Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Nhà giáo ngày 20.11, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cho rằng về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo tại khoản 1 Điều 7 dự thảo luật chưa bao hàm hết các hoạt động của nhà giáo.
Theo bà Thuỷ, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cần xem xét trên tổng thể quá trình hoạt động của một nhà giáo bao gồm quá trình giảng dạy, hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cho người học. Ngoài ra còn bao hàm cả quá trình công tác với đồng nghiệp, tham gia các hoạt động quản lý của một nhà giáo… Vì vậy, ban soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh lại nội dung tại khoản 1 Điều 7.
Về những việc mà nhà giáo không được làm tại điểm c khoản 2 Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Trong thực tế, việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản ở lớp học.
“Nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật. Do đó, đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống”, bà Thủy nêu.
Đề cập về việc học thêm-dạy thêm, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho biết Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này...
Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm-học thêm.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng cùng chương trình học, cùng giáo viên, nhưng mức độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Học lực trong một lớp có thể chia thành ba nhóm. Nhóm đạt tiêu chuẩn thường là 80%, nhóm vượt trội 9-10% và nhóm không theo kịp bạn bè 10%. "Việc yêu cầu nhóm yếu học thêm để theo kịp bạn là cần thiết", đại biểu Cảnh nói.
Không chỉ với nhóm yếu, nhóm bình thường vẫn có nhu cầu học thêm để giỏi hơn và thi được vào trường tốt hơn. Nhóm vượt trội cần học thêm để đạt thành tích cao trong cuộc thi học sinh giỏi. Đây là điều "không nên hạn chế, thậm chí là khuyến khích".
Đại biểu Cảnh đồng tình việc học thêm với mục đích "để có điểm cao hơn năng lực thực sự" do người dạy thêm không khách quan, cần chấm dứt.
Ông đề xuất ngành giáo dục xây dựng ngân hàng đề thi của từng chủ đề ở các môn học. Cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô dạy thêm với chính học sinh của mình thì bài kiểm tra phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng tiêu cực, phân biệt đối xử với em không học thêm và phản ánh đúng năng lực học sinh.
Phát biểu tại cuộc họp tổ trước đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nhìn nhận việc dạy thêm, học thêm là nguyện vọng chính đáng của thầy và trò ở bậc đại học.
Trong quãng thời gian hàng chục năm đứng lớp, ông thấy nhiều học sinh rất chểnh mảng. Nếu thầy cô không đốc thúc, không ép thì học sinh không chịu học. Vì vậy, nhiều thầy cô trong trường phải bắt các em yếu đến lớp để bổ túc và tất nhiên không thu tiền, cốt để theo kịp bài giảng trên lớp.
Giáo sư Cường kiến nghị dự luật quy định theo hướng chỉ cấm giáo viên ép học sinh học thêm để thu tiền. Còn với việc dạy thêm theo tinh thần tự nguyện, giúp đỡ học trò thì không cấm.
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH thảo luận tại tổ và tại hội trường để tiếp thu tối đa, đồng thời khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo mới là lý do chính yếu để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.