Một Thế Giới xin trích đăng quyển sách bao gồm tất cả những tác phẩm thuộc thể loại tự sư- truyện ngắn, tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư. Đây được xem là phần di sản của ngòi bút Lưu Trọng Lư đã từng bị quên lãng suốt hơn nửa thế kỷ. Sưu tập này có thể làm phong phú hơn những hiểu biết về Lưu Trọng lư, không chỉ như nhà thơ, nhà viết kịch và hoạt động sân khấu mà còn như một tiểu thuyết gia...

Bóng giai nhân trong đời nhà thơ Lưu Trọng Lư

Một Thế Giới | 11/09/2015, 07:20

Một Thế Giới xin trích đăng quyển sách bao gồm tất cả những tác phẩm thuộc thể loại tự sư- truyện ngắn, tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư. Đây được xem là phần di sản của ngòi bút Lưu Trọng Lư đã từng bị quên lãng suốt hơn nửa thế kỷ. Sưu tập này có thể làm phong phú hơn những hiểu biết về Lưu Trọng lư, không chỉ như nhà thơ, nhà viết kịch và hoạt động sân khấu mà còn như một tiểu thuyết gia...

Kỳ 1: Nhớ lại những mối tình:
Một trong hai người bạn gái nhỏ của một tờ báo lớn đến thăm tôi, đột ngột hỏi:
- Đời nhà thơ đã mấy lần yêu rồi, có nhớ hết không?
Một câu hỏi vẻ như đùa, làm tôi sửng sốt, tôi thẫn thờ một lúc lâu, đâu phải một câu hỏi để mà trả lời.

Tập Hồi tưởng của tôi đánh máy đã gần xong, tôi sẽ đọc lại một lần nữa, rồi trao lại người ngồi cạnh. Cuộc đời và chuyện văn chương đâu phải dễ dàng đơn giản thế, đâu phải sẵn bút mực, đẩy vài dòng, cứ hết dòng này tiếp dòng khác cho đến hết một chương lại chấm một dấu hết. Báo cáo: Chương mối tình đầu đã xong!

Sao tôi thích câu thơ của Chu Mạnh Trinh đến thế, khi động đến mối tình của Kiều:

Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình...

Một cái rung cương trên mình ngựa, mà sóng dậy không bờ: ngàn cây, vó ngựa, lòng người. Chao ôi! Xa gần, cao thấp, trong ngoài, bốn bể, trời đất, cỏ hoa, như rung, như gợn... Tôi chẳng nhớ rõ trái tim thơ dại của tôi, rung cái rung động đầu tiên tự bao giờ. Hẳn không phải là trời giá lạnh đêm đông lắng, tôi nằm chen vào giữa đám đông các anh tôi, nghe họ cười cười nói nói với nhau, biết bao say sưa thú vị, mà tôi chỉ nghe mơ màng một hồi là mắt nhắm ngủ liền.

Cũng chưa hẳn là buổi chiều ấy, một chiều hè, một mình tôi nằm trên chiếc võng trước hiên nhà, hai chân đưa mãi không thôi; gió phây phẩy vào ngực vào tóc tôi, như đưa hồn tôi đến tận các vì sao, xa xa lấp lánh những viên ngọc trai trên núi xanh, lúc bấy giờ tôi đã 12 -13 tuổi, lần đầu tiên chạm đến một câu thơ Kiều:

Có người viễn khách sang chơi

Tôi, một đứa con trai vừa “vỡ giọng”, tưởng đang mang một tâm hồn một cô gái dậy thì.

