Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 về lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo gì về việc mua sắm thiết bị y tế?

Lam Thanh | 17/05/2022, 17:45

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 về lĩnh vực y tế.

Theo báo cáo này, Bộ Y tế cho biết cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41.

Đề cập đến việc tăng cường quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với 2 bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính) ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu.

Bộ Y tế cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh thành về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin và tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành y tế cũng kiểm tra các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng dịch để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch COVID-19.

long.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ về hoạt động chất vấn trong lĩnh vực y tế

Về việc ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 với cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, tại điểm 5 Điều 88 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh".

Tuy nhiên, để kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Sở Y tế các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Trường hợp cần thiết, Sở Y tế báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, đồng thời không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.

"Giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân", báo cáo của Bộ Y tế gửi Quốc hội nêu.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết 41, Quốc hội yêu cầu xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn thuốc và vắc xin.

Cho biết đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đang tích cực triển khai thực hiện.

Đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir và có 3 "ứng cử viên" vắc xin phòng COVID-19 là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen; Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, vắc xin chuyển giao công nghệ ARCT-154.

Cả ba ứng viên vắc xin COVID-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu để rà soát, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổ chức nghiệm thu và thẩm định đảm bảo khách quan, khoa học theo đúng quy định, Bộ trưởng thông tin.

Với yêu cầu nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành Luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đang tích cực triển khai thực hiện.

Bộ Y tế cũng cho biết đang tập trung hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; các bài học kinh nghiệm và cơ sở triển khai thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9.2022 để xem xét, cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12.2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo gì về việc mua sắm thiết bị y tế?