Các nhà khoa học từ Trung Quốc và Mỹ sẽ thực hiện các quan sát thiên văn chung trên Mặt trăng sau cuộc đổ bộ của tàu vũ trụ đầu tiên do Mỹ sản xuất lên bề mặt Mặt trăng sau nửa thế kỷ.
Các nhà nghiên cứu tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc (NAOC) ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc đã được mời sử dụng hai camera chụp ảnh trên tàu Odysseus (Mỹ) đã chạm xuống gần cực nam của Mặt trăng hôm 23.2. Odysseus là tàu đổ bộ Mặt trăng thương mại do công ty Intuitive Machines (có trụ sở tại bang Texas, Mỹ) chế tạo.
Các camera sẽ được nhóm nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu các thiên thể khác nhau, gồm cả trung tâm Dải Ngân hà.
Sự hợp tác này là kết quả của một biên bản ghi nhớ (MOU) được ký giữa NAOC và Hiệp hội Đài quan sát Mặt trăng Quốc tế (ILOA) phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Hawaii (Mỹ) vào năm 2012, cho phép các nhà thiên văn học Hawaii sử dụng kính viễn vọng tia cực tím trên tàu Hằng Nga của Trung Quốc. 3 tàu đổ bộ Mặt trăng để chụp ảnh Thiên hà Chong Chóng từ bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên hai năm sau.
“ILOA rất vinh dự được tham gia hợp tác Trung - Mỹ đầu tiên trên Mặt trăng bằng thiết bị Trung Quốc. Bây giờ, chúng tôi vui mừng thông báo kế hoạch đáp lại bản ghi nhớ lâu dài. Chúng tôi tin rằng dự án này sẽ là dự án hợp tác Trung - Mỹ đầu tiên trên Mặt trăng với thiết bị Bắc Mỹ”, Steve Durst (Giám đốc sáng lập ILOA) cho biết.
Zheng Yongchun, nhà thiên văn học của NAOC, cho biết ông thực sự vui mừng cho ILOA.
“Tôi biết họ đã thực hiện dự án này trong nhiều năm và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện với tư cách là một tổ chức phi chính phủ. Bây giờ, thật tuyệt vời khi thấy họ đạt được chiến thắng quan trọng, có ý nghĩa. Bất kỳ thành công nào trong việc thám hiểm Mặt trăng đều đáng được ăn mừng, bởi Mặt trăng không thuộc về bất kỳ quốc gia nào mà thuộc về toàn thể nhân loại”, Zheng Yongchun nói.
Đồng nghiệp của Zheng Yongchun, Xue Suijian - người đóng vai trò thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận NAOC - ILOA, cho biết anh vẫn nhớ đã chứng kiến cuộc đổ bộ của tàu Hằng Nga 3 cùng Steve Durst tại NAOC một thập kỷ trước.
Giờ đây, khi xem trực tuyến việc đáp xuống Mặt trăng của tàu Odysseus từ nhà riêng ở Bắc Kinh, Xue Suijian nói ông muốn chúc mừng Mỹ đã trở lại Mặt trăng sau hơn 50 năm.
“Tôi tin rằng các camera trên tàu Odysseus sẽ sớm mang đến cho chúng ta những tin tức thú vị. Chúng tôi rất mong được hợp tác với ILOA một lần nữa để thực hiện các cuộc khảo sát thiên hà và hơn thế nữa”, ông nói.
Bộ hình ảnh nặng 0,6kg trên tàu đổ bộ của Mỹ, có tên ILO-X và được phát triển bởi công ty Canadensys Aerospace (Canada), chứa một camera có trường nhìn rộng cũng như một camera có trường nhìn hẹp. Việc này nhằm mục đích hoạt động trong một ngày Mặt trăng, hoặc 14 ngày Trái đất, khi quan sát vũ trụ, Trái đất và môi trường gần địa điểm hạ cánh.
Là tiền thân của đài quan sát Mặt trăng hàng đầu sắp tới của ILOA ILO-1, ILO-X cũng sẽ thử nghiệm một số công nghệ chính sẽ được sử dụng trên ILO-1, Steve Durst cho hay.
Theo Steve Durst, kết quả từ các quan sát của NAOC với ILO-X cũng như kết quả từ khoảng 10 đài quan sát được mời khác, sẽ được trình bày tại một diễn đàn quốc tế do tổ chức phi lợi nhuận Hawaii tổ chức diễn ra tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào tháng 12.2023.
Kính viễn vọng tia cực tím Mặt trăng có đường kính 15mm trên tàu Hằng Nga 3 là đài quan sát thiên văn dài hạn đầu tiên trên thế giới trên bề mặt Mặt trăng. Nó vẫn đang hoạt động sau một thập kỷ theo dõi các ngôi sao và tiến hành khảo sát bầu trời.
Tàu Odysseus đã được phóng lên Mặt trăng bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) ở bang Florida (Mỹ) vào tuần trước. Nhiệm vụ có tên Intuitive Machines-1, là một phần của sáng kiến Commercial Lunar Payload Services của NASA.
NASA bị cấm cộng tác trực tiếp với Trung Quốc theo Tu chính án Wolf, đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2011 và đặt theo tên của thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa lúc bấy giờ là Frank Wolf.
Là một doanh nghiệp tư nhân phi lợi nhuận, ILOA cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Deep Space Exploration Laboratory (Phòng thí nghiệm Thám hiểm Không gian sâu) của Trung Quốc vào năm ngoái để hợp tác tiềm năng trên Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS).
ILRS là sáng kiến do Trung Quốc và Nga dẫn đầu nhằm xây dựng căn cứ ở cực nam Mặt trăng trong thập kỷ tới để nghiên cứu và sử dụng tài nguyên. Nó thường được coi là đối thủ của chương trình Artemis do Mỹ dẫn đầu.