Điềm đạm, trầm tính ít nói là những cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với Trần Đình Hiếu (lớp 12 chuyên hóa, Trường THPT chuyên Bắc Ninh). Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài lạnh ấy lại là một Đình Hiếu vô cùng tình cảm và yêu thương gia đình. Chẳng ai có thể hình dung, người đoạt Huy chương bạc Olympic hóa học đã từng mỗi ngày đi bộ 10 cây số đến trường và tiêu có 400.000 đồng/tháng.

Chàng trai xài có 400.000 đồng/tháng đoạt Huy chương bạc Olympic hóa học

Một Thế Giới | 02/08/2015, 11:49

Điềm đạm, trầm tính ít nói là những cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với Trần Đình Hiếu (lớp 12 chuyên hóa, Trường THPT chuyên Bắc Ninh). Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài lạnh ấy lại là một Đình Hiếu vô cùng tình cảm và yêu thương gia đình. Chẳng ai có thể hình dung, người đoạt Huy chương bạc Olympic hóa học đã từng mỗi ngày đi bộ 10 cây số đến trường và tiêu có 400.000 đồng/tháng.

Nuôi ước mơ chữa bệnh cho bố mẹ

Hiếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân miền quê nghèo thôn Can Vũ, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng và quầy đậu phụ, trong khi bố mẹ lại đau ốm triền miên. Thấy bố mẹ thức khuya dậy sớm, vất vả, lam lũ, Hiếu lại càng quyết tâm học thật tốt để thoát nghèo.

Đến với môn hóa như một duyên bất ngờ, Hiếu cho biết, năm lớp 8 khi đang theo học môn toán, em “bị thầy cô bắt sang môn hóa” vì thấy em hợp với môn này hơn. Ban đầu, em cũng khó chịu và ấm ức lắm nhưng rồi không biết yêu thích môn này từ khi nào không biết.

Tủm tỉm cười khi nhớ đến ký ức hồ bé, Hiếu kể: Hồi bé, em rất thích xem và tìm hiểu về những trò lạ độc đáo. Em vẫn nghĩ khi trộn hai dung dịch trong suốt vào với nhau sẽ thành một dung dịch màu khác là một trò ảo thuật và em rất ngưỡng mộ điều đó. Năm lớp 8, khi thầy giáo môn hóa dùng thuốc thử để nhận biết dung dịch, khi thuốc thử chuyển màu Hiếu từng thốt lên một câu nói ngây ngô: “Ô! Thầy làm ảo thuật”. Mãi về sau khi đam mê hóa, em mới biết đó là những phản ứng hóa học và ngày càng đam mê môn này hơn.

Để biến ước mơ giúp đỡ gia đình thành hiện thực, Hiếu thường tìm hiểu sách vở về ngành dược vì biết rằng đây là ngành y tế chuyên về bào chế các loại dược liệu, sản xuất ra các loại thuốc, mà ngành này liên quan nhiều nhất chặt chẽ nhất đến môn hóa học.

Chia sẻ về bí quyết học tập Hiếu cho biết trên lớp thì phải chú ý nghe giảng và chịu khó phát biểu vì mỗi lần phát biểu dù đúng hay sai đều để lại những bài học quý, những kinh nghiệm dễ nhớ. Thời gian ở nhà, em thường ôn lại lý thuyết để nắm chắc hơn. Những lúc rảnh rỗi, Hiếu thường giúp đỡ bố mẹ làm các công việc trong nhà. Hàng xóm láng giềng, ai cũng khen ngợi Hiếu là một người con ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ.

Với sự nỗ lực trong học tập khi đang là học sinh lớp 11, Hiếu đã giành giải nhì quốc gia môn hóa học; năm 2015 giành giải nhất quốc gia môn hóa học. Trong 2 năm 2014 và 2015, Hiếu đều được dự thi vòng 2 chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế hóa học. Và hạnh phúc đến với em khi năm 2015, em giành được Huy chương bạc. Chia sẻ về giải thưởng này, Hiếu cho biết: “Em có hơi buồn vì kết quả chưa như mong đợi. Tuy nhiên, em bằng lòng với những gì mình đã đạt được và sẽ cố gắng học tập thật tốt hơn”.

