Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là nguyên nhân chính khiến cho Cảng cá Rạch Gốc hiện chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Cà Mau: Cần đầu tư, nâng cấp đường đấu nối để phát huy tiềm năng Cảng cá Rạch Gốc

Trần Khải | 12/06/2022, 20:00

Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là nguyên nhân chính khiến cho Cảng cá Rạch Gốc hiện chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Theo đó, Cảng cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được khởi công xây dựng từ năm 2009 và đưa vào sử dụng vào năm 2015 với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng, Cảng cá Rạch Gốc chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có của mình do đường kết nối từ cảng với QL1A còn hạn chế về tải trọng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2019 chỉ có 154 lượt tàu cập cảng với sản lượng qua cảng là 572 tấn; năm 2020 có 477 lượt tàu cập cảng với sản lượng 3.714 tấn; năm 2021 có 298 lượt tàu cập cảng với sản lượng qua cảng là 2.444 tấn và đến tháng 2.2022 chỉ có 31 tàu cập cảng với sản lượng gần 68 tấn. Đây là một con số rất thấp đối với một cảng cá có tiềm năng như Rạch Gốc.

cang-1.jpg
Cảng cá Rạch Gốc hiện chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình

Trong khi đó, trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc có 1 bến cảng tư nhân nằm gần cửa biển, có vùng nước sâu, tàu cá tải trọng lớn dễ dàng cập bến nên hoạt động rất hiệu quả. Hàng hoá lên nhanh, phương tiện vận tải lớn vào bốc dỡ, vận chuyển băng đường bộ thuận lợi do kết nối được với QL1A.

Do đó, doanh thu từ hàng hoá, phương tiện vận chuyển qua Cảng cá Rạch Gốc còn thấp do hạ tầng kết nối giữa cảng với đường bộ chưa được cải thiện. Đây cũng là nguyên nhân góp phần vào việc các tàu cá khi về bến lên hàng tại các bến tư nhận hoặc tại nhà riêng của chủ tàu, không đưa tàu cá vào cập cảng để bóc dỡ thuỷ sản theo quy định của pháp luật về khai thác thuỷ hải sản.

Khi được hỏi về việc cảng có phát huy được công năng vốn có hay chưa? Một cán bộ ở cảng này lắc đầu: “Đường vào cảng chỉ cho phương tiện từ 8 tấn trở lại đi thôi, xe vượt tải thì không vào được, nếu cố tình vào sẽ bị phạt hành chính quá tải rất nặng. Giờ phải làm đường thì cảng mới phát huy hiệu quả được. Nếu xe lớn vào cảng được thì các phương tiện lớn mới cập bến cảng, vào một lần phải tải đủ trọng chứ xe có 8 tấn vào tải không hết đâu ai chịu cập cảng”.

cang-2.jpg
Do đường vào cảng hạn chế xe có tải trọng lớn nên Cảng cá Rạch Gốc có rất ít phương tiện cập cảng

Theo người này, tuỳ vào ngành nghề hoạt động mà phương tiện có tải trọng khác nhau, nếu ghe thu mua hàng tươi sống thì tải trọng từ 1 – 2 tấn, các ghe đánh bắt từ 10 – 70 tấn đều có, đủ loại. “Hiện ở địa phương, ghe tải trọng nhỏ vẫn hoạt động bình thường, còn ghe ngoài tỉnh ít vào lắm. Xe cộ ít vào, không ai sử dụng cảng thì sao mình thu phí được. Giờ phải làm đường, để xe lớn vào cảng được thì nơi đây mới vận hành hiệu quả”, vị cán bộ Cảng cá Rạch Gốc cho biết thêm.

Cửa biển Rạch Gốc là một trong những địa điểm có nghề cá phát triển ở tỉnh Cà Mau. Tính đến ngày 1.3.2022, nơi đây có 456 tàu cá với tổng công suất là 39.346KW. Đây được xem là ngư trường trọng điểm phía Nam. Ngoài các tàu trong tỉnh, nơi đây còn thu hút hàng trăm tàu cá từ các địa phương khác đến mua bán sản phẩm, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, thời tiết tương đối thuận lợi quanh năm đã tạo điều kiện cho nghề khai thác thuỷ sản phát triển. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, song hệ thống hạ tầng cơ sở nghề cá chưa được phát triển đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

cang-4.jpg
Đường vào Cảng cá Rạch Gốc

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Địa phương đã có ý kiến đề nghị cấp trên trước mắt là đầu tư, nâng cấp tuyến đường khoảng 2km để phát huy tối đa hiệu quả của Cảng cá Rạch Gốc. Cảng cá Rạch Gốc là nơi trung chuyển gần hơn các cảng khác. Tuy nhiên, hiện nay các phương tiện đánh bắt ít vào đây do ở của Rạch Gốc bị bồi lắng, cạn bởi cồn. Thêm nữa ghe tàu vào cảng tiêu tốn chi phí cao hơn vì phải trung chuyển ra đường Hồ Chí Minh mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường bộ”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, việc nâng cấp Cảng cá Rạch Gốc cung với đầu tư tuyến lộ và 2 cây cầu từ cảng cá kết nối với QL1A là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hiển. Hai công trình trên sẽ góp phần vào kế hoạch xây dựng thị trấn Rạch Gốc đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021 – 2022 và những năm tiếp theo.

cang-3.jpg
Trái ngược với Cảng cá Rạch Gốc, cảng tư nhân Hai Bình luôn nhộn nhịp lên xuống hàng hoá

“Kinh tế biển không thiếu sự phát triển của dịch vụ hậu cần nghề cá. Dịch vụ hậu cần luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế biển, cũng như giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản bình quân hằng năm. Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau sớm đầu tư đường đấu nối từ Cảng cá Rạch Gốc – QL1A để phát huy tiềm năng của cảng”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Cần đầu tư, nâng cấp đường đấu nối để phát huy tiềm năng Cảng cá Rạch Gốc