Dự thảo Luật Nhà giáo được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Theo dòng thời sự

Bỏ quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm với nhà giáo

Lam Thanh 07/02/2025 15:22

Dự thảo Luật Nhà giáo được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ngày 7.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8.

Theo ông Vinh, để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, rà soát sửa đổi quy định của các luật liên quan tại điều khoản chuyển tiếp.

hai-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo

Về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình (khoản 2 điều 14).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết việc chỉnh lý như vậy khẳng định được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động.

Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu.

Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.

Đối với chính sách hỗ trợ chỗ ở tập thể, thuê nhà ở công vụ đối với giáo viên, nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ; bỏ tiêu chí “đủ các điều kiện thiết yếu” trong quy định về nhà ở tập thể của giáo viên.

hai-4.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp

Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ủng hộ việc cho phép viên chức là nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cho rằng quy định như vậy là phù hợp và có tính cách mạng. Tuy nhiên, đề nghị khi thiết kế nội dung này, cần rà soát để đảm bảo tính tương thích với các luật có liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà cho giáo viên khi công tác tại khu vực khó khăn; chính sách nghỉ hưu sớm trước tuổi nhưng không bị giảm tỷ lệ lương hưu đối với giáo viên mầm non có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên…

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay quy định quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học là quy định có tính “cách mạng”, góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Việc hình thành doanh nghiệp công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo “vườn ươm” công nghệ, đóng góp tích cực trong sự phát triển khoa học công nghệ, đồng thời “cởi trói” cho các nhà công nghệ, vừa là các nhà giáo trong các trường đại học lớn”, bà Hải nói.

hai-1.jpg
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Dẫn chứng Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12.2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm đang được dư luận xã hội quan tâm, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ, chi tiết hơn quy định cấm “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” và để tránh trá hình bằng hình thức viết đơn “tự nguyện học thêm” của phụ huynh.

Nhấn mạnh dự thảo Luật Nhà giáo là dự án luật đang được dư luận xã hội rất quan tâm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp, đảm bảo các nội dung trong báo cáo giải trình được thể hiện ngắn gọn, không nêu lại những gì đã thống nhất, mà tập trung vào các nội dung cần giải trình để tạo được sự đồng thuận cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong nhiều năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã giúp các tổ chức thành viên củng cố, kiện toàn tổ chức, góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, phát triển trong hệ thống LHHVN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm với nhà giáo