Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng khi biết rằng câu chuyện về Emil Muler và Xaver Sumer đang gây bão cộng đồng mạng hoàn toàn là hư cấu.

Câu chuyện hai người lính đồng tính chôn chung gây xúc động cư dân mạng là hư cấu

Chí Thiện | 27/12/2018, 07:05

Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng khi biết rằng câu chuyện về Emil Muler và Xaver Sumer đang gây bão cộng đồng mạng hoàn toàn là hư cấu.

Ngày 23.11, nhà viết kịch người Tây Ban Nha Guillem Clua đăng loạt bài viết lên Twitter dưới dạng một cuộc điều tra miêu tả chuyện tình lâm li bi đát của hai chàng lính đồng tính được chôn cùng nhau vào đầu thế kỷ 20. Bên cạnh tấm ảnh chụp ngôi mộ, ông còn đính kèm nhiều hình ảnh, thư từ và clip minh họa nhằm tăng tính thuyết phục cho câu chuyện của mình.

Bài viết đầu tiên của Guillem Clua về chuyện tình Emil - Xaver đăngvào ngày 23.11

Theo lời kể của Guillem Clua, Emil Muler và Xaver Sumer sống tại thị trấn Sighisoara - một địa danh du lịch nổi tiếng của Rumani. Đây là nơi sinh của Vlad III, Vương công xứ Wallachia (1431-1477) - một chỉ huy quân đội có thật đã truyền cảm hứng cho nhà văn Bram Stoker viết cuốn tiểu thuyết lừng danh Dracula (1893).

Emil Muler là hậu duệ của một gia đình Bá tước giàu có. Cậu gặp gỡ và làm quen với Xaver Sumer tại trường trung học. Cả hai có bạn chung là Hermann Balan. Emil và Xaver dần nảy sinh tình cảm đặc biệt nhưng đáng tiếc đó lại là thứ không được phép tồn tại trong xã hội đương thời. Hermann là người đầu tiên phát hiện và đã báo cho phụ huynh hai bên.

Mùa xuân năm 1912, Emil bị cha đưa sang Đức học và Xaver thề rằng sẽ không bao giờ tha thứ cho Hermann.

Những hình ảnh được Guillem Clua sử dụng minh họa cho câu chuyện.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần nhất bùng nổ. Emil, Xaver và Hermann đều ra chiến trường. Một năm sau, Emil bị trọng thương và được chuyển về nhà. Ngay khi nhận được tin, Xaver đã muốn quay trở lại nhưng đành chờ đến năm 1916 mới được xuất ngũ. Trước bậc thềm nhà Muler, Xaver bị cấm không cho gặp người tình. Đau khổ vì lo lắng và nhớ nhung, Xaver thường xuyên ngước nhìn lên cửa sổ căn phòng của Emil và tưởng tượng ra cậu đang ở đó.

Xaver viết một lá thư tình bộc lộ cảm xúc của mình gửi cho Emil nhưng đã bị cha mẹ của cậu phớt lờ. May mắn thay Hermann trở về kịp lúc và lén đưa lá thư cho Emil. Sau khi đọc xong, Emil liền vén cửa sổ và nhờ đó có thể nhìn thấy Xaver lần cuối trước khi cậu qua đời vào đêm hôm ấy.

Năm 1917, Xaver cũng tự sát tại chiến trường Hungari do nỗi đau mất mát quá lớn và có di nguyện được chôn chung với Emil. Tuy nhiên, ngôi mộ của cả hai lại cách xa nhau đến tận 300 cây số. Emil được chôn trong điện thờ của gia tộc còn Xaver thì nằm ở nghĩa trang dành cho các chiến sĩ.

Hơn một thập kỷ sau, Hermann - lúc này là thị trưởng Sighisoara - đã sử dụng sự thông minh, khéo léo và quyền lực của mình để đưa đôi tình nhân quá cố gặp lại nhau tại nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là cách anh chuộc lại lỗi lầm năm xưa đã phản bội hai người bạn thân nhất.

Chỉ sau một tháng ngắn ngủi, câu chuyện này đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội và làm lay động trái tim của hàng triệu người. Bản dịch tiếng Việt vừa được đăng trên fan-page The Gei World vào ngày 23.12 cũng đã sở hữu gần 30.000 lượt thích, 24.000 lượt “chia sẻ” và hàng ngàn bình luận.

Bản dịch tiếng Việt nhận được nhiều sự quan tâm từ cư dân mạng.

Thậm chí, cư dân mạng còn kêu gọi chuyển thể chuyện tình Emil - Xaver thành phim điện ảnh hoặc tiểu thuyết để những câu chuyện tương tự như thế sẽ không bị lãng quên theo dòng chảy của thời gian. Mặc dù vậy, trái với niềm tin của nhiều người, đây hoàn toàn là một câu chuyện hư cấu. Và thú vị là Guillem Clua đã không hề che giấu ngay từ đầu.

Đầu tháng 11 năm nay, Guillem Clua đến thị trấn Sighisoara và tại đây ông nhìn thấy ngôi mộ. Bất ngờ trước việc hai người lính được chôn chung, Guillem Clua đã vận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để sáng tác nên một chuyện tình vốn chưa từng tồn tại.

Nghĩa trang thị trấnSighisoara và ngôi mộlà chi tiết có thật duy nhất trong câu chuyện của Guillema Clua.

Thị trấnSighisoara thu hút khá đông du khách hằng năm.

Nói theo một cách khác, chỉ có duy nhất những tấm ảnh chụp ngôi mộ và bảo tàng là thật. Mọi chi tiết thêm thắt như mối tình bị ngăn cấm, gia đình Bá tước giàu có, việc đi lính hay thậm chí là những bức tranh và thư từ đều là giả. Tất cả đều được Guillem Clua phục dựng hoặc lấy từ Internet. Theo quan điểm của ông, câu chuyện có thể giả nhưng cảm xúc đọng lại trong trái tim của người đọc hoàn toàn là thật.

“Emil và Xaver có tồn tại. Đúng, nhưng chỉ trong câu chuyện chúng ta chia sẻ. Họ yêu nhau bằng thứ tình cảm mà bất kỳ ai cũng muốn được trải nghiệm”, Guillema Clua viết trên website chính thức. “Thông qua câu chuyện của họ, tôi muốn rọi ánh sáng đến những chuyện tình LGBT tương tự đã bị lãng quên và chưa từng được kể lại”.

Guillema Clua là một nhà viết kịch nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá vàhiện sống tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha.

Guillem Clua thừa nhận hiểu cảm giác bị lừa dối của nhiều người, nhưng ông hyvọng câu chuyện của Emil vàXaver có thể đi xa hơn là loạt bài viết trên Twitter.

“Tôi chưa bao giờ có ý định lợi dụng lòng tin của mọi người. Trên thực tế, thật tuyệt nếu như tất cả chúng ta biến câu chuyện về Emil và Xaver trở thành sự thật, biến ngôi mộ này thành biểu tượng cho những người yêu nhau không đến được với nhau và xứng đáng có một kết thúc tốt đẹp hơn”, Guillem Clua viết. “Và nếu có ghé thăm Sighisoara, hãy để lại một vài bông hoa để tưởng nhớ những chuyện tình sẽ không bao giờ được kể”.

Trả lời phỏng vấn tờ PinkNews, Guillema Clua tiết lộ ông đang lên kế hoạch ra mắt những cuốn tiểu thuyết đồng tính trong tương lai và rất có thể sẽ bao gồm câu chuyện của Emil và Xaver.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện hai người lính đồng tính chôn chung gây xúc động cư dân mạng là hư cấu