Cho đến nay, giáo dục giới tính chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. "Đáng lẽ ra từ bậc Tiểu học, trẻ đã phải được học về cách bảo vệ thân thể" - Luật sư Truyền nói.

Cần giáo dục giới tính sớm để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị xâm hại

1 | 15/03/2017, 05:48

Cho đến nay, giáo dục giới tính chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. "Đáng lẽ ra từ bậc Tiểu học, trẻ đã phải được học về cách bảo vệ thân thể" - Luật sư Truyền nói.

Im lặng – kẻ thù lớn nhất

Tại buổi tọa đàm "Im lặng hay lên tiếng?", được tổ chức chiều 14.3, tại Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự, người trợ giúp pháp lý cho cháu bé bị xâm hại ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc bảo vệ trẻ em. Theo ông Luân, luật pháp các nước trên thế giới phân hóa hành vi rất rõ ràng. Những hành động như nhắn tin nhạy cảm, động chạm một cách nhạy cảm vào thân thể trẻ em, gợi ý trẻ em quan hệ tình dục (sex), cho trẻ xem các truyện tranh đồi trụy... đã bị khởi tố.

Còn theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định, vấn đề bạo lực tình dục trẻ em ngày càng trở nên nóng bỏng bởi các sự vụ không được giải quyết một cách nhanh chóng, quyết liệt và và triệt để.

Theo TS. Hồng, sự im lặng của gia đình nạn nhân, của cộng đồng, của cơ quan chức năng và sự im lặng của các bên khác nữa... đã khiến các vụ bạo lực tình dục, xâm hại tình dục trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng và vì thế mà kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. "Tại sao lại im lặng?" - bà Hồng đặt câu hỏi và khẳng định rằng, nguyên nhân sâu xa nhất chính là văn hóa Việt Nam rất ngại đề cập đến vấn đề tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm…

“Nền văn hóa của Việt Nam rất kỳ lạ khi đòi hỏi người con gái lúc kết hôn phải còn trinh nhưng lại im lặng khi đứa bé bị hiếp dâm. Chúng ta cần thay đổi điều đó. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi vì nếu nói ra, họ sợ đứa bé đó sẽ không có tương lai. Nếu sự việc vỡ lở, có khi gia đình nạn nhân còn buộc phải rời khỏi quê hương để không còn ai nhớ đến họ hay nhắc lại chuyện đau lòng đó nữa” – TS. Khuất Thu Hồng trăn trở.

Những nhận thức chưa đúng mực về tình dục khiến xã hội gần như đang lảng tránh, chối bỏ, thậm chí quy lỗi cho nạn nhân. Nhiều người vẫn quan niệm rằng, người phụ nữ phải có trách nhiệm với tiết hạnh của mình. Nhưng, một đứa trẻ làm sao biết tự bảo vệ mình?

Trước thực tế nạn nhân bị xâm hại, lạm dụng tình dục thường im lặng, ThS. Hà Minh Loan - chuyên gia tâm lý về gia đình cho rằng, những vụ việc trẻ bị xâm hại vừa qua chính là những hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta lên tiếng đòi công bằng, nhưng thế nào là công bằng cho người bị hại? Cho rằng lên tiếng là cần thiết để ngăn chặn tội ác, ThS. Loan đồng thời mong muốn có chương trình hỗ trợ cho người bị hại để đảm bảo rằng sau khi họ lên tiếng, cuộc sống của họ vẫn tốt đẹp và có tương lai thì sự lên tiếng ấy sẽ mạnh mẽ hơn.

"Chặn đứng" bạo lực tình dục ở trẻ em ra sao?

Trả lời cho câu hỏi “chúng ta cần có cái nhìn như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?”, bà Lê Thị Hoàng Yến (Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam), chia sẻ: “Là một người phụ nữ, một người mẹ, một người bà, mỗi khi đọc tin hay nhận đơn thư của gia đình bị hại, tôi cảm thấy vô cùng đau lòng và phẫn nộ". Qua theo dõi, số lượng trẻ em bị xâm hại ngày càng gia tăng, những người xâm hại các cháu lại là người quen, thậm chí là người thân, bà Hoàng Yến cho rằng, xã hội cần phải chung tay, gắng sức để chấm dứt hiện trạng này càng sớm càng tốt.

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên – CSAGA, đặt câu hỏi: “Tại sao con em chúng ta bị xâm hại mà không biết cần nói với những ai? Tại sao những con số trẻ bị xâm hại tình dục cứ lớn lên từng ngày? Chúng ta đều biết đau lòng nhưng điều đó sẽ là vô nghĩa nếu như tất cả không biến thành hành động”.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, sự nhạy cảm về giới để hướng dẫn con em của mình biết cách phòng tránh loại tội phạm này. Bên cạnh đó, bà Vân Anh khẳng định, việc xử lý các trường hợp bạo lực tình dục thật nghiêm minh cũng là bài học cảnh báo cho những kẻ khác.

Bày tỏ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - chuyên gia luật Dân sự cho rằng, những định kiến xã hội, những lời gièm pha... chính là những rào cản tâm lý lớn khiến người bị hại chưa được bảo vệ một cách triệt để. Tuy nhiên, giải quyết điều đó không thể trong một sớm, một chiều vì cho đến nay, giáo dục giới tính chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. "Đáng lẽ ra từ bậc Tiểu học, trẻ đã phải được học về cách bảo vệ thân thể" - Luật sư Truyền nói.

Tại buổi tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, việc cộng đồng nhận thức và lên tiếng như thế nào cũng là chuyện cần bàn. Bà cho rằng, đã đến lúc xã hội cần dẹp sự ngại ngùng vô lý sang một bên để cùng lên tiếng. Khi nạn nhân nói ra được, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Việc lên tiếng là cần thiết, nhưng hãy lên tiếng một cách thông minh và trong khuôn khổ cho phép.

Cũng theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, cần có sự giáo dục từ chính bố mẹ. Những giây phút mẹ và con gái cùng thì thầm bên gối, rằng con phải làm gì vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta phải dạy cho cả con trai. Bố mẹ phải có kỹ năng trong giáo dục con cũng như lưu giữ bằng chứng khi có chuyện không hay xảy ra với con. Có thể nói rằng truyền thông phải bắt đầu từ việc giáo dục cha mẹ.

Yến Nguyệt (VN&TG)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần giáo dục giới tính sớm để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị xâm hại