Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, giới trẻ được thừa hưởng quá nhiều những tiện ích của nó mang lại nhưng đồng thời cũng đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sự lạm dụng cái gọi là sự tân tiến của một xã hội văn minh mà xa dần những thú vui có thể gọi là tao nhã như thói quen đọc sách, báo…
Báo động…
Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một con số thống kê khiến nhiều người không khỏi sửng sốt: người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm. Một con số khiến nhiều chuyên gia phải suy ngẫm.
Khoảng chục năm về trước, cảnh tượng thường thấy trên xe, sân trường và nhiều nơi công cộng là các bạn trẻ, người lớn say sưa với các cuốn sách. Tuy nhiên, bây giờ hiếm thấy cảnh tượng người trẻ mải mê với những cuốn sách trên tay. Thay vào đó, họ bận rộn với smartphone hoặc máy tính.
Vì công việc thường xuyên trò chuyện, tiếp xúc với giới trẻ, đôi lần tôi và các bạn đã cùng thảo luận về chuyện đọc. Nhiều bạn cho rằng việc đọc những thông tin nóng hổi về thể thao, thời sự, chuyện hậu trường showbiz với những cái title giật gân, khơi gợi sự tò mò, kèm hình ảnh sinh động trên điện thoại hay máy tính sẽ thích thú hơn nhiều so với những cuốn sách dày cộp, chằng chịt chữ là chữ.
Đọc sách để làm giàu thêm vốn kiến thức của mình mỗi ngày, nhưng tiếc rằng, thói quen đó chỉ lưu giữ và phát triển được khoảng 5-7 năm về trước, khi điện thoại thông minh, sóng 3G và wifi cùng với những trang báo mạng chưa phát triển rầm rộ như bây giờ.
Đọc sách, cũng là một cách sống chậm, để suy ngẫm những điều hay lẽ phải, kiến thức bổ ích mà sách mang lại. Không thể phủ nhận rằng, internet và những thông tin nhanh nó mang lại quả thực là tiện dụng, tuy nhiên, cũng nói thêm rằng, đọc nhanh, lướt nhanh thì quên cũng nhanh. Nó chẳng thể đọng lại lâu, ghi dấu ấn sâu sắc bằng những trang sách.
Và vẫn còn đó những cuộc triển lãm sách, ngày hội sách, văn hoá đọc,… để giúp xây dựng và hình thành một nền tảng văn hoá đọc trong con người Việt Nam, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên – nhưng người chủ thực sự của đất nước.
Dương Văn