Steve Jobs là một diva và đó chính xác là những gì bạn muốn cho một công ty thành công, theo Eric Schmidt (Giám đốc điều Google từ năm 2001 đến 2011).
Thế giới số

Cựu CEO Google nêu lý do các công ty muốn liên tục phát triển cần diva như Steve Jobs

Sơn Vân 21:03 17/11/2024

Steve Jobs là một diva và đó chính xác là những gì bạn muốn cho một công ty thành công, theo Eric Schmidt (Giám đốc điều Google từ năm 2001 đến 2011).

Trong tập gần đây của postcast The Diary of A CEO (Nhật ký của một CEO), Eric Schmidt đã giải thích rằng chìa khóa để xây dựng "sản phẩm tuyệt vời" là tìm ra một "người thực sự xuất sắc".

The Diary of A CEO là podcast (bản tin âm thanh) rất nổi tiếng, nơi các giám đốc điều hành từ nhiều công ty khác nhau chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm, bài học về cuộc sống và sự nghiệp của họ.

"Hãy tìm ai đó thông minh hơn bạn, khéo léo hơn bạn, nhanh nhẹn hơn bạn, thay đổi thế giới hoặc bất cứ điều gì bạn đang tối ưu hóa. Hãy liên minh với họ vì đó là những người sẽ làm cho thế giới trở nên khác biệt", Eric Schmidt nói.

Nhân vật có khả năng thay đổi thế giới này là những gì Eric Schmidt và Jonathan Rosenberg (cựu Phó chủ tịch sản phẩm của Google) mô tả là một "diva" trong cuốn sách How Google Works (Google hoạt động như thế nào) của họ.

"Những người vĩ đại thường khác thường và khó tính. Một số tính cách kỳ quặc đó có thể khiến người khác cảm thấy không dễ chịu", họ viết.

Dù các diva có thể tự cao hoặc coi trọng bản thân quá mức, nhưng điều đó thường được biện minh bởi tài năng xuất chúng và những thành tựu lớn lao mà họ đạt được. Một ví dụ như vậy về thiên tài nổi tiếng là nhà đồng sáng lập Apple - Steve Jobs, người mà Eric Schmidt cho rằng rõ ràng là một diva.

"Rất nhiều ý kiến, mạnh mẽ, thích tranh luận và sẽ áp đảo người khác nếu Steve Jobs không thích họ, nhưng lại rất thông minh. Ông ấy là một diva. Ông ấy muốn sự hoàn hảo, đúng không? Liên kết bản thân với Steve Jobs là một ý tưởng tốt", cựu Giám đốc điều hành Google nói.

Steve Jobs nổi tiếng với phong cách lãnh đạo thường độc đáo, từ việc cáu giận đến sa thải nhân viên ngay lập tức, nhưng cũng không thể phủ nhận ông rất quan trọng trong hàng loạt sản phẩm thành công của Apple.

Eric Schmidt cho biết việc cố gắng giải quyết vấn đề theo cách thực sự sáng tạo là điều khiến các diva trở nên quan trọng với sự đổi mới, từ đó dẫn đến công ty liên tục phát triển.

"Nếu bạn không có một người như vậy, công ty của bạn sẽ không đi đến đâu. Lý do là vì thật quá dễ dàng để chỉ tiếp tục làm những gì bạn làm trước đó”, ông cho hay.

Tuy nhiên, hai cựu lãnh đạo Google nhấn mạnh sự khác biệt giữa diva và knave (kẻ gian xảo), người cũng kiêu ngạo nhưng ưu tiên thành công cá nhân hơn là lợi ích của cả đội ngũ.

"Knave, mà bạn biết từ lịch sử nước Anh, là người hành động vì lợi ích của riêng họ. Họ không cố gắng làm điều đúng đắn, mà cố hưởng lợi cho bản thân bằng cái giá phải trả là người khác", Eric Schmidt nói trong podcast.

