ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, một số cán bộ tòa án gọi điện cho ông bày tỏ tâm tư, "cảm thấy bị lép vế" vì Chánh án TAND Tối cao không được quy định trong đối tượng cảnh vệ.
Thảo luận góp ý tại Quốc hội chiều 6.6 về dự thảo Luật Cảnh vệ, một số ĐBQH cho rằng nên bổ sung chức danh Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) vào đối tượng được bảo vệ bởi lực lượng cảnh vệ.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) cho biết đa số cử tri nơi đại biểu công tác đều đồng tình và đề nghị đưa Chánh án TANDTC vào đối tượng cảnh vệ. Lý lẽ được ĐB Thúy đưa ra là: Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp 2013 cũng quy định nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát của các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) trong việc thực hiện thống nhất quyền lực của nhà nước. Chánh án TANDTC là chức danh do QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Từ khi Hiến pháp 2013 ra đời, Đảng và Nhà nước luôn phân công đồng chí Bí thư TW Đảng là Chánh án TANDTC.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của tòa án ngày càng cao, vì thế nâng cao vị trí vai trò của TAND, đặc biệt là TANDTC là bước tạo lòng tin cho các chủ thể kinh tế yên tâm đầu tư phát triển kinh tế tại Việt Nam.
“Với vị trí và vai trò đó, người đứng đầu cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị,” ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy nói. “Quy định này không đặt ra thêm biên chế cảnh vệ bởi Chánh án TANDTC đã là Bí thư TW Đảng”.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đề nghị QH xem xét quy định chức danh Chánh án TANDTC là chức danh được cảnh vệ vì bảo đảm được tất cả các yêu cầu về chính trị, vai trò của nhà nước.
" "
“Một số cán bộ ngành tòa án có gọi điện cho tôi và nói rằng rất là tâm tư. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng họ vẫn cảm thấy rằng họ bị lép vế vì Chánh án TANDTC là người lãnh đạo cao nhất của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, được Hiếp pháp công nhận, lại không được quy định trong đối tượng cảnh vệ”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Trong 18 chức danh được quy định tại Điều 10 xác định Bí thư TW Đảng là đối tượng cảnh vệ. Tuy nhiên ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt ra vấn đề giả sử Chánh án TANDTC không là Bí thư TW Đảng sẽ không là đối tượng cảnh vệ.
“Như vậy không tương xứng với các quy định khác như chức danh Phó Thủ tướng. Một người đứng đầu cơ quan tư pháp của nhà nước pháp quyền mà không bằng đồng chí cấp phó của cơ quan hành pháp. Như vậy, không đảm bảo độ tương xứng cả về mặt chính trị lẫn nhà nước”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng so sánh.
Cũng giống như ĐB Thúy, ĐB Nhưỡng đề nghị quy định đối tượng cảnh vệ đối với chức danh Chánh án một cách chính thức về mặt nhà nước để thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của nhân dân đối với cơ quan tư pháp nói chung và tòa án nói riêng để họ thực hiện tận tụy chức năng hộ pháp của nền kinh tế Việt Nam.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng Điều 10, dự thảo luật chỉ quy định chung về đối tượng cảnh vệ, không quy định riêng và cũng không giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng quy định về đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 18 lại quy định lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ trong mọi tình huống.
“Như vậy, sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất trong các điều luật. Với lý do đó, tôi đề nghị bổ sung quy định đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ hoặc giao cho Chính phủ hay Bộ Quốc phòng quy định cụ thể đối tượng cảnh vệ do Quân đội bảo vệ để thống nhất giữa các điều trong luật,” Đại biểu Cầm Thị Mẫn kiến nghị.
Nguyễn Tuân - theo Infonet