Ngày 12.10, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức buổi họp mặt doanh nghiệp nhân ngày “Doanh nhân Việt Nam”. Dịp này, UBND tỉnh Cà Mau cũng tặng bằng khen cho 29 doanh nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau thông tin, trong 2 năm qua, doanh nghiệp địa phương đã nỗ lực chống chọi với dịch COVID-19 để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại.
Áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, biến động mạnh giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao và thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp. Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân chưa có chuyển biến đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát, có nhiều chuyển biến tích cực nên các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển so với năm 2021.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 1.990 hồ sơ, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 531 doanh nghiệp, tăng 77% và vốn đăng ký tăng cao so với năm 2021. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng so với năm 2021. Toàn tỉnh hiện có 4.488 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 67.634 tỉ đồng.
“Đến hết tháng 9, hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so cùng kỳ. Tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo đối với các ngành, lĩnh vực phụ trách để sớm có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Thánh nói.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực, thu ngân sách đạt trên 3.600 tỉ đồng, chiếm trên 83% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu (tính đến tháng 9) đạt trên 1 tỉ USD, chiếm 94% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 77% và vốn đăng ký tăng cao so với năm 2021”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương còn được Chính phủ quan tâm, triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm như: đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến tránh Quốc lộ 1A qua TP.Cà Mau.
Ngoài ra, tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: xây dựng cầu Sông Đốc, đường trục chính Đông Tây, đường nối vào Đầm Thị Tường… và đang kêu gọi đầu tư một số dự án có quy mô lớn như Cảng biển quốc tế Hòn Khoai; khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường; đầu tư hạ tầng các khu kinh tế Năm Căn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng lưu ý: "Chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Những mặt hạn chế cần tập trung tháo gỡ là kết cấu hạ còn yếu kém, thiếu đồng bộ, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch; giá xăng dầu tăng, nguồn cung không ổn định, hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một số lĩnh vực chưa thực sự bền vững, việc cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là về đất đai, đầu tư xây dựng, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ…".
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã tặng bằng khen cho 29 doanh nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.