Thầy tôi là một ông quan hưu, có lần tôi được theo thầy tôi đến thăm một ông quan huyện nhà, huyện Bố Trạch, lần đầu tiên tôi nghe xầm xì đến tên hai cô gái của ông huyện, cô chị tên Nguyệt, em là Vân. Hồi đó tôi học lớp nhất trường tỉnh. Đã thành một thói quen là cứ chiều thứ bảy, Nguyệt, Vân từ tỉnh về huyện, tôi đứng nép sau cây bên đường đợi chiếc “xe nhà” Nguyệt, Vân đi qua... Trời mưa lâm thâm, diềm xe che lửng, tôi chỉ thấy phía trên hai khuôn mặt, hai chiếc kiềng vàng, lằm sao tôi quên được những đôi mắt ấy? Đôi mắt ấy, ai là Nguyệt, ai là Vân? Một phút rung động vào lòng, mà thật ra như đại dương gợn sóng. Tuy sức học tiếng Pháp còn yếu, tôi tìm đọc cuốn truyện tình nổi tiếng lúc bấy giờ Graziella của Lamartine, chuyện một nhà thơ Pháp yêu một cô bé thuyền chài 16 tuổi. Nhà thơ đã viết lên một khúc tình ca da diết. Ngồi một mình tôi buột miệng ngâm bốn câu thơ tình mà Nguyễn Mạnh Bổng đã dịch ra:

Ai run rủi cho ta đến đó

Khiến lòng người nhớ độ năm xưa!

Giấc chiêm bao khéo hững hờ...

Người xưa cảnh cũ bây giờ là đâu?

Nhất là câu thơ Mười sáu tuổi xuân, em vội tách miền dương thế! càng du dương càng lâm li lòng tôi say sưa thấm thía...

Thủa ấy, tôi đi quanh miền ảo tưởng có lúc tự bịa ra những mối tình, mơ màng những cuộc gặp gỡ... có bao giờ tôi quyết bước cả hai chân vào cõi thật? Đúng là tôi phất phơ giữa hai miền ảo - thật và lấy nước mắt trong chiêm bao làm nước mắt mình mà chẳng bao giờ tự biết!

Bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế, tôi lại xin học ở trường Dòng ở trường Súng, không chịu nổi cảnh dạy ở đây lại bỏ đi lang thang. Bao bận ghé ăn nghỉ ở nhà cụ Phan Bội Châu, cụ Phan đặt cho biệt hiệu "Hi ký", "Lư" là lừa không đi chậm như lừa mà ngày phải đi vạn dặm như ngựa ký...
Rồi cuối cùng tôi đến với anh Bình con cụ Võ Liêm Sơn. Và cũng từ đấy tôi ăn dầm nằm dề ở ngôi nhà cụ Võ ở trên dốc Bến Ngự, cạnh chùa Từ Đàm. Nghe ông Võ Bình, con trai cụ Võ bảo: “Cứ chờ đấy, sẽ có chuyến đi”. Đi đâu nào biết! Hàng ngày tôi được cụ Võ nói cho nghe những chuyện “hài đàm” của cụ; nhưng làm say lòng tôi nhất lúc bấy giờ là cuốn tiểu thuyết Cô lâu mộng do cụ Võ viết...
Cụ Võ có một cháu gái tên là Ngọ ở với cụ, cô ta hồng hào, trắng trẻo, Ngọ không có cái duyên Huế, nhưng có cái mặn mòi xứ Nghệ. Ngọ thẳng thắn, chân thành, cũng như tôi, Ngọ say đọc truyện Cô lâu mộng, trong lúc tôi không hiểu hết ý nghĩa của ba chữ Cô lâu mộng thì Ngọ rất thú vị và đồng tình với cụ Võ: Con gái có đẹp như tiên, rồi cuối cùng chỉ trơ ra như một bộ xương người! Làm sao một nhà thơ tương lai là tôi có thể chấp nhận một chân lý thô thiển như thế?
Nhưng Ngọ cũng như tôi rất say mê cặp tình nhân trong truyện, những lời “từ” của người thư sinh bất hạnh là Khái Sinh trong truyện, nỗi đau thương đồng cảm làm cho tôi đổ bao nhiêu nước mắt, thì cũng làm cho Ngọ khóc tấm tức bấy nhiêu... Nhất là trước những câu những chữ, có lẽ cụ Võ cũng phải chuốt nhiều nước mắt mới sáng tạo nên được! Trong chiêm bao có lẽ Ngọ và tôi gào lên những câu: “Trời khó hỏi, đất khó hỏi sự thế đảo điên, kiếp người chìm nổi” hay “Thôi, thôi, thôi thánh thần, thôi tiên Phật, thôi hào kiệt, thôi anh hùng: ngàn năm sự nghiệp nước về đông...".
Ai lòng nấy, nhưng chúng tôi đã gần gụi nhau đến mức nào bây giờ tôi cũng không nhớ rõ, chỉ biết anh Võ Bình và những người bà con cụ Võ muốn ghép Ngọ với tôi, hình như điều mà cả hai bên không ai nghĩ tới. Lúc chia tay, chúng tôi cứ nghĩ bình thường như mọi người, hôm qua biết nhau mai sau gặp lại... Đến nay, tôi vẫn không biết Ngọ đi đâu, số phận ghép vào ai, chết hay sống chốn nào. Có một điều an ủi tôi là mỗi khi tôi nhớ, tôi đọc câu thơ cụ Võ, tôi tưởng như trong đó có nỗi niềm của cô gái chân thành xứ Nghệ: “Cùng mơ hão cái đau buồn trong mơ”, sao mà gắn bó đến thế!