Không giống các diva, người cần được bảo vệ bất chấp những tính cách lập dị, Rosenberg và Schmidt viết rằng knave là "kẻ cẩu thả, ích kỷ" và thiếu sự liêm chính, cần xử lý nhanh chóng.

cuu-ceo-google-neu-ly-do-cac-cong-ty-muon-lien-tuc-phat-trien-can-diva-nhu-steve-jobs.jpg
Steve Jobs và Eric Schmidt tại Hội nghị & Triển lãm MacWorld ở thành phố San Francisco (Mỹ) vào ngày 9.1.2007 - Ảnh: Internet

Diễn thuyết trước công chúng siêu đỉnh

Khi nói đến việc diễn thuyết trước công chúng, ít ai có thể sánh được với Steve Jobs.

Đó là kỹ năng mà Bill Gates (nhà đồng sáng lập Microsoft) từ lâu đã bày tỏ sự ghen tị với Steve Jobs. Hơn một thập kỷ sau khi Steve Jobs qua đời, Bill Gates nói rằng ông vẫn chưa đạt tới khả năng diễn thuyết tự nhiên như không hề chuẩn bị trước trên sân khấu như người đồng sáng lập Apple.

“Steve Jobs có tố chất bẩm sinh", Bill Gates cho biết trên podcast Armchair Expert.

Tỷ phú 68 tuổi người Mỹ nói thêm: “Thật thú vị khi xem Steve Jobs diễn thuyết vì khả năng thiên tài của ông ấy. Khi diễn thuyết, Steve Jobs khiến mọi thứ trông như là ông chỉ vừa nghĩ ra ngay tại thời điểm đó. Tôi sẽ không bao giờ đạt được trình độ đó".

Cựu giám đốc điều hành Apple luôn chuẩn bị kỹ lưỡng cho các bài thuyết trình chính thức, đôi khi trước cả tháng.

Nhà báo công nghệ kỳ cựu Brent Schlender viết: “Có lần tôi đã dành cả một ngày để xem ông ấy thực hiện nhiều lần diễn tập cho một bài thuyết trình duy nhất, tinh chỉnh mọi thứ, từ màu sắc và góc độ của một số đèn chiếu nhất định đến việc chỉnh sửa, sắp xếp lại thứ tự các slide thuyết trình chính để cải thiện nhịp độ.

Trong một trường hợp vào ngày hôm đó, ông ấy chỉ ngồi im lặng trên sân khấu, tay chống cằm, nhìn chằm chằm xuống sàn gần 15 phút vì thất vọng với tín hiệu đèn sai. Lần đó, Steve Jobs không hét lên mà chỉ khiến mọi người phải đợi cho đến khi ông ấy nguôi giận”.

Trong podcast Armchair Expert, Bill Gates cho biết nhiệm vụ mà ông và Steve Jobs tham gia trên các sân khấu khắp thế giới lần lượt đại diện cho Microsoft và Apple (mỗi người một cách) là thuyết phục nhiều người cùng các công ty tin vào ảnh hưởng mà những thứ như email và bảng tính có thể mang lại cho cuộc sống lẫn công việc của họ.

“Chúng tôi thậm chí còn gọi đó là truyền giáo. Một số người có thể không thích việc chúng tôi sử dụng một thuật ngữ tôn giáo, nhưng kể câu chuyện về sự kỳ diệu của phần mềm là một phần quan trọng của công việc, vào thời điểm tôi ở độ tuổi 30", nhà đồng sáng lập Microsoft cho hay.

Ngày nay, Bill Gates vẫn học theo phong cách giao tiếp của Steve Jobs khi ông tìm cách giành được sự ủng hộ cho y tế toàn cầu, giáo dục công cộng và tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI).

