Qua kiểm tra, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau phát hiện Công ty TNHH Dược phẩm TVT – Phòng khám Đa khoa Sài Gòn (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc danh mục bệnh điều trị dài hạn/mãn tính nhưng không lập hồ sơ bệnh án giấy, bệnh án điện tử theo quy định.
Ngày 25.2, thông tin từ BHXH tỉnh Cà Mau xác nhận, vừa ban hành kết luận kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại Công ty TNHH Dược phẩm TVT – Phòng khám Đa khoa Sài Gòn.
Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra tại Công ty TNHH Dược phẩm TVT – Phòng khám Đa khoa Sài Gòn trong giai đoạn từ tháng 2.2023 (thời điểm bắt đầu khám, chữa bệnh BHYT) đến 30.6.2024.
Kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2023 (từ ngày 1.2 đến 31.12.2023) Phòng khám này được BHXH tỉnh Cà Mau thông báo dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT năm 2023 khoảng 18,2 tỉ đồng. Phòng khám đã tổ chức khám chữa bệnh cho 99.715 lượt người bệnh có thẻ BHYT với tổng chi phí đề nghị thanh toán BHYT là gần 25,5 tỉ đồng, vượt dự kiến chi hơn 7,2 tỉ đồng.
Năm 2024 (từ 1.1 đến 30.6.2024), phòng khám đã tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho 67.176 lượt người bệnh có thẻ BHYT với tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán là hơn 18,2 tỉ đồng, bình quân chi phí khám chữa bệnh khoảng 264.000 đồng/lượt người. Đơn vị được BHXH huyện Trần Văn Thời tạm ứng, cấp chuyển kinh phí gần 17,2 tỉ đồng.
Việc giám định, từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT được BHXH huyện Trần Văn Thời thực hiện giám định theo từng quý, thông qua nhóm giám định. Theo báo cáo của phòng khám, tính từ ngày 1.2.2023 đến 30.6.2024, qua công tác giám định BHXH huyện Trần Văn Thời đã từ chối thanh toán số tiền 230 triệu đồng. Trong đó, năm 2023 hơn 122 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 107 triệu đồng.
“Qua đối chiếu với hồ sơ giám định, ghi nhận nhiều nội dung có trong biên bản giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng quý chưa được Phòng khám đa khoa Sài Gòn phối hợp với BHXH huyện Trần Văn Thời xử lý theo quy định, để đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng quy định”, kết luận kiểm tra nêu rõ.
Về cung cấp hồ sơ, tài liệu, dữ liệu khám chữa bệnh để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu việc thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho thấy, về hồ sơ bệnh án, đoàn kiểm tra đã chọn ngẫu nhiên 6 trường hợp bệnh thuộc danh mục bệnh điều trị dài ngày/mãn tính trong năm 2023 nhưng Phòng khám đa khoa Sài Gòn không lập hồ sơ bệnh án giấy hoặc bệnh án điện tử theo quy định.
Qua kiểm tra, Phòng khám đa khoa Sài Gòn xác nhận, trong thời kỳ kiểm tra đơn vị không có lưu hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy theo quy định tại Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 đối với người bệnh điều trị ngoại trú (bao gồm điều trị ngoại trú bệnh mạn tính dài hạn).