Chưa bao giờ trong lịch sử, lớp diễn viên hàng đầu Hollywood lại thể hiện tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ như bây giờ. Họ không chỉ nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch vì quyền phái đẹp mà còn đòi tăng tỉ lệ nhân vật nữ trên màn ảnh, sẵn sàng đưa ra phát ngôn đanh thép trước báo giới vì phụ nữ.

Cách mạng nữ quyền ở Hollywood

Sơn Phạm | 21/05/2017, 08:57

Chưa bao giờ trong lịch sử, lớp diễn viên hàng đầu Hollywood lại thể hiện tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ như bây giờ. Họ không chỉ nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch vì quyền phái đẹp mà còn đòi tăng tỉ lệ nhân vật nữ trên màn ảnh, sẵn sàng đưa ra phát ngôn đanh thép trước báo giới vì phụ nữ.

Vài năm trở lại đây, nữ quyền ở Hollywood thường xuyên được nhắc đến bởi chưa bao giờ tiếng nói đòi bình đẳng giới của các ngôi sao hàng đầu làng điện ảnh lại thể hiện rõ đến thế. Từ màn ảnh, cho đến các chiến dịch, các bài phát biểu tại sân khấu nhiều lễ trao giải uy tín đều cho thấy minh tinh, tài tử hạng A đang mong muốn một nền công nghiệp phim ảnh công bằng hơn đối với phái yếu.

Nữ quyền trỗi dậy trên màn bạc

Nếu đầu thập niên 1970, khi bắt đầu Kỷ nguyên vàng Hollywood, một loạt tác phẩm tiêu biểu như Billy Jack (1971), The French Connection (1971), The Godfather (1972)… chỉ tập trung vào cuộc chiến cái tôi và thế giới của những người đàn ông thì từ giữa thập niên ấy, vai trò cả phía trước và sau máy quay của nữ giới đều từng bước đa dạng hơn. Nhưng trong cả “kỷ nguyên vàng” ấy, phái nữ chỉ có “khoảnh khắc vàng” với những nỗ lực vất vả của Girlfriends (1978), Kramer vs. Kramer (1979), Alien (1979).

Sang những năm 1980 - 1990, nhiều chủ đề về nữ giới với sự độc lập, vai trò của họ, dục vọng, tình yêu đồng tính được đưa vào điện ảnh nhiều hơn. The color purple (1985), Stanley & Iris (1990), Mommie Dearest (1981), Fatal Attraction (1987) rồi đến Basic instinct (1992), Bound (1996), Thelma & Louise (1991), Boys on the Side (1991)… đều cho thấy tiếng nói bình đẳng giới mạnh dần lên trong làng phim ảnh.

Bắt đầu từ năm 2000 trở đi, hình ảnh người phụ nữ phong phú với nhiều cách tiếp cận trên quan điểm của phụ nữ hết sức thực tế, mạnh bạo mà trước kia chưa từng có và bùng nổ ở đủ thể loại từ hài, chính kịch, hoạt hình, hành động: Sex and the city (2008), Bridesmaids (2011), Brave (2012), Frozen (2013) The Heat (2013), American Hustle (2013), Maleficent (2014), Pitch Perfect (2012, 2015) và thậm chí tôn vinh người nữ siêu anh hùng như các serie Twilight, The Hunger Games, Divergent, Mad max: Fury road (2015), Avengers Age of Ultron (2015)... Doanh thu phòng vé của những bộ phim này thì cao khỏi bàn.

Nữ quyền quật đổ bất công giới về thù lao

Nhưng giai đoạn 1970 - 1980, diễn viên nam nắm 71% tất cả các vai và 86% vai chính, diễn viên nữ chỉ nắm phần nhỏ còn lại của chiếc bánh. Đạo diễn nữ như Joan Micklin Silver, Antonia Bird và Jane Campion dù có ký hợp đồng (một cách khó khăn) cũng phải chịu mức thù lao thấp. Sự thiếu công bằng ấy ở Hollywood kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.

Theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh New York (NYFA) công bố năm 2012, tỉ lệ phụ nữ làm nhà sản xuất chiếm 25%, biên kịch chiếm 15% và đạo diễn chiếm 9%. Trong lịch sử điện ảnh, có 4 nữ đạo diễn được đề cử Oscar và người duy nhất chiến thắng là Kathry Bigelow (phim The Hurt Locker, 2008). Những người đẹp tài năng từ Angelina Jolie, Jennifer Lawrence cho đến Kristen Stewart, Amanda Seyfried… đều chịu thiệt thòi hơn về cát-sê so với sao nam cùng đẳng cấp.

Năm 2015, Amanda Seyfried tiết lộ cô chỉ được trả mức lương bằng 1/10 so với các bạn diễn nam. Jennifer Lawrence và Amy Adams chỉ được chia 7% lợi nhuận phòng vé, thấp hơn 2% so với đồng nghiệp nam cùng đóng trong American Hustle (2013). Hồi tháng 1 năm nay, Natalie Portman nói cát-sê của cô trong No Strings Attached (2011) chỉ bằng 1/3 so với số thù lao Ashton Kutcher nhận được. Trong danh sách diễn viên có thù lao cao nhất thế giới năm 2016 do Forbes công bố, Jennifer Lawrence đứng đầu top diễn viên nữ (46 triệu USD) kiếm được tổng tiền chỉ bằng 72% thù lao của Dwayne Johnson (64,5 triệu USD) và đứng thứ 6 trong bảng thù lao nếu xếp cả nam lẫn nữ.

