Ông Phan Thanh Tùng, Co-Founder (đồng sáng lập) Moon Knight Labs cho rằng bản chất của game là để giải trí, nếu chỉ tập trung vào việc "earn", tức kiếm được bao nhiêu tiền, thì giá trị giải trí sẽ không còn.

Người sáng lập Moon Knight Labs: Nhiều rào cản với game blockchain

Lam Thanh (thực hiện) | 10/12/2021, 11:58

Ông Phan Thanh Tùng, Co-Founder (đồng sáng lập) Moon Knight Labs cho rằng bản chất của game là để giải trí, nếu chỉ tập trung vào việc "earn", tức kiếm được bao nhiêu tiền, thì giá trị giải trí sẽ không còn.

Vài năm nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, xu hướng chơi game blockchain kiếm tiền (play to earn) đang rất thịnh hành. Đặc biệt, đối với giới trẻ Việt Nam, sau sự thành công của game Axie Infinity thì trào lưu này đã bùng nổ.

Hiểu một cách đơn giản, đây là sự kết hợp của "tài chính phi tập trung" và các game trực tuyến dựa trên blockchain. Trong hệ thống này, người tham gia có thể vừa chơi game vừa kiếm tiền mã hóa và có thể đổi được ra tiền thật.

Tuy nhiên, vấn đề pháp lý của game blockchain hay tiền điện tử đến nay vẫn luôn là chủ đề nóng tại nhiều quốc gia và tiền điện tử chưa được công nhận hợp pháp tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng để cho các dự án game blockchain tại Việt Nam được phát triển bền vững, Chính phủ nên sớm ban hành những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng đối với vấn đề này.

Để làm rõ hơn xu hướng play to earn đang nở rộ tại Việt Nam cũng như trên thế giới, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Tùng, Co-Founder (đồng sáng lập) Moon Knight Labs về vấn đề trên.

thanh-tung.jpg
Ông Phan Thanh Tùng, Co-Founder (đồng sáng lập) Moon Knight Labs

- Vài năm nay, play to earn nở rộ như một mô hình kinh doanh cho phép cả nhà phát triển lẫn người chơi kiếm tiền, và Việt Nam cũng đang phát triển nhiều dự án liên quan. Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng này và theo ông đâu là sự khác biệt giữa mô hình này với các mô hình truyền thống. Xin ông nêu một vài ví dụ.

- Ông Phan Thanh Tùng: Play to earn, hay kiếm tiền từ game, thực tế đã bắt đầu từ rất lâu trước đây. Từ các trò chơi huyền thoại như World of Warcraft hay các trò game đình đám ở Việt Nam một thời như Võ Lâm, Kiếm Thế, Phong Thần.

Trao đổi, mua bán vật phẩm trong game diễn ra như một lẽ tự nhiên. Đây cũng là động lực khiến bản thân trò game phát triển bên cạnh yếu tố lối chơi, đồ họa. Play to earn không phải trào lưu, nó đơn giản là sự nối tiếp.

Điểm khác biệt giữa "play to earn" hiện tại và truyền thống là việc sử dụng nền tảng blockchain. Ở nền tảng cũ, kẻ gian vẫn có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật để lừa đảo, chiếm đoạt vật phẩm trong game của người dùng. Công nghệ blockchain và NFT mang đến cho nhà phát triển công cụ tăng tính minh bạch, bảo mật game. Công nghệ này giúp việc trao đổi mua bán vật phẩm cũng dễ dàng hơn rất nhiều, đem đến sự thuận tiện cho người dùng.

Trước đây việc trao đổi mua bán chỉ gói gọn trong nội bộ của trò game thì nay được mở rộng rất nhiều nhờ sử dụng chung một nền tảng, cấu trúc dữ liệu. Các tài sản số cũng đã được định danh, công khai minh bạch, không bị chi phối bởi quyền lực của nhà phát hành; nhờ đó tạo ra giá trị thực cho vật phẩm. Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất.

- Theo ông, những rào cản và rủi ro trong xu hướng này là gì, và ông có khuyến cáo nào với người chơi?