“Phần lớn công việc tôi làm ở Microsoft và hiện tại là giải thích những gì chúng tôi đang làm theo cách đơn giản, hy vọng có thể kết nối với một đối tượng cụ thể. Tôi thích cố gắng giải thích mọi thứ và thích nhận được phản hồi - những câu chuyện nào gây được tiếng vang hoặc những câu chuyện nào không có sự kết nối (người nghe không thấy đồng cảm - PV)", ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 của tờ The Wall Street Journal, Bill Gates nói về Steve Jobs: "Tôi ước mình có thể trở nên kỳ diệu như ông ấy để giúp tăng cường sự nhận thức và ủng hộ cho các vấn đề quan trọng, đảm bảo rằng chúng không bị phớt lờ".

cuu-ceo-google-neu-ly-do-cac-cong-ty-muon-lien-tuc-phat-trien-can-diva-nhu-steve-jobs1.jpg
Bill Gates tự nhận vẫn chưa đạt tới khả năng diễn thuyết tự nhiên như không hề chuẩn bị trước trên sân khấu như Steve Jobs - Ảnh: Internet

“Tôi sẽ nhớ Steve Jobs vô cùng”

Bill Gates - Steve Jobs là đồng nghiệp, bạn bè và đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong nhiều năm. Mối quan hệ của họ là một yếu tố quan trọng với thành công ở Microsoft và Apple.

Bill Gates đã đăng một ghi chú trên blog của mình sau khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, viết rằng "thực sự buồn" khi biết tin ông qua đời.

"Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, là đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh và bạn bè trong suốt hơn một nửa cuộc đời của mình. Thế giới hiếm khi thấy một người có tác động sâu sắc như Steve. Những tác động của ông sẽ được cảm nhận trong nhiều thế hệ sau. Với những người trong chúng tôi đủ may mắn để được làm việc với anh ấy, đó là một vinh dự vô cùng lớn lao. Tôi sẽ nhớ Steve vô cùng", Bill Gates viết vào thời điểm đó.

Steve Jobs sinh ngày 24.2.1955, mất hôm 5.10.2011 vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Đây là sự mất mát đáng tiếc của giới công nghệ khi thời điểm đó, Apple đang ngày càng có ảnh hưởng với dòng sản phẩm iPhone.

Trước đó, Steve Jobs thừa nhận với nhà báo Walter Isaacson, người viết cuốn tự truyện của ông, rằng đã không làm theo lời khuyên từ bác sĩ.

Khi đi khám sỏi thận vào năm 2003, Steve Jobs được phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, loại ung thư của ông nằm trong số 5% trường hợp phát triển chậm, có thể chữa trị nếu phẫu thuật. Thế nên các bác sĩ đã khuyên ông đi phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Người thân và gia đình cũng khuyên Steve Jobs phẫu thuật và hóa trị. Dù vậy, ông đã trì hoãn việc phẫu thuật trong 9 tháng và cố gắng tìm cách điều trị khác. Quyết định này đã khiến Steve Jobs qua đời trong khi căn bệnh có thể chữa được.

"Tôi không muốn cơ thể bị mổ phanh ra. Tôi không muốn mình bị xâm phạm kiểu đấy", Steve Jobs kể lại với Walter Isaacson.

Trong 9 tháng đó, Steve Jobs sử dụng những phương cách như ăn chay, châm cứu, thảo dược, thông đại tràng và nhiều hình thức chữa bệnh không theo tây y. Có thời điểm ông còn tìm đến những người chữa trị bằng thôi miên.

Phải đến năm 2004, Steve Jobs mới chấp nhận phẫu thuật để bỏ khối u. Sau đó, ông chia sẻ thông tin tới toàn bộ nhân viên Apple.

"Tôi có một thông tin cá nhân muốn chia sẻ và muốn các bạn nghe từ chính tôi. Tôi mắc phải một dạng ung thư tụy rất hiếm, nằm trong số 1% số ca có thể chữa khỏi nếu phẫu thuật sau khi phát hiện kịp thời, như trường hợp của tôi", Steve Jobs viết trong email.

Dù Steve Jobs tỏ ra lạc quan, sức khỏe của ông không hoàn toàn bình thường. Năm 2006, ngoại hình gầy gò khác thường của Steve Jobs tại Hội nghị nhà phát triển của Apple khiến nhiều người nghi ngờ về sức khỏe của ông. Thời điểm này, đại diện Apple cho biết Steve Jobs vẫn rất khỏe.

