Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
Cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
Không sau khi đánh bại 50 vạn quân Nguyên, quân dân nhà Trần lại phải chống đỡ cuộc xâm lược lần thứ 3 của nhà Nguyên

Thua trận thảm hại, nhà Nguyên vẫn ngạo mạn khi đòi tù binh

03/01/2017, 17:47

Cùng với Ô Mã Nhi còn rất nhiều tù binh nước Nguyên vẫn còn bị Đại Việt giữ lại. Triều đình nhà Trần phải cân nhắc rất thận trọng giữa việc xét xử tù binh và việc nối lại bang giao với nước Nguyên.

Hốt Tất Liệt nhà Nguyên

Kỳ 1: Lấy cớ quân Việt lấn biên, nhà Nguyên phát động chiến tranh lần 3

Kỳ 2: Nhà Nguyên tính dùng cả triệu người đánh Đại Việt, dân Hán lầm than​

Kỳ 3: Được trả 5 vạn tù binh, nhà Nguyên vẫn không nguội dã tâm​

Kỳ 4: Quân Nguyên kinh hoàng trước tài bắn cung nỏ của Đại Việt​

Kỳ 5: Nhà Trần tung cú đấm vào mạng mỡ quân Nguyên, cục diện đảo chiều

Kỳ 6: Quân Trần đánh tan triều đình bù nhìn do nhà Nguyên ngụy dựng​

Kỳ 7: Quân Nguyên lạc lối giữa mê cung Đại Việt​

Kỳ 8: Hưng Đạo vương dùng thủy binh đại chiến Ô Mã Nhi

Kỳ 9: Quân Nguyên tìm cách rút lui trong danh dự cũng không xong​

Kỳ 10: Quân Trần bắt sống Ô Mã Nhi, xóa sổ thủy quân nhà Nguyên​

Kỳ 11: Quân Trần dùng liên hoàn kế, truy kích Thoát Hoan​

Kỳ 12: Nhà Trần luận công ban thưởng, trừng trị kẻ hàng Nguyên​

Lại nói về việc Nguyên Mông sau thất bại thảm hại lần thứ 3 vẫn chưa từ bỏ ý muốn thôn tính Đại Việt. Tin bại trận về đến nơi, Hốt Tất Liệt lồng lộn nổi giận. Y đã lệnh cho Thoát Hoan ra ở đất Dương Châu, suốt đời không cho về kinh nhìn mặt.

Về phía triều đình Đại Việt, trước sau vẫn chỉ có mong muốn hai nước hòa hảo, dập tắt lửa chiến tranh. Vì thế, chỉ khoảng một tháng sau khi đánh bại quân xâm lược thì sứ giả Đại Việt đã sang nước Nguyên để mong nối lại bang giao. Tháng 5.1288, sứ bộ nước ta gồm Nguyễn Đức Vinh, Đoàn Khải Khung sang tặng cống phẩm, đưa biểu “tạ tội”. Trong tờ biểu có viết: “… Năm Chí Nguyên thứ 23 (1285), bình chương A Lý Hải Nha tham công ngoài biên giới, làm trái thánh chiếu. Vì thế mà sinh linh một phương nước nhỏ chúng tôi phải chịu lầm than. Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thủy bộ tiến đánh, cướp giết dân chúng già trẻ, phá phách sản nghiệp trăm họ, không sót điều tàn ác gì không làm... Đến khi nhờ được thái thương xót nghe theo lời kêu xin của nước chúng tôi. Đại quân về, tham chính Ô Mã Nhi lại đem quân ra ngoài biển, bắt hết nhân dân ven biển, lớn thì đốt, bé thì cướp đi, cho đến cả treo trói mổ cắt, vứt mình ở một nơi, đầu một ngả. Trăm họ bị bức đến chỗ chết, mới nổi cái họa chim cùng thú quẫn.

… Thấy bách tính đưa đến một người là đại vương Tích Lệ Cơ, nói là bậc quý thích của đại quốc. Thần từ hôm đó đã lễ đối đãi rất mực tôn trọng, kính hay không kính thì vương tất rõ, còn những hành vi tàn bạo của Ô Mã Nhi, vương trông thấy tận mắt, vi thần không dám nói dối. Tiểu quốc thủy thổ độc, viêm chướng nhiều, thần lo ở lại lâu y sinh ra bệnh tật, tuy vi thần có hết sức phụng dưỡng nhưng không khỏi bị những bọn tham công ngoài biên cương sàm tấu đặt điều cho nên tội. Vi thần kính xin sắm đủ lễ vật kíp đường sai người đến biên giới đưa đại vương về nước, ngoài ra đại quân rơi rớt lại còn hơn nghìn người, thần đã lệnh cho trở về hết, sau này nếu còn tìm được ngưòi nào, thần cũng sẽ cho về. Tiểu quốc gần đây gặp cơn binh lửa, vả hiện nay khí tròi còn nóng nực nên cống vật và sứ thần thực khố có ngay lập tức, đợi đến mùa đông mới sai người đi được...” (Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn).

Chúng ta thấy rằng trong thư từ ngoại giao với nước Nguyên, triều Trần đã tìm cách nói giảm, nói tránh đi thất bại ê chề của kẻ xâm lược để giữ cho Nguyên triều chút thể diện của một đế quốc đầy kiêu ngạo vừa bị thua đau, đổ hết tội lỗi cho cá nhân các tướng Nguyên là A Lý Hải Nha, Ô Mã Nhi. Tuy nhiên, lời lẽ trong tờ biểu cũng ngầm chỉ trích việc bội ước của Nguyên triều mà đứng đầu là Hốt Tất Liệt. Số là lúc Nguyên Mông còn nội chiến, Hốt Tất Liệt đã từng gởi chiếu thư sang nước ta vào năm 1261 nói rằng: "Quan lại, sĩ thứ nước An Nam, phàm áo mũ lễ nghi đều được theo chế độ cũ nước mình. Trung triều đã hạ lệnh răn bảo quan lại ở ngoài biên giới không được tùy tiện đem quân xâm nhiễu, vậy hai bên đều nên giữ việc trị an như cũ" (theo Cương Mục). Tuy nhiên, khi tình thế thay đổi, Nguyên triều đã thằng thừng thay đổi thái độ với Đại Việt, liên tiếp gây sức ép ngoại giao và động binh lớn đến hai lần chỉ trong thời gian có mấy năm.