Tôi từ giã Huế ra Hà Nội học tiếp. Tôi xin vào trường Cao đẳng tiểu học Nguyễn Du, một trường tư, giám đốc là ông Hoàng Cơ Nghị, một tri thức Hà Nội lúc bấy giờ. Vợ ông ta là bà Esévérie... người Pháp, bà đang giảng về Cinna chương trình lớp đệ tứ, tôi có thích gì Corneille, tôi đang nghĩ đâu đâu, bà bắt tôi thuật lại, tôi không thuật được, bà mắng tôi, từ đó, tôi chẳng thấy thú vị gì để ở lại cái trường học này...

Bấy giờ thầy tôi đã mất, các anh tôi làm ra nhiều tiền, sẵn sàng nuôi tôi ăn học cho đến nơi đến chốn, mỗi môn tôi tìm học một thầy, tôi học tiếng Pháp với bà giáo có tên là Ghê-jen-nếc. Bà dạy tôi theo cách của bà, tôi làm theo cách của tôi. Ở thư viện Trung ương, đường Trường Thi, có một phòng sau khá rộng đế bảng chữ to “Văn học nước ngoài” (Littérature Étrangère) tôi làm quen với Dostoievsky từ đấy, tôi chả hiểu gì lắm, nhưng “Đốt” đã nắm tóc tôi. Một nhà thơ nữa, nhà thơ Ba Tư Omar Khayam, người đồng thời của Pascal, một nhà khoa học đồng thời là một nhà thơ lớn, tác giả 70 bài thơ ngắn nói về rượu, về người đàn bà... đã mê hoặc tôi. "Tất cả hiểu biết của con người chỉ là những chữ rỗng không”. Người đàn bà đẹp ư? Omar Khayam gửi vào cuốn sổ nhỏ của tôi, vào hồn tôi, vào đời tôi một tứ thơ kỳ diệu:

Hàng tỷ, hàng tỷ năm mặt trời mọc ở phương Đông.

Hàng tỷ, hàng tỷ năm, mặt trời lặn ở phương Tây.

Hãy nhẹ bàn chân, nhẹ bàn chân với!

Dưới chân, người sẽ đạp phải, đạp phải hạt bụi của mắt

người đẹp nhất trần gian!

Và chính nhà khoa học, nhà tư tưởng lớn Pascal cũng lại bảo: Hãy ngu xuẩn đi hỡi con người... Và cạn đi hỡi người... giọt nước thánh...

Thế đấy, một cái bánh mỳ to giòn nuôi tôi mỗi ngày và mỗi ngày tôi gửi hồn tôi nơi thư viện...

