Theo quan niệm của đạo Phật, khi một người làm ác thể hiện qua ba phương diện “suy nghĩ, lời nói và hành động” trong hiện tại thì chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo xấu ở ngay trong hiện tại và tương lai.

Câu chuyện nhân – quả và quan niệm quả báo nhãn tiền

27/04/2015, 15:31

Theo quan niệm của đạo Phật, khi một người làm ác thể hiện qua ba phương diện “suy nghĩ, lời nói và hành động” trong hiện tại thì chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo xấu ở ngay trong hiện tại và tương lai.

Xưa nay, việc tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu ngày sau bằng cách làm lành, tránh dữ là đạo lý sống căn bản của người Phật tử và người Việt nói chung. Không làm ác hay không dám làm ác vì sợ quả báo hoặc sợ sự trừng phạt của thánh thần là nét văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy để nâng cao phẩm chất đạo đức cá nhân và góp phần duy trì ổn định xã hội.

Những câu chuyện kể về người làm ác bị quả báo nhãn tiền hay bị “trời đánh, thánh vật” vẫn luôn xảy ra và lan truyền trong đời sống xã hội từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Gieo gió gặt bão hay làm ác bị quả báo chẳng lành là chuyện dễ hiểu. Riêng chuyện “thánh thần trừng phạt” dù chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng về tính hư thực của vấn đề nhưng vẫn có tác dụng khiến cho người ta chùn tay, sợ hãi trước những điều xấu ác.

Theo tuệ giác của Đức Phật, khi một người làm ác thể hiện qua ba phương diện “suy nghĩ, lời nói và hành động” trong hiện tại thì chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo xấu ở ngay trong hiện tại và tương lai. Tiến trình nhân-duyên-quả vận hành rất sâu kín, phức tạp. Có thể sau khi gieo nhân thì trổ quả liền (hiện báo), dài lắm cũng chỉ trong đời này và có thể thấy được, nên thường gọi là quả báo nhãn tiền.

Nhưng có khi gieo nhân trong đời này, phải đợi đến đời sau mới trổ quả (sanh báo), hoặc có thể phải đợi đến nhiều đời sau nữa mới hình thành quả (hậu báo). Nhân quả của sanh báo và hậu báo thì mắt thường của chúng ta không thấy được. Chỉ có các bậc Thánh có thiên nhãn minh mới thấy biết rõ ràng. Tuy vậy, không thấy quả báo trong đời này không có nghĩa là không có báo ứng. Một số người chưa hiểu hết nguyên lý này nên gây tạo nhiều điều ác và cố ý che dấu, tìm cách “hạ cánh an toàn”. Dẫu không ai phát hiện ra nhưng ác nghiệp và ác báo của người ấy vẫn còn đó, không thể trốn thoát. Cho nên, “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” là vì vậy.

Tích Truyện Pháp Cú kể rằng: “Lúc Thế Tôn cùng các Tỷ-kheo ở tại tinh xá Trúc Lâm, cách đó không xa, có đồ tể Cunda sống bằng nghề mổ heo. Mỗi lần giết heo, ông ta trói heo thật chặt vào cột và nện nó bằng một cây chày vuông. Rồi rót nước sôi vào họng, kế đến đổ nước sôi lên lưng heo, làm tuột lớp da đen và thui lớp lông cứng bằng một bó đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu heo bằng một thanh kiếm nhọn rồi xẻ thịt, lột da… Và Cunda đã sinh sống bằng nghề mổ heo và bán thịt như thế gần hai mươi năm.
Dù đức Ðạo Sư ở tinh xá cách đó không xa mà chẳng khi nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một cành hoa hay một nắm cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả.
Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống nhưng lửa của địa ngục A-tỳ đã bốc cháy trước mặt. Khi cực hình địa ngục giáng xuống đồ tể Cunda, ông ta bắt đầu kêu eng éc và bò bằng tay và đầu gối. Người nhà rất kinh khiếp tìm mọi cách bịt miệng ông ta, chặn các cửa và nhốt ông ở trong nhà. Suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ cùng cực của địa ngục, ông luôn mồm rống eng éc như heo.
Vài Tỷ-kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng heo kêu eng éc ồn ào, khi về tinh xá, bạch với Đạo Sư:
- Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ông ấy vẫn tiếp tục giết heo. Thế Tôn nghĩ xem, biết bao nhiêu heo bị giết. Thật từ trước tới nay chưa thấy ai độc ác và dã man như thế!
Đức Đạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo! Ông ta không giết heo trong bảy ngày qua. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm ác đã xảy đến đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A-tỳ đã hiển hiện. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà, kêu la eng éc như một con heo suốt bảy ngày. Hôm nay ông ta đã chết và bị đọa vào địa ngục A-tỳ.
Nói xong, Thế Tôn đọc pháp cú:
Nay sầu, đời sau sầu
Kẻ ác hai đời sầu
Nó sầu, nó ưu não
Thấy nghiệp uế mình làm”.
Chuyện đồ tể Cunda bị trả báo, chịu cực hình suốt bảy ngày lúc cuối đời, được ghi lại trong kinh tạng là một điển hình của quả báo nhãn tiền. Không chỉ chuyện ngày xưa, ngay hiện tại đây, hãy bình tâm nhìn ra xung quanh chúng ta để nhận thấy kết cục thảm hại của những người, những gia đình sống ác, làm các điều bất thiện. Không kể họ là ai, nếu không biết phục thiện, chạy theo cái ác thì chắc chắn sẽ bị quả báo xấu. Và không cần đợi xem những quả báo ở kiếp sau, ngay trong đời kiếp này thì chúng ta cũng có thể thấy quả báo nhãn tiền của nhiều người. Chính những cái thấy về nhân quả một cách chân xác, xảy ra ngay trước mắt ấy sẽ thức tỉnh chúng ta hướng về điều thiện, bỏ ác làm lành để bản thân, gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Thích Quảng Tánh/ Phật Giáo VN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện nhân – quả và quan niệm quả báo nhãn tiền