Theo các chuyên gia, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm khác, trong đó nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cần phát triển kinh tế và sức cạnh tranh dựa vào KH-CN, đổi mới sáng tạo

Lam Thanh | 15/12/2021, 10:00

Theo các chuyên gia, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm khác, trong đó nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy kinh tế số

Tại diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ nhập khẩu còn khá cao, nguyên liệu đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường...

tai-ct-1.png
Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”

Theo ông Phòng, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hằng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%.

TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính Credit Agricole Pháp cho rằng có 4 bài toán cần giải để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể, mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số; cần nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động; tái cơ cấu kinh tế về chiều sâu, không chỉ thay đổi cấu trúc mà là thứ tự ưu tiên, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, về vấn đề thể chế, theo bà Nga, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 2 năm liên tiếp do tác động của đại dịch, điều đó cho thấy các nước cũng đang đi rất nhanh và nhanh hơn cả Việt Nam. Áp lực hiện tại là cải cách thể chế và môi tường kinh doanh không phải trên giấy tờ mà bằng hành động cụ thể từ phía nhà nước để chào đón doanh nghiệp.

Bà Nga cho rằng trước hết cần tận dụng nguồn lực về tài chính trong dân. Việc đẩy được lượng tiền này vào lại nền kinh tế là cực kỳ cấp bách cho việc phục hồi kinh tế.

Lấy dẫn chứng, bà Nga cho biết tại Pháp người dân tiết kiệm thêm 160 tỉ euro từ đầu 2020 đến cuối 2021, ước tính nếu 20% số tiền tiết kiệm này đã được đầu tư thì tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể sẽ là 6%, thay vì 4,3% như dự tính.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Bài học về đứt gãy các chuỗi cung ứng do đại dịch dẫn đến xu thế toàn cầu hóa chậm lại, nhường chỗ cho xu thế địa phương hóa từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ngoài ra, theo bà Nga, sử dụng tích cực công cụ thuế và đòn bẩy tài chính để định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Việt Nam. Đồng thời, cần phát triển từ nội lực, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển sức mua nội địa (đại dịch cho thấy những mối đe dọa từ việc phụ thuộc vào chi tiêu nước ngoài và cung cấp lao động giá rẻ); cần tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới…

Phát triển dựa vào khoa học, đổi mới sáng tạo

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm khác so với giai đoạn trước.

Trong đó, kế hoạch lần này đã thống nhất quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ.

“Ở góc độ cơ quan tham mưu, chúng tôi đã nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần phát triển nền kinh tế và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một điểm hoàn toàn mới so với các văn bản trước khi góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đối diện với đại dịch COVID-19”, bà Minh cho hay.

Bà Minh cũng cho rằng cần có sự kế thừa và phát triển những kết quả, thành tựu trong giai đoạn trước; đặc biệt là ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo đột phá, lan truyền sang các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, bà Minh nhận định cần ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề tạo ra đột phá, chuyển biến sang các ngành nghề khác.

Một điểm nữa được bà Minh cho rằng cần chú ý là huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Theo đó, việc huy động và sử dụng mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định; sử dụng nguồn lực bên ngoài là yếu tố quan trọng.

Chia sẻ thêm về mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, bà Minh cho biết cần đạt được sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế chủ lực, phải có sự chuyển biến thực chất rõ nét về mô hình tăng trưởng; sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp có sự phát triển và nâng cao sức chống chịu và thích ứng trước những diến biến phức tạp từ bên trong cũng như bên ngoài. Đặc biệt, cần hình thành rõ những cơ cấu hợp lý trong từng ngành từng lĩnh vực; cũng như có sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 2021-2021 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp. Bà Minh cho biết, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là hỗ trợ quan trọng nhất.

“Khi tạo ra thể chế đúng, thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển vươn lên trong bối cảnh hiện nay”, bà Minh nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần phát triển kinh tế và sức cạnh tranh dựa vào KH-CN, đổi mới sáng tạo