Hạn chế người dân dùng ô tô cá nhân là cách mà các thành phố tại Mỹ đang áp dụng để bảo vệ môi trường.
Lúc đầu, các bãi đậu xe được tạo ra để duy trì trật tự giao thông trên đường. Nhưng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi điều này đó.
Kể từ những năm 1920, một chính sách ít được biết đến liên quan đến sức chứa tối thiểu của bãi đậu xe đã định hình một khía cạnh lớn trong đời sống của nước Mỹ. Ở các thành phố lớn, bất kỳ loại tòa nhà nào, dù là chung cư, văn phòng cho thuê hoặc trung tâm mua sắm… đều cần phải dành một lượng chỗ đậu xe nhất định để đủ chỗ cho tất cả mọi người bên trong.
Nhưng giao thông vận tải chiếm gần 1/3 lượng khí thải carbon ở Mỹ và ô tô chiếm một phần đáng kể trong lượng khí thải đó. Khi nước Mỹ nỗ lực mạnh mẽ cắt giảm lượng khí thải carbon, việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng đồng nghĩa với việc phải suy nghĩ lại về giao thông và không gian công cộng trông như thế nào, đặc biệt là ở các thành phố.
Thành phố Austin, bang Texas, gần đây đã loại bỏ định mức tối thiểu về chỗ đỗ xe và hiện là thành phố lớn nhất ở Mỹ thực hiện điều này.
Zohaib Qadri, Ủy viên hội đồng thành phố Austin, người đưa ra biện pháp này cho biết: “Nếu chúng ta muốn đạt một nửa số chuyến đi bằng một phương tiện gì đó không phải là ô tô thì theo quan điểm của tôi, thành phố không thể bắt buộc mọi nhà hoặc doanh nghiệp phải có ít nhất một chỗ đậu xe cho mỗi thành viên hoặc khách hàng”.
Qadri cho biết, việc giảm sự phụ thuộc vào ô tô là một động lực to lớn cho sáng kiến ở Austin và hy vọng biện pháp này cũng sẽ khiến thành phố thân thiện với môi trường hơn.
Qadri nói: “Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở đây. Và chúng ta sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn khi vẫn dính vào những thói quen đi lại của thế kỷ 20 vốn không bền vững và không thân thiện với khí hậu”.
Theo Donald Shoup, giáo sư về quy hoạch đô thị tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), việc loại bỏ điều luật dường như vô hại này có thể mở đường cho các thành phố xây dựng nhà ở dày đặc hơn, tăng các lựa chọn giao thông công cộng và giảm lượng khí thải carbon.
Shoup cho biết: “Chúng ta đối mặt không chỉ là khủng hoảng nhà ở và biến đổi khí hậu, mà còn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí cục bộ... chi phí giải quyết mọi thứ đều cao - ngoại trừ bãi đậu xe”.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những hậu quả đặc biệt tốn kém, ước tính cả hai đều tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, các điểm đỗ xe có thể chỉ tốn vài chục ngàn USD để xây dựng, thậm chí một ước tính đưa ra con số cụ thể là gần 30.000USD/chỗ đậu xe.
Shoup nói: “Ngay cả khi biến đổi khí hậu không phải là vấn đề thì việc loại bỏ yêu cầu về sức chứa bãi đậu xe cũng là một ý tưởng hay. Còn nếu ý tưởng hay lan tỏa, nó sẽ giúp ích cho toàn bộ hành tinh”.
Chiều hướng này đang tăng lên với các thành phố ở khắp nước Mỹ như Minneapolis St. Paul, Anchorage, Richmond, Raleigh..., đồng thời các bang như California cũng loại bỏ định mức chỗ đỗ xe tối thiểu trong vài năm qua.
Các bãi đậu xe trải nhựa không chỉ chiếm không gian quý giá mà còn góp phần tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, khiến nhiệt độ trong thành phố thường cao hơn so với khu vực nông thôn. Nhựa đường và bê tông dùng để xây dựng bãi đỗ xe thường hấp thụ và thải nhiệt với tốc độ cao hơn môi trường tự nhiên. Điều này đặc biệt thấy rõ trong mùa hè nóng kỷ lục vừa qua và chứng tỏ rằng, các bãi đậu xe không chỉ góp phần gây ra vấn đề dài hạn là biến đổi khí hậu mà còn khiến hiệu ứng ủ nóng trở nên tồi tệ hơn trong ngắn hạn.
Một lưu ý quan trọng là việc hủy bỏ mức tối thiểu về chỗ đậu xe không có nghĩa là tất cả các bãi đậu xe sẽ biến mất chỉ sau một đêm, mà đúng hơn là việc xây dựng các bãi đậu xe mới sẽ không cần phải tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn tối thiểu nào.
Theo Tony Jordan, Chủ tịch một hiệp hội về bãi đậu xe, những tiêu chuẩn này không chỉ lỗi thời mà còn thường cản trở việc xây dựng nhà ở - một nhu cầu cấp thiết đối với hầu hết các vùng của Mỹ.
Jordan nói: “Hãy tưởng tượng nếu với tất cả các bãi đậu xe vẫn được xây dựng, nhưng chúng ta chỉ cần nới thêm 10 căn hộ trong mỗi tòa nhà ở mọi thành phố trong 50 năm qua. Khi đó, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều nhà ở, rất nhiều căn hộ nhưng về cơ bản chúng ta đã tự tay ngăn chặn điều đó”.
Tuy nhiên, Jordan cũng cảnh báo là mọi thứ không thể tạo ra hiệu ứng tích cực trong một sớm, một chiều. Những tác động quan trọng nhất của việc hủy bỏ sức chứa tối thiểu với bãi đậu xe có thể sẽ không được nhìn thấy ngay lập tức. Các thành phố sẽ cần thời gian để xây dựng thêm nhà ở hoặc tăng đầu tư vào các phương án giao thông công cộng ít carbon nhưng việc bãi bỏ định mức tối thiểu của bãi đậu xe là một bước quan trọng trong việc xây dựng nhiều thành phố thân thiện với môi trường hơn.