Nhưng rồi tôi cũng không thể giam mình mãi nơi cái phòng giam đẹp ấy, nơi những nhà thơ nhân loại đã cuốn hút cả tâm tư tôi, cả hồn phách tôi. Nhà bà giáo Ghê-jen-nếc nơi tôi mỗi tuần tới trả bài và nghe giảng, bà cho tôi ngồi học ở một căn phòng nhỏ, có một tủ sách. Dưới hầm nhà, học sinh trưa chiều ngồi vào yên ổn, đọc sách hay làm bài. Tủ sách quá nghèo nàn, ngoài một ít sách học khô khan, chẳng mang lại cho tôi một hào hứng nào, vì từ bao giờ cha sinh mẹ đẻ cầm quyển sách trên tay, đâu phải để mài giũa một chút công thành danh toại?

Nhưng tôi đã gặp ở đây, không phải chỉ những trang chữ mốc meo, sặc mùi danh lợi, mà là bóng một người con gái... Không phải bóng người mà là một gương mặt, một mái tóc, một đôi mắt!

Không biết Loan - tên người con gái - đến đây làm gì? Sau, tôi mới hay là Loan theo một lớp tiếng Anh do bà giáo Ghê-jen-nếc phụ trách...

Buổi đầu, hai ghế đối diện, cách nhau một cái mặt bàn không rộng... Loan chỉ nghiêm túc cúi đầu vào trang sách, hay ít ra cũng làm ra vẻ chăm chú đọc sách... Còn tôi, mắt không rời những trang sách Những đêm trắng của Đốt vừa mượn được ở thư viện Trung ương.

Câu độc nhất Loan ngỏ với tôi là một câu hỏi: Anh chắc giỏi Anh văn (ông hay anh tôi không nhớ đích). Tôi đáp: Vừa nhập môn... mong chị (chị hay cô tôi không nhớ rõ) giúp đỡ. Tiếng nói của Loan cũng dễ mến, nhưng giá lặng im, giá âm trầm “thiền định” thì Loan đáng yêu hơn nhiều... Nhưng tình thế buộc thế - đối mặt mà lặng im - Tôi biết được nhà Loan ở 59 phố Hàng Cót, bố có hai vợ, Loan là chị cả; Loan cũng biết gốc tích của gia đình tôi; ông tôi họ hàng có người làm quan đến Thượng thư trong triều, có người khoa bảng. Loan hay hỏi tôi về Huế. Cái điều làm Loan đôi chút suy tư là sao tôi cứ đọc tiểu thuyết Nga, nhất là truyện Dostoievsky. Tôi nói với Loan: Thằng ngốc là ai, là gì, tôi không hiểu, nhưng tôi vẫn thích, Loan sửng sốt, tôi kể với một giọng say sưa... chuyện thằng ngốc mà cũng là một ông thánh.

Loan cũng biết tôi có viết một vài bài văn nhỏ, nửa như báo, nửa như thơ, gửi đăng ở tạp chí nào đó... Những bài tôi ký bằng một biệt hiệu, có vẻ hơi lố... “Tuyết Lư em”. Sao không ký là “Em Tuyết” hay là tên thật của tôi? Thêm chữ “Lư” có vẻ là để khoe với bạn, tôi cũng có chút gì để làm cho người đời chú ý. Tôi đang ráo riết chuẩn bị thi Tú tài Pháp, mỗi lần viết thư cho các anh, tôi đều nói như thế, không nói thế làm sao có tiền để mua sắm những bộ complet? Tôi nhớ lúc 17 tuổi, chụp một “pô” ảnh tại một nhà ảnh người Trung Quốc, tôi ngắm mãi tôi, sao yêu đôi mắt thật thà sáng trong của mình đến thế! Liệu cô Loan có yêu mình như mình yêu mình không? Làm sao tôi có thể ngắm vào đôi mắt mình, gương mặt mình được... Chỉ có thể ngắm ảnh trong gương thôi. Nhưng ảnh chụp và bóng trong gương đâu hẳn là giống như mình ở ngoài.

