Cây mai dương đang phát triển mạnh tại các vùng bán ngập thuộc TP.Kon Tum và huyện Đăk Tô, Sa Thầy. Trước tình hình này, UBND tỉnh Kon Tum vừa có chỉ đạo huy động các ngành và địa phương vào cuộc diệt trừ loại cây hại này.
Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum vừa cho hay: Để ngăn chặn, diệt trừ và hạn chế những tác động bất lợi do sự phát triển mạnh của cây mai dương, UBND tỉnh vừa ban hành công văn về việc triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn và diệt trừ cây hại trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, chỉ đạo các sở ban ngành và các đơn vị thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh từ cấp tỉnh đến cấp xã và nhân dân về những tác hại và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ cây mai dương, không để cây phát triển ra diện rộng.
Huy động lực lượng tham gia, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, đồng bộ để diệt trừ, loại bỏ sự phát triển và xâm lấn của cây mai dương góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát và xây dựng kế hoạch ngăn chặn sự phát triển, diệt trừ cây hại và huy động các lực lượng tiến hành chặt sát gốc cây, đào rễ và phơi khô sau đó đem đốt diệt trừ cây cho từng vùng, từng giai đoạn từ nay đến 2020 cơ bản diệt trừ được cây mai dương. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích chủ sở hữu đất chủ động ngăn chặn và diệt trừ cây mai dương cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn loại cây này.
Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT cung cấp tài liệu, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố để nhận diện và có biện pháp diệt trừ cây mai dương hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp ngăn chặn và tổ chức diệt trừ cây mai dương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cây mai dương (hay còn gọi là cây ngưu ma vương, trinh nữ thân gỗ, mắc cỡ Mỹ, trinh nữ nâu, trinh nữ móc, mắc mèo..., tên khoa học là mimosa pigra) đang phát triển mạnh tại các vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy và sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum; lòng hồ thủy điện Plei Krông, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và tại một số vùng sông suối khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum gây tác động xấu đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trên địa bàn tỉnh, đồng thời tác động xấu đến các loài sinh vật bản địa cũng như các hệ sinh thái đặc thù của địa phương.
Thạch Châu