Năm 2008, Steve Jobs trông còn gầy hơn. Một năm sau, ông vắng mặt trong sự kiện công bố sản phẩm của Apple. Steve Jobs cho rằng ông gầy đi vì một vấn đề liên quan đến hormone. Dù vậy, đến đầu năm 2009, ông không thể làm việc tiếp và phải nghỉ một thời gian.

Tháng 6.2009, tờ Wall Street Journal tiết lộ Steve Jobs vừa ghép gan tại bang Tennessee (Mỹ). Sau khi phủ nhận, bệnh viện cuối cùng thừa nhận Steve Jobs đã được ghép tạng và còn cho biết ông "là bệnh nhân nặng nhất trong danh sách chờ".

Đến lúc đó, Steve Jobs chọn cách chữa trị ngược hẳn với thời gian đầu. Ông đã được giải mã toàn bộ gien để tìm ra cách chữa hiệu quả nhất, đến Thụy Sĩ để được can thiệp bằng phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, 9 tháng là thời gian dài với bệnh ung thư và khi Steve Jobs chấp nhận phẫu thuật thì tế bào ung thư đã di căn.

Steve Jobs quay lại làm việc sau 6 tháng, nhưng đến tháng 1.2011 thì ông lại phải nghỉ phép. Tháng 8.2011, Steve Jobs nhường vị trí Giám đốc điều hành Apple cho Tim Cook.

"Tôi luôn nói rằng khi không thể làm trọn nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu ở vị trí Giám đốc điều hành Apple, tôi sẽ tự mình nói ra. Đáng tiếc là ngày đó đã đến", Steve Jobs viết trong email thông báo cho nhân viên.

Theo cuốn tự truyện, Steve Jobs vẫn rất khó tính vào giai đoạn cuối đời. Ông phải chọn lựa tới 67 y tá mới tìm ra được 3 người ưng ý, song đến lúc đó thì ông đã quá yếu.

Steve Jobs mất vào ngày 5.10.2011 tại căn nhà của mình ở thành phố Palo Alto, bang California (Mỹ). Khi qua đời, Steve Jobs chỉ 56 tuổi nhưng căn bệnh ung thư đã khiến ông trở nên gầy gò và già hơn so với tuổi thực của mình, khác xa hình ảnh người đàn ông cường tráng trước đây.

Trong cuộc sống, Steve Jobs nổi tiếng là người có tư duy khác biệt. Tại Apple, ông là người tạo ra các sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Mac, iPhone và iPad. Khả năng thiên tài của Steve Jobs đến từ bản chất chính xác, đòi hỏi cao và tư duy kì lạ. Song bi kịch là ông lại sử dụng chính những suy nghĩ đó để đối đầu với căn bệnh ung thư của mình.

Khi liên quan đến sức khỏe của chính mình, Steve Jobs đã dựa vào bản năng thay vì lời khuyên của các bác sĩ. Ông đã để căn bệnh ung thư di căn trong 9 tháng trước khi quyết định phẫu thuật.

Một số bác sĩ cho rằng sự chậm trễ phẫu thuật là lý do tại sao Steve Jobs qua đời.

“Ông ấy mắc một loại ung thư tuyến tụy có thể điều trị và chữa khỏi được. Về cơ bản, ông ấy đã tự sát”, Barrie Cassileth, bác sĩ ung thư tại bệnh viện Memorial Sloan-Kettering, kể.

Bài liên quan
Tim Cook: 'Triết lý của Steve Jobs sẽ vẫn ở Apple 100 năm nữa'
Giữ vai trò giám đốc điều hành sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook giúp Apple vượt qua bao sóng gió để từng trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Hiện Apple là công ty có vốn hóa thị trường cao thứ hai thế giới sau Microsoft.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu CEO Google nêu lý do các công ty muốn liên tục phát triển cần diva như Steve Jobs