Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Grab mua lại Uber thì sẽ phải có trách nhiệm trả 53,3 tỉ đồng nợ thuế của Uber.
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết hiện nay, Uber vẫn nợ 53,3 tỉ đồng tiền thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Khoản tiền thuế này đã nhiều lần được cơ quan thuế đòi, thậm chí có những biện pháp mạnh mà Uber vẫn không trả. Thứ trưởng Mai nhấn mạnh:"Nghĩa vụ của các doanh nghiệp sáp nhập thì doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó. Điều này có nghĩa là Grab phải có trách nhiệm trả khoản nợ đó thay Uber tại Cục Thuế TP.HCM".
Cục Thuế TP.HCM cho biết cho biết vẫn sẽ tiến hành truy thu. Trường hợp Uber vẫn có tình "chây ì" thì cơ quan thuế của thành phố sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Hiện nay, Uber phải nộp tổng cộng số tiền truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 66,68 tỉ đồng. Trong đó, số tiền phạt về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỉ đồng, đồng thời truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỉ đồng.
Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỉ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỉ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài. Ngoài ra, Uber cũng phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến ngày 31.8.2017 là hơn 4,9 tỉ đồng.
Theo Thứ trưởng Mai, trước đó, Uber đã cam kết với Cục Thuế TP.HCM sẽ hoàn tất nộp thuế theo quy định, nhưng đến tháng 12.2017 mới chỉ trả được 13,3 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thông tin cho biết mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)đã có văn bản gửi tới Grab yêu cầu báo cáo việc mua bán Uber thời hạn chót cung cấp là hôm nay 3.4. Sau khi nhận được báo cáo của Grab, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở đánh giá quá trình mua bán này ở mức độ nào, có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không? Việc mua bán có được phép hay không?
Theo thoả thuận mua bán giữa hai bên, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab. Đổi lại, Uber sẽ nhận được 27,5% cổ phần trong Grab, con số tương ứng với thị phần hiện nay của Uber tại khu vực.
Uber rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á đồng nghĩa với việc Grab gần như độc quyền trong lĩnh vực này tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, hiện nay, Grab và Uber vẫn chưa được định danh rõ ràng tại Việt Nam là công ty hoạt động thương mại điện tử hay là giao thông vận tải. Điều này đang gây khó khăn trong việc rà soát dung lượng thị trường và thị phần của mỗi hãng. Đây cũng chính là căn cứ để xác định xem Grab mua Uber là bao nhiêu % và điều này có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, hướng đến độc quyền hay không.
Tuyết Nhung