéo.
Cuộc chiến với Nguyên Mông là một mảnh quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Có thể nói rằng nó quyết định trực tiếp đến sự tồn vong của giống nòi người Việt. Quyết định chống lại sự ngang ngược của Nguyên Mông, triều đình nhà Trần đã đặt vận mệnh dân tộc vào một tình thế hoặc là chiến thắng, hoặc là chết. Người Mông Cổ có động cơ chiến tranh tương đối khác biệt với những đế chế Trung Hoa thời trước. Các đế chế Hán, Đường, Tống… tuy rất bạo ngược với dân ta nhưng động cơ chiến tranh của họ vẫn chỉ đơn thuần là cướp bóc của cải, bành trướng lãnh thổ, bắt nhân dân các nước bị thôn tính phải quy phục và trở thành đối tượng bóc lột của đế chế.
Riêng đối với người Mông Cổ, ngoài những động cơ chiến tranh kể trên còn có động cơ trả thù rất lớn. Vì trả thù, quân Mông Cổ đã từng tàn sát những dân tộc, quốc gia chống đối một cách vô cùng tàn nhẫn. Đối với họ, sự giết chóc trả thù đối phương dám chống lại mình vừa là hành động thị uy, khẳng định sức mạnh, vừa để thỏa mãn cơn say máu của những kẻ chinh phục. Tại đế chế Hoa Thích Tử Mô (Khwarezm) tổng cộng đã có hàng triệu người bị giết sau khi thất thủ trước vó ngựa Mông Cổ, nhiều thành phố nổi tiếng đông dân bị xóa sổ. Người Nữ Chân, chủ thể đế chế Kim ở Hoa Bắc và người Đảng Hạng, chủ thể nước Tây Hạ cũng bị tàn sát với mức độ khủng khiếp không kém.
Khi đánh bại đế chế Tống, người Mông Cổ còn tàn sát với quy mô lớn hơn nữa. Đã có hàng chục triệu người Tống, người Kim bị giết trong những cuộc chiến dài hàng chục năm trời. Các cuộc diệt chủng lớn tới mức hầu như vẽ lại bản đồ nhân chủng tại khu vực Trung Á và hai đồng bằng sông Hoàng Hà, sông Trường Giang. Đối với một nước có dân số thuộc hàng trung bình thời này như Đại Việt, nhiều khả năng cũng sẽ là một cuộc diệt chủng nếu chẳng may quân dân ta bại trận. Nhưng cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, dân tộc Việt nhờ đó mà được trường tồn.
Có được thắng lợi về quân sự và ngoại giao với đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh, ba lần làm nên võ công kỳ vĩ ở thế kỷ 13 là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân khách quan, phải nói rằng đế chế Nguyên Mông thời này hầu như đã bành trướng đến điểm giới hạn mà họ có thể đạt được. Người Mông Cổ xuất thân từ thảo nguyên, không có kiến thức hàng hải tốt đã không thể tổ chức tốt những chuyến hải hành khoa học để xâm lược các đảo quốc và những nước ven biển như Đại Việt, Chiêm Thành, Trảo Oa, Nhật Bản…
Lại nói, lẽ thường khi lãnh thổ càng rộng lớn thì nguy cơ phân liệt cũng lớn theo. Chúng ta thấy rằng trong một số giai đoạn, đã xuất hiện những mâu thuẫn giữa các thế lực quân phiệt Mông Cổ. Cuộc chiến giữa những đội quân Mông Cổ với nhau đã góp phần làm suy yếu bớt lực lượng, gián đoạn một số kế hoạch xâm lược của Nguyên Mông. Ngoài ra cũng không thể không kế đến sự đấu tranh của nhân dân trong lãnh thổ đế chế Nguyên Mông chống lại sự cai trị hà khắc của triều đình. Các cuộc khởi nghĩa, bạo loạn trong nước đã khiến Nguyên triều tốn không ít lực lượng, tiền của, công sức, thời gian để đàn áp, đánh dẹp.
Về chủ quan,có thể thấy rằng chúng ta đã có một đội ngũ lãnh đạo tốt với hàng loạt danh tướng xuất sắc. Chúng ta cũng có các nền tảng kinh tế, quân sự, chính trị khá mạnh để tiến hành chiến tranh. Nhưng trước hết và quan trọng nhất phải kể đến chính là việc quân dân Đại Việt đã biết đoàn kết một lòng, phát huy hết các tiềm lực, các phẩm chất tốt nhất của mình trong chiến tranh. Cũng như lời của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã nói: “... Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước ra sức, nên bọn giặc phải chịu bị bắt...”
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai