Ngày 19.7, hội thảo “Phát triển đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ quốc tế tại TP.Cần Thơ” thu hút đông đảo lãnh đạo các tỉnh, giới khoa học công nghệ và doanh nghiệp tham dự.
Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến, sáng kiến của các chủ thể liên quan, là cơ sở để thành phố xây dựng các chính sách phù hợp, thực tiễn trong phát triển đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ quốc tế tại TP.Cần Thơ.
Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho rằng, trong những năm qua, nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo của TP.Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đã và đang góp phần đưa vùng này trở thành trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước. ĐBSCL chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực KH-CN, đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, trong nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển KH-CN, nâng cao vai trò của nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.Cần Thơ phát triển.
Tại TP.Cần Thơ, tính đến năm 2024 có 70 tổ chức có hoạt động KH-CN. Trong đó, có 41 tổ chức KH-CN (13 tổ chức nghiên cứu và phát triển; 15 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; 13 tổ chức dịch vụ KH-CN); 29 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có hoạt động KH-CN. Về nhân lực, tổng số nhân lực KH-CN tại Cần Thơ là 6.813 người, trong đó có 1.202 người có học vị tiến sĩ; 2.859 người có học vị thạc sĩ. Mỗi năm có khoảng 16.000 sinh viên tốt nghiệp, trong đó Trường Đại học Cần Thơ đã cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao với 9.307 sinh viên đại học và 1.295 thạc sĩ, tiến sĩ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi những vấn đề như: Tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng quốc tế trong sự phát triển của doanh nghiệp; thực trạng nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo trình độ quốc tế; điểm nghẽn của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở ĐBSCL; ra mắt chương trình đào tạo đầu tiên về chip/bán dẫn tại TP.Cần Thơ.
Bên cạnh đó, hội thảo còn có hoạt động trưng bày với hơn 100 sản phẩm về giáo dục, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm mở rộng kiến thức, quảng bá các công nghệ, dịch vụ mới đến các viện trường, doanh nghiệp tại TP.Cần Thơ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh cho rằng, sự bùng nổ công nghệ số ảnh hưởng lớn đến phát triển của Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cần tập trung vào nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực trình độ cao quan trọng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Cần Thơ cần đầu tư vào giáo dục, thu hút nhân tài, phát triển ngành mũi nhọn và tăng cường hợp tác quốc tế để khai thác tiềm năng và lợi thế, tiến xa trên con đường phát triển bền vững.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: "Để phát triển nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo, Cần Thơ cần tập trung vào ưu tiên KH-CN gắn kết phát triển kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo các cấp mà còn là trách nhiệm của hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố. Song song đó, cần thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tập trung thực hiện các giải pháp bao gồm đầu tư vào giáo dục, thu hút nhân tài, phát triển ngành mũi nhọn, xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp".