Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên mạng

Tú Viên | 31/05/2022, 22:50

Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cho rằng luật này nhằm thể hiện rõ và đầy đủ phương châm của Đảng là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhưng trong dự thảo luật, quan điểm dân thụ hưởng chưa rõ, chưa cụ thể.

31-05-2022-can-lam-ro-quy-dinh-thuc-hien-dan-chu-co-so-o-doanh-nghiep-de5626e9-details.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) phát biểu chiều 31.5 - Ảnh: T.Ư

Về thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, đại biểu Hoàng đề nghị cần bổ sung được những quy định mà người dân được giám sát chính quyền địa phương thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng và cơ quan MTTQ, đoàn thể. Cũng cần quy định về thời gian, trách nhiệm giải trình của chính quyền, cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

“Quan điểm về khái niệm cơ sở cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, rõ ràng hơn để đưa ra một khái niệm phổ quát hơn, khả thi hơn trong thực hiện, để khi luật này ra đời sẽ phát huy dân chủ của người dân. Chế tài xử phạt khi không thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng cần rõ hơn”, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị thể chế hóa rõ hơn quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách cụ thể, rõ ràng, chú trọng nội dung tăng cường đối thoại với dân.

Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề nghị bổ sung quyền của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Song song đó, cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Bổ sung chế tài xử phạt với những hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông tin lại cho người dân những nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu sau khi người dân đã góp ý kiến; trách nhiệm về giải trình của cơ quan có thẩm quyền với dân, với báo chí…

Về thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp, nhiều ĐBQH đều cho rằng, đây là vấn đề khó thực hiện, nên cần làm rõ, để làm sao luật ra đời thì khả thi, không phải ban hành cho có. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng chỉ nên tập trung thực hiện ở doanh nghiệp nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, nhà nước, phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng dân chủ ở cơ sở là vấn đề từng người dân, từng tổ chức quan tâm. Tuy nhiên, ông Nhân băn khoăn việc thực hiện ở doanh nghiệp, ông nêu câu hỏi: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có làm không, có bắt buộc họ phải làm không, việc này cần có sự khảo sát ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động, hiệp hội doanh nghiệp, sau đó ghi rõ trong luật, chứ không nói chung chung.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết mục đích của dự án luật này là nhằm thể chể hóa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

“Đây không phải là những vấn đề mới, mà có tính kế thừa lịch sử. Chúng ta cũng đã thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhưng luật ra đời sẽ tiếp tục phát huy. Đây là dự án luật khó, yêu cầu phải bao trùm hết mọi người dân, phải trở thành động lực cho sự phát triển”, Bộ trưởng Trà phát biểu.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, có đến hơn 20 luật có liên quan đến vấn đề dân chủ ở cơ sở, nên phải tính toán khoa học để không trùng lặp, chồng chéo với các luật khác, không vi phạm các cam kết quốc tế, đồng thời bảo đảm dễ thực hiện, nếu không luật sẽ không khả thi.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình
Sáng 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên mạng