Theo Bloomberg, Việt Nam vẫn sẽ duy trì được những lợi thế phát triển kinh tế của mình trong vòng gần 2 năm tới, và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là ở trong tầm tay ít nhất là đến năm 2017. Tuy nhiên, những thách thức về dài hạn đang tăng lên và đòi hỏi những giải pháp về lâu dài với nền kinh tế.

Bloomberg: Vấn đề của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng về dài hạn

Nhàn Đàm | 25/10/2016, 07:01

Theo Bloomberg, Việt Nam vẫn sẽ duy trì được những lợi thế phát triển kinh tế của mình trong vòng gần 2 năm tới, và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là ở trong tầm tay ít nhất là đến năm 2017. Tuy nhiên, những thách thức về dài hạn đang tăng lên và đòi hỏi những giải pháp về lâu dài với nền kinh tế.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại là kỳ họp Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày thứ Năm 20.10, trong đó trọng tâm là các cuộc thảo luận về những biện pháp và chính sách cần thiết để có thể giúp chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng tối đa 7%/năm trong giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, một số mục tiêu cho năm tài khóa 2017 như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, xuất khẩu, chi tiêu và thâm hụt ngân sách cũng sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.

Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017 được Chính phủ đặt ra sẽ vào khoảng 6,7% - ngang bằng với mục tiêu của năm 2016 nhưng đã bị điều chỉnh xuống còn 6,3-6,5% do những vấn đề về thiên tai và sự cố môi trường tác động mạnh mẽ đến các ngành sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản.

Một lý do khác tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng trong năm 2016 là sự sụt giảm về xuất khẩu, ước đạt 6-7% trong năm nay so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 10%. Ngoài lý do sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu thì xuất khẩu Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng từ sự cố của tập đoàn công nghệ Samsung liên quan đến việc thu hồi khoảng 2,5 triệu sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy Note 7, các nhà máy của Samsung ở Việt Nam hiện đã ngưng sản xuất mẫu điện thoại này, gián tiếp tác động đến xuất khẩu của quốc gia.

Theo đánh giá của Bloomberg, Samsung và các nhà đầu tư nước ngoài khác đã châm ngòi cho một sự bùng nổ sản xuất công nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam từ một vài năm trở lại đây, thậm chí đủ để bù đắp sự sụt giảm trong sản lượng nông nghiệp do hạn hán diễn ra nửa đầu năm nay. Vào năm ngoái, Samsung đã giữ vị trí nhà xuất khẩu lớn nhất trong nền kinh tế khi chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá khoảng 162 tỉ USD của Việt Nam, và hiện tại vẫn giữ một vai trò quan trọng khi là một trong những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,4% trong quý 3 năm nay – một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra với mẫu điện thoại Galaxy Note 7 đã khiến giá trị xuất khẩu của các nhà máy Samsung đã giảm khoảng 4,2% trong tháng 9vừa qua so với một tháng trước đó, qua đó tác động tới nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo Trinh Nguyen, nhà kinh tế cao cấp tại Natixis SA có trụ sở tại Hồng Kông, thì “Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn dự kiến,Việt Nam vẫn là điểm sáng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á về xuất khẩu. Vấn đề thực sự đối với kinh tế Việt Nam không phải là mức tăng trưởng trong năm 2016, thậm chí là cả trong năm 2017, mà là khoảng thời gian sau đó khi các yếu tố tăng trưởng như giá nhân công, tài nguyên và năng suất lao động bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt”.

Nói cách khác, Việt Nam vẫn sẽ duy trì được những lợi thế phát triển kinh tế của mình trong vòng khoảng gần 2 năm nữa, và việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là ở trong tầm tay ít nhất là đến năm 2017. Ở thời điểm hiện tại, mọi chuyện dường như khá tốt, chỉ số chứng khoán của Việt Nam có biểu hiện tốt nhất trong số các nền kinh tế Aseankhi đã tăng khoảng 19% kể từ đầu năm đến nay và là mức cao nhất kể từ thời điểm tháng 2.2008.

Tuy nhiên, các thách thức đối với nền kinh tế và khả năng điều hành của Chính phủ về dài hạn đang tăng lên. Trước hết là xếp hạng tín dụng đang ở mức BB - của Việt Nam, khi Quốc hội thông báo nợ công đang ở rất sát mức trần cho phép là 65% GDP. So với các nền kinh tế khác ở khu vực Đông Nam Á, thì áp lực nợ công của Việt Nam đang là lớn nhất, khi được dự báo sẽ cán mốc khoảng 64% GDP vào cuối năm nay, và có một khoảng cách không nhỏ so với mức nợ công của các nước xếp sau như Malaysia là 56% và 41% của Thái Lan (theo số liệu báo cáo trong tháng 4của Ngân hàng Thế giới).

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam cũng khá đáng lo ngại, khi vào thời điểm năm 2010 mới chỉ đạt khoảng 52% GDP mà thôi. Áp lực nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đang khiến cho sức ép trả nợ đè nặng hơn trên vai Chính phủ. Kho bạc Nhà nước nhiều khả năng sẽ bán thêm 31.000 tỉ đồng (tương đương 1,4 tỉ USD) trái phiếu trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 tới để đảo nợ.

Ngoài ra, một mối lo ngại tiềm ẩn khác là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Dù đã có khá nhiều biện pháp giải quyết nợ xấu kể từ thời điểm năm 2012 đến nay, nhưng theo thống kê của Ngân hàng Thế giới trong tháng 7 vừa qua thì vẫn còn khoảng 200.000 tỉ đồng nợ xấu chưa được giải quyết đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Nếu không được giải quyết nó sẽ là một cản trở đáng kể đối với kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.

Một điểm sáng đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần là những động thái cải cách đang được Chính phủ thực hiện, trong đó đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy các ngành mũi nhọn như du lịch và công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng BIDV Việt Nam, thì “Các nhà đầu tư muốn được thấy các biện pháp cụ thể, những chính sách cải cách mang tính đột phá mà Chính phủ và Quốc hội sẽ đưa ra. Họ muốn biết đâu là những mục tiêu ưu tiên trong thời gian sắp tới. Sẽ là không thực tế nếu như Chính phủ và Quốc hội đặt ra và theo đuổi quá nhiều mục tiêu như những năm trước đây”.

Nhàn Đàm (Theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bloomberg: Vấn đề của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng về dài hạn