Ngành chức năng tỉnh Bình Định đang tạm thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ bằng biện pháp cách ly với bờ đối với các thuyền viên trên 5 tàu biển Trung Quốc đang neo đậu ở khu vực cảng Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Ngày 2.2, đại diện Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, đơn vị đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng liên quan để theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các thuyền viên trên 5 tàu biển Trung Quốc mới đến neo đậu khu vực cảng Quy Nhơn.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn thông tin, 5 con tàu biển Trung Quốc đang neo đậu ở khu vực cảng Quy Nhơn đều là tàu hàng, mỗi tàu thường trực khoảng 15 đến 25 thuyền viên. Hiện, các đơn vị kiểm dịch quốc tế tại Cảng vụ Quy Nhơn đang theo dõi, giám sát sức khỏe của các thuyền viên để kịp thời phát hiện, phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Trước mắt, ngành chức năng tạm thời cách ly bờ đối với các thuyền viên, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các thuyền viên với người trên bờ. “Gần như là cách ly, chúng tôi tạm thời hạn chế tối đa các thuyền viên lên bờ và tiếp xúc với người trên bờ”, ông Quang nói. Tới đây, Cảng vụ Quy Nhơn sẽ triệu tập cuộc họp với 6 cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp liên quan để thống nhất một phương án, quy trình cụ thể đối với 5 tàu biển Trung Quốc này.
Cũng theo ông Quang, do đây đều là thuyền viên ở thường trực trên tàu hàng chứ không phải khách du lịch nên đơn vị chức năng dễ kiểm soát hơn. “Vì là tàu hàng nên khi nào đơn vị chức năng cho phép thì họ mới được lên bờ, còn không thì họ sẽ không lên bờ”, ông Quang cho hay.
Vào ngày 1.2, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã triệu tập cuộc họp khẩn để chủ động phòng chống với nCoV. Qua đó, ông Thanh yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tăng cường phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, ngành y tế địa phương để kiểm soát chặt chẽ các thuyền viên trên 5 tàu hàng Trung Quốc, hạn chế tối đa việc đi lại trên bờ của các thuyền viên…
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết, trong trường hợp cần thiết địa phương sẵn sàng lập bệnh viện dã chiến để phòng, chống dịch. Theo ông Hùng, ngành y tế Bình Định đã có nhiều kinh nghiệm từ đợt dịch cúm A/H1N1 diễn ra vào năm 2009.
Theo Ngọc Oai/SGGP