Vào thời điểm này trong các năm trước, sông Mê Kông thường dâng lên đều đặn với những cơn mưa theo mùa, mang lại cho ngư dân những đàn cá lớn như phần thưởng của thiên nhiên. Nhưng giờ thì khác. Nước sông ở hạ nguồn đã giảm ở mức thấp kỷ lục và ngư dân chỉ còn những con cá nhỏ.

Sông Mê Kông cạn kiệt nước và câu hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc

26/07/2019, 06:20

Vào thời điểm này trong các năm trước, sông Mê Kông thường dâng lên đều đặn với những cơn mưa theo mùa, mang lại cho ngư dân những đàn cá lớn như phần thưởng của thiên nhiên. Nhưng giờ thì khác. Nước sông ở hạ nguồn đã giảm ở mức thấp kỷ lục và ngư dân chỉ còn những con cá nhỏ.

Miền Tây đang thiếu nước - Ảnh: Internet

Các nhà khoa học và người dân sống dọc sông Mê Kông lo ngại ảnh hưởng của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm, lại bị bồi thêm một đòn chí mạng bởi các đập thượng nguồn. Các đập thượng nguồn càng giữ nước thì càng làm cạn kiệt nguồn nước vốn đảm bảo tính sống còn cho một trong những vựa lúa quan trọng nhất Đông Nam Á.

Trung Quốc từng hứa sẽ mở đập để giải phóng nhiều nước, giảm bớt khủng hoảng. Nhưng điều đó chẳng làm giảm mối lo ngại về mức độ biến động đối với chu kỳ tự nhiên của dòng sông đã và đang bị phá vỡ mãi mãi.

"Hiện nay, Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát nguồn nước", ông Premrudee Deoruong thuộc một tổ chức môi trường chuyên giám sát đầu tư đập ở Lào cho biết. "Từ giờ trở đi, mối quan tâm là nước sẽ bị kiểm soát bởi những người xây đập".

Ở tỉnh Nakhon Phanom phía đông bắc Thái Lan, nơi dòng sông vốn chảy lững lờ tạo thành biên giới với Lào, độ sâu đo được của sông Mê Kông đã giảm xuống dưới 1,5 mét trong tuần này. Độ sâu trung bình ở đó cùng thời gian trước đây là 8 mét.

“Những gì tôi đã thấy trong năm nay chưa từng xảy ra trước đây", Sun Prompakdee, người đã đánh cá gần 60 năm ở làng Ban Nong Chnawm cho biết. “Bây giờ chúng tôi chỉ kiếm được cá nhỏ, không có cá lớn khi nước thấp đến thế”.

Sự suy giảm của mực nước một phần là do hạn hán - với lượng mưa trong 60 ngày qua, thấp hơn 40% so với các năm trước.

Nhưng lý do quan trọng khác là vì các đập ở thượng nguồn đã cắt nước ngay ở thời điểm cần thiết nhất. Nhà máy thủy điện Trung Quốc Jing Jinghong cho biết vào đầu tháng 7, họ đã giảm hơn một nửa lưu lượng để phục vụ cái mà Trung Quốc gọi ổn định lưới điện.

Nhà nghiên cứu Brian Eyler, tác giả của cuốn Những ngày cuối của sông Mê Kông vĩ đại phân tích: “Những khó khăn trong việc khởi động và vận hành các dự án lớn trong một hệ thống chính là chúng dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi tự nhiên theo mùa và đặc biệt là các thay đổi do tác động của biến đổi khí hậu đang hoành hành”.

Tuy nhiên, nó chỉ là cơn ác mộng đáng sợ của các quốc gia ở hạ lưu - Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam - nơi hàng chục triệu người sống dựa vào dòng sông Mê Kông. Đối mặt với tình trạng thiếu nước ở các thành phố và cánh đồng, Thái Lan đã nói với nông dân ngừng trồng thêm lúa.

Bộ Ngoại giao Thái Lan nói với Reuters rằng họ đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng sông Mê Kông xuất phát từ biến đổi khí hậu và hạn hán.

Đại sứ quán Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận về nội dung cuộc gặp hoặc tình trạng thiếu nước. Chỉ hai tuần trước cuộc khủng hoảng, đại sứ quán Trung Quốcđã đưa ra một tuyên bố hứa hẹn Bắc Kinh sẽ quan tâm dòng sông mà họ nói là hiện thân của một mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau một cách tự nhiên.

Cả Trung Quốc và Lào đã đồng ý giải phóng nước để giải quyết tình trạng thiếu nước ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết. Kể từ đó, mực nước tại Nakhon Phanom đã bắt đầu tăng.