- Ông Phan Thanh Tùng: Play to earn là một phần của game nhưng sẽ không phải xu thế của tương lai do gặp nhiều rào cản. Đầu tiên là hạn chế về việc thu hút người chơi. Chưa nói đến yếu tố phức tạp khi sử dụng ví điện tử, tiền mã hóa, nhiều trò game do cơn sốt truyền thông dẫn đến sự tăng mạnh về giá trị vật phẩm và số tiền người dùng phải trả để bắt đầu trò chơi. Với nhiều trò, con số này có thể lên đến cả chục nghìn USD.

Các yếu tố, rủi ro về pháp lý cũng ngăn cản game blockchain phát triển. Vũ khí duy nhất các trò game "play to earn" có thể sử dụng để quảng bá là "lợi nhuận". Tuy nhiên thực tế, nhiều trò game chỉ tạo ra lợi nhuận trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đến điểm bão hòa, không thể thu hút thêm người chơi mới; lạm phát kéo cả nền kinh tế trong game sẽ sụp đổ và sau đó là cả hệ thống vận hành.

Bản chất của game là để giải trí, nếu chỉ tập trung vào việc "earn" kiếm được bao nhiêu tiền, thì giá trị giải trí sẽ không còn. Một trò game nhàm chán kết hợp cùng phần thưởng nghèo nàn, đặc biệt là dễ dàng sụp đổ vì những biến động của thị trường khiến "play to earn" sẽ chỉ là một phép thử và không bao giờ trở thành xu thế chủ đạo của ngành công nghiệp game.

Ngoài ra, hàng loạt dự án game "ma" được tạo ra để ăn theo xu hướng cũng là một rủi ro cho người chơi và nhà đầu tư. Các dự án này đa phần lập ra chỉ để gọi vốn, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư vòng hạt giống và các nhà đầu tư nhỏ lẻ chứ hoàn toàn không có ý định phát triển một cách bền vững, lâu dài.

game.jpeg
Nếu chỉ tập trung vào việc kiếm được bao nhiêu tiền, thì giá trị giải trí sẽ không còn

- Với sự phát triển mạnh mẽ của gamefi, blockchain, tiền mã hóa…, theo ông, nhà nước cần có hành lang pháp lý thế nào để tạo thuận lợi cho lĩnh vực này phát triển, đồng thời hạn chế lừa đảo, rủi ro cho người tham gia?

- Ông Phan Thanh Tùng: Liên quan vấn đề blockchain, về pháp lý, chúng ta cần tách bạch giữa vấn đề ứng dụng công nghệ blockchain và tiền mã hóa. Blockchain là công nghệ dữ liệu, còn tiền mã hóa chỉ là một ứng dụng của công nghệ này. Việc đánh đồng khái niệm dẫn đến những sai lệch khi truyền thông đến người dùng cũng như ảnh hưởng không tốt tới việc ứng dụng nền tảng blockchain.

Việt Nam chưa có hành lang pháp lý trong lĩnh vực blockchain, tiền mã hóa dẫn đến tất cả các dự án liên quan đến blockchain đều lựa chọn đặt trụ sở tại các nước đã có nền tảng pháp lý rõ ràng hơn như Singapore, Malta... Điều này gây chảy máu chất xám, thất thoát ngoại tệ, đồng thời tạo cơ hội cho những đối tượng lừa đảo lộng hành, trục lợi.

Cơ chế thử nghiệm "sandbox" cần nhanh chóng được ứng dụng, một bộ quy tắc liên quan đến hoạt động gọi vốn thông qua tiền mã hóa và các sản phẩm liên quan như sàn giao dịch là cần thiết để lĩnh vực này phát triển và hạn chế lừa đảo, rủi ro cho người tham gia đầu tư.

Nhiều chuyên gia công nghệ thế giới đã nhìn nhận và xem blockchain là một trụ cột trong ngành công nghệ bên cạnh AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet kết nối vạn vật). Trong thời gian tới, blockchain chắc chắn sẽ được ứng dụng nhiều hơn ở mọi mặt trong đời sống và game cũng không là ngoại lệ.

- Cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người sáng lập Moon Knight Labs: Nhiều rào cản với game blockchain