Cái tiền đồ thi cử của tôi không gì hấp dẫn, may ra có một chút tên lên báo để giới thiệu mình với đời... Có thể lúc bấy giờ tôi có chút hợm mình đó chăng? Được có tên mình trên báo nhất là tờ báo Phụ nữ thời đàm mà chủ nhân là ông Nguyễn Văn Sá một nghị viên, một nhà giàu sang, là bố của hai cô, chị là Xuyến, em là Vân đẹp nổi tiếng... Có được tên dính trên tờ báo ấy, cũng cho đó là một vinh dự?

Tất nhiên Loan cũng đọc những bài báo nhỏ ấy, lúc bấy giờ tủ sách của bà Ghê-jen-nếc... không phải chỉ cun cút một bóng người, mà Loan đã kéo nhiều bạn bè trong đó có Oanh. Loan không giới thiệu tên thật của tôi, mà thích giới thiệu “Tuyết Lư em”. Khi một mình với tôi trong hầm, Loan có lần đã đùa, gọi tôi chỉ một chữ đuôi: Em.

- “Em” lấy giùm Loan quyển sách...

- “Em” rót giùm tách nước...

- “Em” xem sáng nay hoa hồng bà Ghê-jen-nếc nở đẹp chưa?

Loan gọi một chữ Em ngọt xớt, mặc dù ít ra Loan cũng kém tôi 3 - 4 tuổi...

Một hôm tôi kể chuyện Năm đêm trắng xong, Loan nhìn sững vào mắt tôi, và đôi mắt Loan như chớp chớp...

- Đời buồn quá anh nhỉ! Anh nên tìm truyện vui mà đọc.

Loan hỏi thăm tôi về chuyện gia đình, và hay nhìn trộm tôi! Không hiểu vì lý lẽ gì, mấy hôm nay, Loan không hỏi chuyện, đọc vài trang sách, gấp lại, lại mở đọc...

Những lần tôi đi qua nhà Loan... không bao giờ thấy Loan ở tầng dưới... Một hôm gặp Loan cùng mẹ lên chùa... Đầu vấn khăn nhung, trông Loan già và nền nã hơn... Chuyện gì đã xảy ra, nỗi đau đã hiện đầy trên gương mặt! Giá thấy tôi, chắc Loan sẽ không cầm được nước mắt!

Ba hôm sau, chờ mãi, đến hôm thứ tư Loan đến, tôi hỏi có chuyện gì mà trông Loan buồn thế, Loan im lặng.

Hôm sau, Loan đến... Với một bức thư đặt vào giữa trang sách tôi đang đọc, rồi về ngay...

Thế ra chúng tôi yêu nhau rồi ư? Nào biết Loan đau buồn chuyện gì, nhưng cái đau buồn của Loan đã lây cả vào hồn tôi!

Bức thư chả dài lắm. Tôi đọc đi, đọc lại đến nát.

"Tuyết Lư em!"

Mở đầu Loan gọi tôi như một lời đùa thế! Lời đùa của mỗi ngày... Nhưng bức thư thật thống thiết... “Loan có người em gái nhỏ 5 tuổi không ngờ trở bệnh nhanh bác sỹ đến thì chậm mất rồi! Anh xem cuốn sách hình vẽ trên bàn... mà chừ Sơn đã nằm dưới đất rồi, em không sao chợp mắt, suốt đêm trố mắt nhìn bốn cọc màn, giá được khóc với anh!”.

Tôi đọc đi rồi đọc lại, bức thư chỉ nói về cái chết đứa em gái Loan, mà chẳng khác nào một bức thư tình da diết!

Mỗi lần ở “tủ sách” dưới căn hầm của bà giáo Ghê-jen-nếc Loan như nán lại đến chậm, mỗi phút đợi chờ của tôi đã dài như một buổi, một ngày; nghe tôi báo là sẽ nghỉ hè về Huế, Loan tỏ ra bồn chồn... Chúng tôi đã nói đến sự chia ly, và gần như tạo ra cho mình một thứ sầu chia ly... để mà buồn, mà nhớ...
Lưu Trọng Lư
Kỳ 2: Mây bốn phương trời
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng giai nhân trong đời nhà thơ Lưu Trọng Lư