Đã đến lúc Trung Quốc phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2016, khi chỉ còn một tháng nữa là quả bom mang tên lãi suất của FED sẽ bùng nổ.

Chỉ còn một tháng cho kinh tế Trung Quốc trước quả bom lãi suất của FED

Nhàn Đàm | 21/05/2016, 10:31

Đã đến lúc Trung Quốc phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2016, khi chỉ còn một tháng nữa là quả bom mang tên lãi suất của FED sẽ bùng nổ.

Năm 2016 mới chỉ trôi qua được đến giữa quý II, nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã có nhiều cơ sở khá chắc chắn để khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ có một khoảng thời gian khó khăn trong phần còn lại của năm. Tốc độ tăng trưởng trung bình khá cao là 6,7% trong quý I đầu năm dường như chỉ là sự an ủi trước cho những khó khăn sẽ đến sau đó.

Chỉ mới hơn một tuần sau khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiểu bác bỏ đề xuất xin cấp quy chế kinh tế thị trường, thì Trung Quốc đang phải đối mặt với quả bom thứ hai: Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất đồng USD vào giữa tháng Sáu tới. Đã đến lúc Trung Quốc phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm 2016. Và thời gian cũng không còn nhiều nữa, khi chỉ còn một tháng nữa là quả bom mang tên lãi suất của FED sẽ bùng nổ.

Khoảng thời gian giữa tháng Năm năm nay thực sự là một quãng thời gian đen tối với chính phủ Trung Quốc, khi chỉ trong vòng có hơn một tuần đã có hai tin tức rất xấu với nền kinh tế nước này. Cách đây một tuần, Liên minh châu Âu EU đã bác bỏ đề xuất xin cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc – một việc có thể chấm dứt những kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc vào thị trường châu Âu.

Không những vậy, hai nước đứng đầu EU là Đức và Pháp còn đang đề nghị nghị viện châu Âu xem xét tăng thuế nặng đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc do bị nghi ngờ là phá giá, mà điển hình là thép. Với những động thái này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Trung Quốc trong phần còn lại của năm 2016, mà xuất khẩu lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến là 6,7% trong quý I của nền kinh tế số hai thế giới.

Tin sét đánh thứ hai với chính phủ Trung Quốc là việc FED gần như chắc chắn sẽ nâng lãi suất đồng USD vào giữa tháng Sáu tới, một việc mà cơ quan này đã trì hoãn từ đầu năm đến nay. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một sức ép lớn đối với kinh tế Trung Quốc vốn cũng đang phải chịu rất nhiều khó khăn.

Khi FED tăng lãi suất sẽ kích thích dòng chảy tài chính ra khỏi thị trường Trung Quốc diễn ra mạnh hơn, đồng thời sẽ tạo ra một sức ép với các doanh nghiệp Trung Quốc và buộc họ phải tăng cường mua vào tiền USD để thanh toán nợ nần trước khi đồng USD tăng giá. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tạo một sức ép lớn lên tỷ giá đồng nhân dân tệ, vốn đang là thứ chính phủ Trung Quốc cố gắng giữ ổn định để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang tiêu dùng nội địa hiện nay, trong đó kích thích người dân tăng chi tiêu cá nhân và gia đình.

Điều nghịch lý trong cả câu chuyện này là, cả hai sự kiện không lấy gì làm vui vẻ cho kinh tế Trung Quốc này lại một phần xuất phát từ những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng một cách quá đà của chính phủ nước này. Vì quá lo lắng với những triển vọng ảm đạm của nền kinh tế trong năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã tung một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, từ tăng cường mở rộng tín dụng vào nền kinh tế (lên đến tương đương 712 tỷ USD trong quý I) và tìm mọi cách để thúc đẩy xuất khẩu, phần lớn là hàng hóa do nền sản xuất dư cung, như giảm thuế cho các mặt hàng xuất khẩu lớn như thép.

Và đó lại là một phần nguyên nhân khiến EU bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, đồng thời quyết định xem xét sẽ đánh thuế nặng lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Việc hàng hóa Trung Quốc, vốn có lợi thế về giá nay lại càng rẻ hơn do được chính phủ trợ giá, đã tràn vào thị trường EU ngày càng nhiều và đe dọa hàng loạt ngành sản xuất tại các nước châu Âu, mà điển hình là ngành công nghiệp sản xuất thép tại một loạt quốc gia như Anh hay Đức.

Sự tham lam quá mức của Trung Quốc và những cách thức trợ giá hàng xuất khẩu theo kiểu phi thị trường của chính phủ nước này đã tạo ra những xáo trộn lớn cho kinh tế châu Âu, và không khó hiểu khi EU đang trở nên cứng rắn với Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Điều tương tự cũng diễn ra trong câu chuyện FED tăng lãi suất vào tháng Sáu. Một trong những lý do khiến cơ quan này trì hoãn việc tăng lãi suất đồng USD từ đầu năm đến nay, một phần là do những triển vọng tăng trưởng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Chủ tịch Janet Yellen không ít lần úp mở rằng vì kinh tế Trung Quốc đang trì trệ nên FED chưa vội tăng lãi suất.

Có lẽ vì thế nên chính phủ Trung Quốc đã tìm cách mở rộng tín dụng vào nền kinh tế nhiều nhất có thể để thúc đẩy tăng trưởng. Đã có khoảng 712 tỷ USD được bơm vào nền kinh tế Trung Quốc thông qua các khoản cho vay cho các DN nước này trong quý I năm nay, cao hơn nhiều so với con số dự đoán là khoảng hơn 300 tỷ USD. Việc mở rộng tín dụng và tăng cường xuất khẩu đã giúp kinh tế Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn dự đoán của các chuyên gia là 6,7% trong quý I.

Tuy nhiên, chính việc Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng cao là 6,7% trong quý I lại là một trong những điều kiện cần thiết sau cùng để FED quyết định tăng lãi suất. Kinh tế Mỹ đang có những bước tăng trưởng khả quan trong quý II và nhiều khả năng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2% dự kiến, và với việc kinh tế Trung Quốc có thể coi là đã phục hồi (qua việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong quý I), thì chẳng còn điều gì có thể ngăn cản FED tăng lãi suất vào tháng Sáu tới nữa.

Nếu như Trung Quốc không quá vội vã tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá trong quý I, thì có lẽ FED sẽ vẫn trì hoãn tăng lãi suất, hoặc ít nhất là sẽ tìm cách giảm tỷ lệ lãi suất được tăng.

Không khó để dự đoán được rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phần còn lại của năm 2016. Với sự kiện EU không trao quy chế kinh tế thị trường và xem xét tăng thuế nặng với hàng hóa Trung Quốc, thì gần như chắc chắn xuất khẩu của nước này trong phần còn lại của năm 2016 sẽ sụt giảm mạnh; trong khi đó việc FED tăng lãi suất sẽ tạo ra áp lực mạnh hơn là tỷ giá đồng nhân dân tệ, và sẽ làm cho nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế sang tiêu dùng nội địa của chính phủ Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn.

Một khi đồng USD tăng giá, thì hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc cũng sẽ tăng giá, và sẽ ảnh hưởng xấu đến mức chi tiêu của người dân nước này. Và điều quan trọng hơn hết là, chỉ còn một tháng nữa là quả bom lãi suất của FED sẽ phát nổ, và liệu Trung Quốc sẽ làm được gì để thay đổi tình hình chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi đó.

Nhàn Đàm (theo Reuters, Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ còn một tháng cho kinh tế Trung Quốc trước quả bom lãi suất của FED