Trước sự thật đáng buồn nói trên, nhiều ngôi sao đã lên tiếng đòi lại công bằng. Natalie Portman gay gắt cho rằng sự cách biệt này là “điên rồ”. “Ở đa số các ngành nghề, lương phụ nữ chỉ bằng 8/10 lương nam giới, nhưng ở Hollywood chúng tôi chỉ được nhận có 3/10”, cô tiết lộ.

“Đả nữ” Charlize Theron không chấp nhận bị xử ép, đòi cát-sê lên hơn 10 triệu USD, bằng với Chris Hemsworth, nếu Universal Pictures muốn cô đóng The Huntsman: Winter's War (2016) và đã thành công.

Patricia Arquette khi nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhờ Boyhood tại Oscar 2015 đã thẳng thắn đề cập ngay đến bình đẳng giới thể hiện trong thu nhập của nghệ sĩ Hollywood. Bài phát biểu đanh thép, rõ ràng của Patricia Arquette đã gây tiếng vang lớn, được giới truyền thông quan tâm và các đồng nghiệp ủng hộ nhiệt tình.

Năm 2016, nhiều sao đồng loạt lên tiếng ủng hộ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) yêu cầu Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ (EEOC) điều tra thực tế đạo diễn nữ bị xử ép tại Hollywood và khiến cơ quan này phải bắt tay vào cuộc từ tháng 10 năm ngoái.

Sao nam như Bradley Cooper cũng tuyên bố sẽ công khai cát-sê nhận tham gia các dự án cho bạn diễn nữ biết để họ có thể thương lượng hợp đồng công bằng hơn.

Các nhà nữ quyền Hollywood oanh tạc thảm đỏ và vươn xa ngoài làng giải trí

Các ngôi sao còn không ngại thể hiện thái độ phản đối tới cùng đối với các quy định phân biệt giới tính như tại LHP Cannes 2015, khách nữ bị bảo vệ chặn lại không cho vào chỉ vì họ đi giày bệt. Năm 2016, dàn sao tiếp tục gay gắt với quy định trang phục thiếu hợp lý ấy. Điển hình, Julia Roberts đã đi chân không trên thảm đỏ đến dự buổi công chiếu phim Money Monster.

Còn Kristen Stewart cho biết nếu đi cùng đồng nghiệp nam và bị ngăn lại chỉ vì đôi giày, cô sẽ phản pháo: “Vậy thì bạn tôi đây cũng vậy. Anh ấy có mang giày cao gót đâu nhỉ?... Đơn giản là anh không thể bắt tôi làm điều mà anh không yêu cầu anh ấy làm”.

Tại buổi họp báo trước đêm nhạc gây quỹ cho tổ chức từ thiện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ Chime for Change, John Legend khẳng định: “Tất cả đàn ông đều nên là người theo chủ nghĩa nữ quyền. Nếu đàn ông quan tâm đến những quyền lợi của phụ nữ, thế giới sẽ trở nên đẹp hơn”.

Chưa dừng lại, sao Hollywood tích cực sử dụng ảnh hưởng của mình phát đi tiếng nói nữ quyền thông qua hoạt động trong các chiến dịch cụ thể. Đó là khi Natalie Portman, Scartlet Johansson, Lena Dunham, Emma Watson, Charlize Theron và cả nam diễn viên Jake Gyllenhaal… sánh vai bên hàng triệu phụ nữ biểu tình hưởng ứng phong trào Women’s March, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nữ quyền, điều mà họ lo ngại có thể bị đe dọa khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đó là khi Kris Stewart xuống đường ủng hộ quyền được nạo phá thai của phụ nữ dưới bầu trời tuyết lạnh tại Utah (Mỹ), nơi diễn ra Liên hoan phim Sundance 2017.

Không giới hạn trong nội bộ Hollywood, các minh tinh cũng dùng tiếng tăm, uy tín, tiền bạc, thời gian để đấu tranh bình quyền nói chung cho toàn thể phụ nữ trên thế giới khi nhận giữ vai trò đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Một số cái tên phải kể đến là Emma Watson với vai trò đại sứ thiện chí của Thực thể Liên Hiệp Quốc vì Bình đẳng giới và Nâng cao vị thế phụ nữ (UNIFEM/UN Women) từ năm 2014. Angelina Jolie, đặc phái viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, đi khắp nơi lên án bạo lực tình dục tại các vùng xung đột quân sự, kêu gọi hành động hỗ trợ và bảo vệ quyền phụ nữ, nâng cao học vấn của phụ nữ. Sharon Stone, đại sứ của Tổ chức phòng chống AIDS amfAR từ năm 1995, muốn nâng cao nhận thức của mọi người về mối đe dọa của căn bệnh này đối với phụ nữ ở các nước ngèo. Reese Witherspoon sử dụng danh tiếng của mình để ủng hộ, kêu gọi giúp đỡ các cô gái trẻ được học hành thông qua quỹ Malala…

Tóm lại, từ những hoạt động trên có thể thấy, Hollywood đang bước vào kỷ nguyên mới, nơi tiếng nói nữ quyền của các tác phẩm và con người được phát lên và cổ vũ mạnh mẽ nhất trong lịch sử từ xưa đến nay.

Tạ Ban/DDVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách mạng nữ quyền ở Hollywood