Sứ bộ Nguyễn Đức Vinh sang Nguyên là đúng vào lúc Nguyên chủ Hốt Tất Liệt hậm hực nhất nên đã bị giam lỏng, không cho về nước. Mùa đông năm 1288, sứ bộ thứ hai của Đại Việt do Đỗ Thiên Hư lại sang Nguyên, đem theo một số tù binh trao trả lại cho nước Nguyên. Trong số tù binh có quý tộc Mông Cổ là Tích Lệ Cơ Ngọc cũng được trao trả trong đợt này. Còn tướng Phàn Tiếp đã bị quân ta giết chết sau khi bắt được, tướng Ô Mã Nhi là nhân vật quan trọng của Nguyên Mông nhưng làm quá nhiều điều ác nên triều đình Đại Việt vẫn giam giữ chưa trao trả. Cùng với Ô Mã Nhi còn rất nhiều tù binh nước Nguyên vẫn còn bị Đại Việt giữ lại. Triều đình nhà Trần phải cân nhắc rất thận trọng giữa việc xét xử tù binh và việc nối lại bang giao với nước Nguyên.

Trái với thái độ nhún nhường của Đại Việt, phía Nguyên Mông dẫu thua trận nhưng vẫn giữ thái độ hết sức trịch thượng, ngang ngược của một đế quốc. Ngày 21.03.1288, sứ bộ nước Nguyên do Lưu Đình Trực, Lý Tư Diễn sang đến kinh đô Đại Việt. Đối với sứ giả nước Nguyên, triều đình vẫn ân cần đón tiếp. Lưu Đình Trực sang nước ta, cưỡi ngựa đến tận cung điện. Đích thân Hưng Đạo vương phải ra đón sứ, mời vào điện Tập Hiển tiếp đãi. Sứ Nguyên đưa yêu sách của Hốt Tất Liệt, đòi vua Trần phải đích thân sang chầu: “Nếu quả do lòng thành thì sao không tự mình đến mà bày tỏ, sao lại hễ nghe sai tướng sang đánh thì lo trốn tránh, hễ thấy quân rút về thì lại đánh tiếng vào công.... Ngươi thử nghĩ nếu cứ sống lén lút trên non dưới biển, ngày nào cũng lo quan quân kéo đến thì sao bằng vào khuyết đình chịu mệnh để hưởng sung sướng. Trong hai chước đó, chước nào hay chước nào dở?... Nếu ngươi sửa soạn đồ đạc sang ngay, đủ rõ nghĩa bề tôi, thì trẫm sẽ tha hết tất cả các tội lỗi trước kia, phục hồi các tước phong cũ. Nếu còn chần chừ không quyết thì hãy nên sửa sang thành quách, rèn luyện giáp binh, tùy ý ngươi muốn làm gì thì làm để chờ trẫm cất quân đi...” (theo Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn).

Ngoài việc đòi vua Trần sang chầu, trong thư Hốt Tất Liệt còn yêu cầu trao trả hết tù binh: “Tích Lệ Cơ là người tộc thuộc của ta, ngươi đã lấy lễ cho về… Nếu ngươi lấy chuyện đó tô vẽ thêm thì hãy đem bọn quân quan Ô Mã Nhi Bạt Đô trả về, như thế mới tỏ được lòng trung thuận. Ngày tiếp được chiếu thư này, bọn quân quan Ô Mã Nhi Bạt Đô phải cùng đến triểu kiến. Bọn ấy nếu phải xử lý thế nào, trẫm sẽ khu xử hoàn bị. Ngươi phải cho đưa họ về tất cả” (theo Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn). Sau những lần bại trận, Nguyên triều vẫn theo đuổi chính sách ngang ngược với Đại Việt.

Thực sự thì dù cho Nguyên Mông liên tiếp thua trận tại Đại Việt nhưng thế lực vẫn đang lên mạnh. Hốt Tất Liệt tuy hung bạo nhưng là ông vua biết cách cai trị. Dưới thời Hốt Tất Liệt, Nguyên Mông tuy không phải là một đất nước an lạc thái bình, nhưng xét về nước giàu binh mạnh khó mà nước nào sánh bằng. Cả về nhân lực, vật lực đều hết sức dồi dào. Cái khó của Nguyên triều khi xâm lược Đại Việt chính là khả năng huy động các tiềm lực chuyển hóa thành sức mạnh. Cụ thể, người đông nhưng cần phải huấn luyện để thành binh lính, của nhiều nhưng cần phải chuyên chở, đóng thuyền bè, nuôi ngựa, tích lương thực, tập kết quân mã đều là những việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Trong nhất thời sau khi bại trận Nguyên Mông không thể nhanh chóng điều động quân đội quy mô lớn tấn công Đại Việt nhưng về lâu dài, khi có đủ thời gian Nguyên triều có thể tái khởi động tiến trình xâm lược. Đó là lý do mà triều đình Đại Việt luôn hy vọng giữ hòa khí với Nguyên Mông.

(còn tiếp)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thua trận thảm hại, nhà Nguyên vẫn ngạo mạn khi đòi tù binh