Hồi nhỏ, khi ba tôi dạy phải biết cảm ơn người bán hàng mỗi khi mình mua của họ món đồ gì đó, tôi đã cãi lại ba. Tôi nói, người bán hàng mà được mình mua thì họ phải cảm ơn mình, cớ sao mình lại còn cảm ơn họ.

Cảm ơn người bán hàng rong

21/08/2020, 14:21

Hồi nhỏ, khi ba tôi dạy phải biết cảm ơn người bán hàng mỗi khi mình mua của họ món đồ gì đó, tôi đã cãi lại ba. Tôi nói, người bán hàng mà được mình mua thì họ phải cảm ơn mình, cớ sao mình lại còn cảm ơn họ.

Bán thức ăn sáng trên ghe ở miền Tây - Ảnh: Chí Hùng

Có lẽ đến bây giờ, vẫn còn nhiều người có ý nghĩ như tôi thời trẻ dại. Nghĩa là, khi mua hàng tức là ta đã ban ơn cho người bán, họ phải cảm ơn ta. Chính cái suy nghĩ ấy khiến không ít người xem thường những ai làm nghề buôn bán, nhất là những người buôn gánh bán bưng. Thậm chí, nhiều người đi mua hàng mà cứ như đang làm việc thiện, mua với thái độ như kẻ bề trên rủ lòng thương hại người thấp bé ở tầng lớp dưới. Có những người mua hàng cũng cảm ơn người bán, nhưng lời cảm ơn ấy thốt ra như phép xã giao quen thuộc, chớ không hẳn tự đáy lòng họ biết ơn.

Ba tôi bảo, người bán hàng họ cũng giúp ta, nên ta cần phải thành tâm cảm ơn họ. Thử hỏi, nếu ta có tiền nhưng cần mua món hàng thiết yếu lại chẳng ai bán, lúc đó sẽ ra sao. Kẻ bán người mua không nên đặt trong thế người trên kẻ dưới mà cần được đặt mối quan hệ bình đẳng, hỗ trợ nhau để cùng sinh tồn và phát triển. Những lời dạy ấy tôi luôn khắc ghi. Miền Tây quê tôi sông ngòi kênh rạch chằng chịt, nên chuyện bán buôn cũng không giống như mấy vùng miền khác. Có những kiểu bán hàng mà đến nay tôi chỉ thấy tồn tại ở quê mình, như một dấu ấn văn hóa không thể nhòa lẫn.

Người miền Tây vẫn bán hàng rong bằng xuồng - Ảnh: Chí Hùng

Điển hình, trước đây người dân miền Tây di chuyển chủ yếu bằng xuồng ghe chớ ít đi bằng đường bộ (vì một số nơi nước ngập không có đường để đi), cho nên một trong các kiểu bán hàng phổ biến là bán bằng “ghe hàng”. Ghe hàng là ghe dùng để đi bán hàng hóa, nhu yếu phẩm, giống như một tiệm tạp hóa trên sông nước. Chủ ghe hàng chèo dọc theo các con sông, trên các cánh đồng mùa nước nổi, lâu lâu lại rao lớn mấy tiếng “ghe hàng đây”.

Sau này người ta không dùng chèo nữa mà chạy ghe bằng động cơ. Tuy vậy, tình chất mua bán của ghe hàng với những người dân quê thì vẫn không hề khác đi. Đặc biệt, đối với mấy trẻ ở quê, ghe hàng đôi khi trở thành niềm mong đợi mỗi ngày bởi lẽ khi nghe tiếng rao, khi thấy người lớn lấy nón lá ngoắc chiếc ghe hàng ghé lại, là bọn trẻ lại thấp thỏm chờ được mua cho vài cục kẹo, vài cái bánh. Những món quà ngọt ngào ấy thấm đượm vào tuổi thơ những đứa trẻ miền quê như tôi, đến nỗi sau này khi trưởng thành rồi mà mỗi lần gặp bóng dáng chiếc ghe hàng trên sông là lòng lại dâng lên những xúc cảm bồi hồi.

Thời gian gần đây các ghe hàng đã thưa vắng dần. Tuy vậy, nếu có dịp lênh đênh trên sông Tiền và sông Hậu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những “xuồng hàng”. Các xuồng hàng này thông thường bán hàng ít hơn ghe hàng. Người bơi xuồng đi bán chủ yếu là phụ nữ, hàng hóa là những thứ quen thuộc ở miền Tây như mớ bông điên điển, vài cọng bông súng, mấy bó rau muống, mớ cá sặc cá rô. Họ cứ bơi dọc các con sông nhỏ, rao bán đến khi nào hết hàng thì bơi về.

Khu vực chợ nổi Long Xuyên (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) còn nhiều xuồng bán nước giải khát và đồ ăn như bánh mì thịt, bún nước lèo, hủ tíu. Có xuồng còn chuyên... bán vé số. Các xuồng hàng này bơi quanh khu vực chợ nổi bán hàng cho mấy chủ ghe lớn và nhân công bốc vác. Người trên ghe chỉ cần neo lại, muốn ăn uống hay mua sắm gì thì ngoắc các xuồng hàng lại là có ngay.

