Kế hoạch chôn carbon dioxide C02, chất khí nhà kính làm nóng hành tinh xuống dưới các khu rừng quốc gia của Mỹ đang gây tranh cãi.
Kiến thức - Học thuật

Bơm khí CO2 vào lòng đất để cứu khí quyển: Đề xuất khôn ngoan hay tự sát?

Anh Tú24/12/2023 14:47

Kế hoạch chôn carbon dioxide C02, chất khí nhà kính làm nóng hành tinh xuống dưới các khu rừng quốc gia của Mỹ đang gây tranh cãi.

Khoảng 140 nhóm đã kêu gọi kéo dài thời gian lấy ý kiến công chúng về đề xuất của Cục Lâm nghiệp Mỹ (hay Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về sự an toàn và tác động của kế hoạch này.

Theo những người phản đối, việc đề xuất cho phép các ngành công nghiệp chôn vĩnh viễn khí C02 xuống dưới lòng đất thuộc quản lý của Cục Lâm nghiệp Mỹ rất nguy hiểm. Loại chất gây ô nhiễm khí hậu sẽ khiến môi trường sống ở đó và những người ở xung quanh gặp nguy hiểm.

Cuộc tranh luận về đề xuất này ở Mỹ diễn ra khi việc thu giữ và lưu trữ carbon để giảm thiểu biến đổi khí hậu đang là một vấn đề nóng bỏng.

Victoria Bogdan Tejeda, luật sư tại Trung tâm Đa dạng sinh học, cho biết mối lo ngại hàng đầu của những người phản đối là C02 có thể rò rỉ từ các giếng lưu trữ hoặc đường ống. Trong kịch bản tồi tệ, việc rò rỉ CO2 có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người và động vật, cũng như gây hại cho cây cối trong rừng và cả hệ sinh thái. Năm 2020, một đường ống dẫn khí C02 bị vỡ ở Mississippi, khiến 49 người phải nhập viện.

Tejeda cho biết thêm: “Về nguyên tắc, có đủ mối lo ngại trên phạm vi rộng nên đây không phải là lúc để xúc tiến và thử nghiệm một đề xuất có hậu quả quá cao”. Tejeda lo rằng những người ở cách 2 - 3km từ nơi rò rỉ C02 cũng có thể bị ngạt thở và không có cách nào thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, phía người ủng hộ đề xuất này cho rằng việc lưu trữ có thể được quản lý an toàn và những thay đổi về quy định như vậy là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của nước Mỹ.

Jessie Stolark, Giám đốc điều hành của Liên minh Thu giữ carbon (một tổ chức phi chính trị với sự hợp tác của hơn 100 công ty, đoàn thể và các tổ chức chính sách môi trường và bảo tồn) cho biết: “Việc lưu trữ CO2 bên dưới đất thuộc liên bang mang lại cơ hội đáng kể để thúc đẩy ngành quản lý carbon trong nước, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khi tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao”.

Thu giữ carbon từ các quy trình công nghiệp đốt nhiên liệu hóa thạch hoặc trực tiếp từ không khí và lưu trữ carbon vĩnh viễn dưới lòng đất được coi là việc làm cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu. Nhưng không phải tất cả không gian dưới lòng đất đều có thể lưu giữ vĩnh viễn lượng carbon được bơm sâu hàng chục mét xuống lòng đất. Vì vậy, các nhà phát triển đã sớm tranh giành một số địa điểm ở Louisiana, Texas và những nơi thích hợp khác để có được các "mỏ" không gian trống dưới lòng đất.

Gần 200 dự án thu hồi và lưu trữ carbon đã được đề xuất tại Mỹ trong 5 năm qua. Riêng trong năm 2023, nhờ các ưu đãi gia tăng trong Đạo luật Giảm lạm phát nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, đã thúc đẩy thêm nhiều hồ sơ dự án kiểu này.

Một người ở phe phản đối là Jim Furnish, nguyên Phó giám đốc Cục Lâm nghiệp Mỹ, nói ông rất ngạc nhiên trước đề xuất này. Ông cho biết đó là sự đảo ngược chính sách của Cục Lâm nghiệp trước giờ vốn chỉ cấp phép sử dụng đất lâm nghiệp có thời hạn, thường từ 5 đến 20 năm. Bàn rộng hơn, Furnish cho rằng biện pháp này sẽ “cung cấp động lực mạnh mẽ để tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch”.

Về phía ủng hộ, Stolark cho biết trừ khi chính quyền Mỹ đưa ra quy định rõ ràng về việc lưu trữ carbon trong các vùng đất do liên bang quản lý, chiếm 30% tổng diện tích đất bề mặt nước Mỹ, quốc gia này sẽ không thể đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải nhà kính vào năm 2050.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, nước này có khoảng hơn 500 ngàn cây số vuông đất thích hợp để chôn giữ CO2. Cục này cho biết bất kỳ dự án nào như vậy sẽ phải tuân theo luật môi trường của Mỹ.

Về đề xuất ngày 3.11, Cục Lâm nghiệp cho biết họ đang đánh giá tác động môi trường và chưa xem xét bất kỳ đề xuất cụ thể nào về việc lưu trữ carbon dưới lòng đất. Người phát ngôn của cục cho biết cơ quan này trước đây đã từ chối đơn đăng ký lưu trữ carbon dưới lòng đất trong hai khu rừng ở các bang miền Nam.

June Sekera, nhà kinh tế và nhà nghiên cứu chính sách tại Đại học Boston và The New School, người đang nghiên cứu về khả năng thu giữ carbon, cho biết nếu quy tắc này được hoàn thiện, các khu rừng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trước khi CO2 được đưa xuống lòng đất.

Đầu tiên, các giàn khoan và thiết bị hạng nặng sẽ được đưa vào rừng để đánh giá xem không gian dưới rừng có phù hợp cho việc lưu trữ carbon hay không. Cây cối sẽ phải đốn hạ để nhường chỗ cho thiết bị đó và nếu tìm ra "mỏ" thích hợp, lại thêm nhiều cây cối nữa bị đốn hạ để nhường chỗ cho đường ống. Nói chung, công việc này cồng kềnh và phức tạp không thua gì việc đi thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí.

Trước tính chất phức tạp của vấn đề này, khoảng 140 nhóm đã yêu cầu Cục Lâm nghiệp Mỹ gia hạn thời gian lấy ý kiến công chúng về đề xuất này thêm 60 ngày, trước khi thời hạn kết thúc vào ngày 2.1.2024. Theo họ, việc này rất hệ trọng vì đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ cho phép bơm CO2 vào vùng đất do liên bang quản lý.

Dân biểu Jared Huffman, đảng viên Cộng hòa từ California, thành viên cấp cao của Tiểu ban Tài nguyên thiên nhiên thuộc Hạ viện Mỹ, cho biết ông cũng có ý định kêu gọi gia hạn thời gian lấy ý kiến. Huffman gọi đề xuất này là “sự hy sinh đất công để hà hơi thổi ngạt cho nhiên liệu hóa thạch”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bơm khí CO2 vào lòng đất để cứu khí quyển: Đề xuất khôn ngoan hay tự sát?