Nhưng các nhà môi trường cho biết tình trạng thiếu nước đột ngột là một dấu hiệu cảnh báo cho tương lai của sông Mê Kông và hệ động thực vật tại đó, bao gồm cả các loài cá da trơn khổng lồ đang bị đe dọa.

Trung Quốc xây 11 đập sông trên Mê Kông với khả năng tạo ra hơn 21.300 MW điện. 8 đập khác đang được tính đến trên sông chính và các nhánh của nó - có thể tăng thêm công suất gần 6.000 MW, theo Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington.

Các đập ở Lào nhỏ hơn nhiều và 64 cái hiện tại chỉ tạo ra dưới 5.700 MW, nhưng có 63 đang được xây dựng để phát điện bán cho Trung Quốc. “Đây là cách sử dụng dòng sông tạo thuỷ điện một kiểu ích kỷ và những người khác đang bị thiệt thòi”, bà Pianporn Deetes đến từ Tổ chức sông ngòi thế giới

Việc Trung Quốc nói rằng các con đập có thể giúp điều chỉnh mực nước trên sông Mê Kông - cung cấp thêm nước vào mùa khô và lưu trữ trong mùa mưa - thật đáng lo ngại, Deetes nói.

Chu kỳ của dòng sông trước đây, mùa mưa là thời điểm giúp bồi đắp phù sa và tạo môi trường cho cá di cư rồi tiếp theo là mùa khô sẽ trả lại đất cho các loài chim vào mùa sinh sản. Nhưng việc gắng quản lý dòng chảy của dòng sông thông qua kế hoạch xả nước từ các con đập có thể dẫn đến sự dao động không thể đoán trước, thậm chí tạo ra lũ cuốn trôi mùa màng, gia súc.

Các ngư dân tỉnh Nakhon Phanom đã bắt phải sử dụng lưới mắt lưới nhỏ hơn và dây mảnh hơn vì lý do họ chỉ còn cá nhỏ dưới sông. Họ ít kiếm được cá hơn và thu nhập từ đánh cá giảm rõ rệt. “Tôi ước rằng chu kỳ theo mùa của sông sẽ quay trở lại để cá có thể đẻ trứng như trước đây”, ngư phủ Chai Haikamsri, 47 tuổi cho biết. “Tôi ao ước giá như các con đập sẽ không phá vỡ quy luật này nữa”.

Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều qua, 25.7, có phóng viên hỏi: Có báo cáo rằng nông dân ở Thái Lan và Lào đang lo lắng về mực nước ở Mê Kông hạ thấp vì hạn hán. Có những cáo buộc rằng đập Trung Quốc thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Trung Quốc có phản ứng với điều đó không?

Bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời: Tôi không biết về tình huống mà bạn nói. Nhưng tôi biết Trung Quốc luôn duy trì liên lạc và hợp tác chặt chẽ về chia sẻ thông tin thủy văn cũng như kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán với các nước trong lưu vực Lancang-Mê Kông.

ĐBSCL khát nước

Cũng sốt ruột với mực nước sông Mê Kông mấy ngày qua, Th.S Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho biết từ thượng nguồn của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông ở huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai của Thái Lan đến Luông Pha Băng và Viêng Chăn của Lào và xa hơn đến Nong Khai (Thái Lan) và Neak Luong, Campuchia, mực nước đều thấp hơn mức đo được năm 1992, năm được xem là có lưu lượng thấp nhất được ghi nhận. “Nhìn đồ thị thủy văn, tôi tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi năm tầm tháng 6 tức sau mùng 5 tháng 5 âm lịch, con nước đã dâng từ từ cho tới đỉnh lũ là tháng 9, tháng 10 nước tràn đồng ở ĐBSCL. Thế nhưng, năm nay đến giờ này, con nước thậm chí có xu hướng đi xuống, giảm đi”, Th.S Kỷ Quang Vinh nói và thông tin thêm, thông thường, nước từ thượng nguồn Mê Kông đổ về sẽ theo nhánh Tonle Sap tràn vào Biển Hồ, làm cho diện tích mặt nước Biển Hồ tăng lên đáng kể. Hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á này chính là “túi nước” khổng lồ trữ nước vào mùa mưa và nhả nước điều tiết cho hạ nguồn ĐBSCL. Tuy nhiên, năm nay, chính túi nước này cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều khu vực làng nổi của người dân rơi vào tình trạng mắc cạn vì nước xuống thấp. Và với tình hình này, năm nay ĐBSCL khó có nước về.

theo Thanh Niên

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Mê Kông cạn kiệt nước và câu hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc