Được sống trong tiếng cười, giọng nói của học sinh trong ngày này thật ấm áp biết bao. Nhưng nhìn những gói quà hay những chiếc phong bì kia tôi lại đâm sợ. Không phải tôi không cần tiền. Tôi chỉ sợ rằng nó không được đem đến bằng tấm lòng mà bằng sự đổi chác.
Năm nào đến 20.11, dù bận rộn cách mấy tôi cũng luôn cố gắng thu xếp thời gian chạy xe hơn chục km về thăm cô giáo cũ thời tiểu học. Cô giáo tôi – giờ đã ngoài 70, năm nào đến ngày này cũng dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, pha sẵn trà nước rồi ngồi chờ trò cũ về thăm. Thấy tôi về, cô mừng lắm, gương mặt cô rạng rỡ hẳn lên, cô cầm lấy tay tôi gợi lại bao nhiêu chuyện cũ. Cô bảo tối qua cô không ngủ được, cứ khấp khởi mong cho trời mau sáng để được gặp học trò. Nhưng năm nào cũng vậy, ngoài tôi và vài ba bạn, chẳng có mấy người nhớ về thăm cô. Nhìn ánh mắt cô lúc này tôi mới thấm thía nỗi cô đơn của những thầy cô giáo già trong ngày nhà giáo.
Tôi thường khuyên học trò mình là vào 20.11 các em nên cố gắng về thăm các thầy cô giáo cũ. Các thầy cô bây giờ không còn giảng dạy nữa, đang rất cần những lời thăm hỏi của các em. Còn những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy thì ngày nào cũng gặp mặt, sự viếng thăm đôi khi sẽ trở thành hình thức. Nhưng thực tế lại khác xa một trời một vực so với những điều tôi nghĩ. Học sinh và cả phụ huynh bây giờ hầu như rất ít quan tâm đến thầy cô giáo cũ, trái lại xem việc chăm sóc các thầy cô giáo đang giảng dạy trực tiếp như một nghĩa vụ bắt buộc phải làm và phải làm một cách chu đáo.
Như đã thành thông lệ, cứ đến gần ngày 20.11 là chi hội phụ huynh của các lớp lại họp để bàn việc tặng quà hay biếu phong bì cho các thầy cô giáo đang dạy lớp con mình. Sự bàn tính nhiều khi chi li, thực dụng đến mức quy định cô chủ nhiệm thì tặng quà bao nhiêu, thầy cô dạy môn chính thì tặng quà bao nhiêu, còn thầy cô giáo môn phụ thì tặng quà bao nhiêu. Nhiều lúc tôi cảm thấy đắng lòng khi nhìn những đồng nghiệp dạy những môn như Giáo dục công dân, Kĩ thuật, Lịch Sự, Địa Lý… nhà vắng hoe trong khi những đồng nghiệp khác dạy những môn Toán, Văn, Anh, Lý… thì nhà tấp nập phụ huynh và học sinh đến thăm. Đâu phải họ không có tâm, đâu phải họ không yêu nghề, chỉ mỗi tội họ dạy những môn không quan trọng trong thi cử.
Rất nhiều người cho rằng chuyện phụ huynh, học sinh tặng quà hay biếu phong bì cho thầy cô giáo trong ngày nhà giáo là hành động thể hiện sự tri ân, hành động ấy đáng trân trọng. Nhưng những người tinh tế hơn sẽ nhận ra rằng rất nhiều trường hợp những gói quà, những chiếc phong bì được phụ huynh gửi đến cho thầy cô giáo không phải vì thầy cô giáo mà là vì chính con em mình như một sự đổi tiền để mua lấy sự quan tâm theo kiểu chúng tôi đã quan tâm đến thầy cô thì thầy cô phải có trách nhiệm chiếu cố đến con cái chúng tôi. Thành ra có những phụ huynh có gia cảnh rất khó khăn nhưng vì sợ không có quà thầy cô sẽ không quan tâm con mình cho nên phải tằn tiện để mua bằng được quà cho thầy cô giáo. Những ai là nhà giáo có lương tâm nghĩ đến cảnh này mà không thấy chạnh lòng.
Tôi may mắn hơn những đồng nghiệp dạy môn phụ của mình là 20.11 năm nào cũng có nhiều học sinh đến thăm. Được sống trong tiếng cười, giọng nói của học sinh trong ngày này thật ấm áp biết bao. Nhưng nhìn những gói quà hay những chiếc phong bì kia tôi lại đâm sợ. Không phải tôi không cần tiền. Tôi chỉ sợ rằng nó không được đem đến bằng tấm lòng mà bằng sự đổi chác. Tôi sợ một ngày kia tôi già, tôi không còn trực tiếp giảng dạy hay quan tâm đến học sinh được nữa, tôi cũng sẽ phải cô đơn ngồi đợi học sinh như cô giáo già của tôi. Tình nghĩa thầy trò trong ngày này chỉ cần một tấm lòng là đủ. Có lòng thì chỉ cần một nhành hoa hay một lời hỏi thăm, cần chi những chiếc phong bì.
Hồ Tấn Nguyên Minh