Hình thức bán hàng bằng xe đẩy cũng là nét độc đáo của người miền Tây. Khắp các con đường quê, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp xe đẩy bán hàng của bà con. Xe đẩy thường được làm bằng khung gỗ hoặc khung sắt, inox; có 2 bánh và 2 tay cầm để đẩy. Phía dưới tay cầm có 2 chân chống để khi dừng xe lại sẽ giữ được cân bằng. Mặt trên của xe được thiết kế phù hợp cho việc bày biện các loại hàng hóa lên đó. Nhiều chủ xe còn chế thêm mái che cho mát. Có xe làm thêm những dàn móc treo hàng lỉnh kỉnh, trông rất bắt mắt.

Các mặt hàng được bán trên xe đẩy vô cùng đa dạng, từ hoa màu rau củ đến thịt thà cá mắm, tiêu tỏi hành ớt nước mắm nước tương có đủ. Bởi thế, nhiều người đã ví chiếc xe đẩy ở miền Tây giống như những cái “chợ lưu động”. Người dân không cần phải cất công đi chợ, chỉ việc ngồi ở nhà chờ xe đẩy tới là có thể mua được những món mình cần.

Xe đẩy bán hàng rong phục vụ tận nhà - Ảnh: Chí Hùng

Còn nhiều kiểu mua bán độc đáo ở miền Tây mà khuôn khổ một bài viết khó lòng chuyển tải hết. Chỉ thấy rằng, với những lưu dân miệt sông nước Cửu Long, mấy cái “ghe hàng”, “xuồng hàng” hay xe đẩy bán hàng đã góp phần không nhỏ giúp cuộc sống của người dân tiện lợi hơn. Bởi thế, dân miệt này ít khi coi thường hay nặng lời với người bán hàng. Người mua kẻ bán luôn niềm nở tươi cười với nhau, luôn biết ơn nhau một cách thật tâm. Và tôi nghĩ rằng, tất cả những người làm nghề bán hàng, kể cả những người bán hàng rong, cần được xã hội biết ơn và tôn trọng như thế. Người bán hàng cũng lao động chân chính bằng công sức, dùng mồ hôi nước mắt để mưu sinh, không ai được phép coi thường họ.

Xét kỹ hơn, chúng ta thấy người bán hàng rong cũng có những đóng góp nhất định cho đất nước. Từng món hàng trong dòng lưu thông của cơ chế thị trường này, dù là gói xôi hay trái bắp, cũng đều có đóng góp cho ngân sách quốc gia. Thế nên, bất kỳ ai xem người bán hàng rong là nhóm người sống “ký sinh” ăn bám xã hội thì vừa thiển cận vừa hồ đồ.

Tôi nhớ trong chương trình Tiếng Việt lớp 4 hiện hành có dạy bài tập đọc “Điều ước của vua Mi-Đát”. Câu chuyện kể về ông vua tham lam, khi được thần linh cho điều ước, ông lập tức ước mọi vật ông chạm vào đều biến thành vàng. Khi điều ước đạt thành, vua Mi-Đát vô cùng sung sướng. Ông tưởng rằng trên thế giới này chẳng ai hạnh phúc bằng mình. Ông muốn biến cả cung điện và cả thế gian thành vàng hết để thỏa lòng tham không đáy. Thế nhưng, khi vua Mi-Đát bụng đói cồn cào mà chạm vào thức ăn thì thức ăn lại biến thành vàng, lúc ấy ông mới biết mình đã xin một điều ước ngu xuẩn. Ông đã xin thần linh xóa bỏ điều ước sau khi nhận ra hạnh phúc không thể được xây đắp bằng lòng tham.

Chúng ta phải cám ơn những người bán hàng rong đã phục vụ tận nơi - Ảnh: Chí Hùng

Không hiểu sao, khi nghe thấy dư luận sục sôi lên án một phát ngôn xúc phạm người dân làm nghề bán hàng rong, tôi lại nhớ đến câu chuyện về vua Mi-Đát. Có lẽ, chủ nhân của phát ngôn ấy chưa thấy được giá trị của những gánh hàng rong, của những chiếc xe đẩy hàng, của những “ghe hàng”, “xuồng hàng”. Có lẽ, chủ nhân của phát ngôn ấy cũng chưa lâm vào cảnh bụng đói cồn cào, miệng khát cháy trong khi túi đầy tiền nhưng không thể mua được thức ăn nước uống. Lúc đó, chắc anh ta sẽ giống như vua Mi-Đát, chẳng thể ăn vàng mà qua cơn đói được. Nếu may mắn gặp được gánh hàng rong, có thể mua được gói xôi hay ly trà đá, chắc anh ta sẽ mừng như chết đi sống lại. Và hẳn là anh ta sẽ thấy hối hận vô cùng vì trót lỡ xem những người bán hàng rong là những người sống “ký sinh”.

Chí Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm ơn người bán hàng rong