Đi bộ 10 cây số đến trường và tiêu 400.000 đồng/tháng

Đón con tại sân bay, cô Trịnh Thị Thường (mẹ của Hiếu) bộc lộ niềm hạnh phúc tràn đầy. Ôm chặt con trong tay, cô rơm rớm nước mắt. Người phụ nữ chất phác có khuôn mặt tròn hiền hậu, nước da bánh mật, dáng người chân chất thật thà nói với chúng tôi: “Hiếu là báu vật của gia đình. Tuy sống cuộc sống vất vả nhưng em luôn cố gắng vươn lên hoàn cảnh”.

Nhớ lại những vất vả, cô lại thấy thương con vô cùng. Với cô và chồng, dù khó khăn như thế nào, dù phải thức dậy từ 3 sáng để làm đậu cũng sẽ cố gắng cho con được đi học, được thỏa ước mơ. Đôi bàn tay thô kệch và chai sạn cứ xoa vào nhau như cố kìm nén cảm xúc khi kể về những nỗ lực của con. Cũng tại nghèo quá bố mẹ không mua nổi cái xe đạp cho con đi học.

Mỗi ngày Hiếu cũng đi bộ hai lượt đi và về gần chục cây số. Thương con nhưng bố mẹ nghèo quá cũng không biết làm sao. Lên cấp 3, Hiếu bắt đầu phải làm quen với cuộc sống tự lập. Vì đam mê môn hóa, Hiếu đã thi và đỗ vào trường chuyên Bắc Ninh, chấp nhận xa nhà để theo học. Cuộc sống xa bố mẹ, Hiếu đã biết tự chi tiêu cho cuộc sống của mình. Mỗi tuần về nhà, mẹ lại chắt góp cho 200.000 đồng để em tự xoay xở lo chuyện ăn uống, sinh hoạt. Thế nhưng, lần nào nó cũng nhét trả vào túi mẹ một nửa. Nó bảo con đi học không cần nhiều tiền, bố mẹ làm đậu ngày công chẳng được mấy, góp thêm mà làm vốn.

Biết hoàn cảnh gia đình, Hiếu không bao giờ đòi hỏi gì từ bố mẹ. Lúc mới đi học xa nhà còn bỡ ngỡ, Hiếu hay gọi về tâm sự với mẹ. “Khi đó khó khăn, tôi chỉ cho cháu mỗi tháng 20.000 tiền nạp điện thoại. Nhớ con lắm nhưng không dám gọi nhiều, tôi vẫn dặn con khi nào có chuyện gì đó quan trọng hoặc cần thiết quá thì hãy gọi khỏi không đủ tiền”.

Có hôm nhớ con quá, cô lại thu xếp công việc lên thăm con. Mỗi lần vậy là chiếc xe máy đã cũ của cô lỉnh kỉnh với đủ túi gạo, rau mang đến tận ký túc xá cho con. Là người sống tình cảm, những ngày 20.10 hay 8.3, Hiếu vẫn thường ghi thiệp với lời chúc mẹ và chị gái. Cô Thường vẫn còn nhớ như in những dòng chữ chứa chan tình cảm của cậu con trai út: “Con yêu mẹ, mẹ vất vả vì con nhiều rồi”.

Với thành tích ngày hôm nay đạt được, Hiếu chia sẻ đây không chỉ là những nỗ lực cố gắng của em mà còn là sự giúp đỡ, chở che và tiếp sức của gia đình, thầy cô, bạn bè. Em sẽ tiếp tục cố gắng để giúp bố mẹ thoát khổ, vượt nghèo. 
Chia sẻ về chặng đường sắp tới, Hiếu cho biết đang dự định sẽ theo học một trong hai trường ĐH Y Hà Nội hoặc ĐH Khoa học tự nhiên. Sau đó em sẽ tự kiếm cho mình những suất học bổng để đi du học với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành hóa học. Về tương lai xa hơn, Hiếu muốn được trở thành một giảng viên đại học hoặc là một nhà nghiên cứu khoa học chuyên về hóa học.
Theo Lao Động

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chàng trai xài có 400.000 đồng/tháng đoạt Huy chương bạc Olympic hóa học