Chân trần chí thép được viết bởi Trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt, người đã trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Ông đã đi khắp Việt Nam hơn 10 năm tìm hiểu, từ chuyến đi khai mở năm 1994, để cho ra đời Chân trần chí thép.

Chiến tranh Việt Nam để lại vết hằn không phai cho nước Mỹ

28/04/2019, 11:02

Chân trần chí thép được viết bởi Trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt, người đã trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Ông đã đi khắp Việt Nam hơn 10 năm tìm hiểu, từ chuyến đi khai mở năm 1994, để cho ra đời Chân trần chí thép.

LTS - Cuốn sách cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác, qua lăng kính của một người ở bên kia chiến tuyến về những con người Việt Nam, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm về ý chí kiên cường, tính mưu trí sáng tạo của thế hệ cha anh chúng ta trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Mỗi trang sách đều toát lên tính nhân bản sâu sắc, tình thương yêu và sự cảm thông giữa con người với con người – cao hơn mọi định kiến, thù hằn.

Những đoạn trích dưới đây giúp bạn đọc hình dung rõ phần nào câu chuyện đã thuộc về lịch sử.

Kể từ Nội chiến, nước Mỹ chưa bao giờ chứng kiến một cuộc chiến gây chia rẽ lòng người như thế. Hơn một thế hệ đã trưởng thành kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc nhưng nhiều người Mỹ vẫn còn bị ám ảnh bởi những ký ức về cuộc chiến ấy.

Đối với người này, nỗi ám ảnh có thể là cái chết của một người thân yêu. Đối với người kia, đó có thể là sự mất mát đồng đội, mất đi cánh tay hoặc một phần nào đó của cuộc sống. Việc hiểu được cuộc chiến, cũng như tìm hiểu nguyên nhân vì sao một người hưởng ứng lời kêu gọi nhập ngũ đã không nhận được sự biết ơn của đất nước, là một quá trình đấu tranh nội tại.

Chiến tranh Việt Nam đã để lại một vết thương sâu hoắm trong tâm hồn người Mỹ là điều không thể phủ nhận.

Tổn thất trong chiến tranh là không thể tránh khỏi

Trong chiến tranh, một điều không thể phủ nhận là cả hai phía đều tổn thất. Cả kẻ thắng lẫn người bại đều tổn thương không ít thì nhiều. Bi kịch, sự chịu đựng gian khó và khổ đau là không khu biệt đối với các chiến binh, bất kể họ đứng ở phía nào của chiến tuyến; không khu biệt đối với những gia đình đang chờ đợi người chiến binh trở về; và không khu biệt đối với những người dân đã ủng hộ sự nghiệp của các chiến binh đó.

“Tính phổ quát” là một nguyên tắc đơn giản, nó thừa nhận khổ đau là một phạm trù phi chiến tuyến, để từ đấy, một khi cuộc chiến kết thúc, một mảnh đất màu mỡ có thể được cày xới để gieo lên hạt giống của tình hữu nghị. Đó là một nguyên tắc mà tôi, khi đang trải qua bi kịch cá nhân, đã không nhìn thấy được.

Tôi cho rằng có những cựu chiến binh của cuộc chiến Việt Nam, giống như tôi, đã cảm thấy khó khăn trong việc thừa nhận rằng cuộc chiến cứ mãi ám ảnh. Tuy nhiên, đến khi tôi trở lại Việt Nam vào năm 1994, khi mà tôi có thể đối mặt với cuộc chiến nội tâm của mình về bi kịch cá nhân xuất phát từ cuộc chiến tranh kia, tôi đã có được cảm hứng để viết CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP.

Tôi nhận thức được rằng rất nhiều người Mỹ đã phải chịu đựng bi kịch từ cuộc chiến tranh Việt Nam lớn hơn tôi rất nhiều. Trải nghiệm trong đời của người này luôn khác với người kia, mất mát cũng thế. Về khía cạnh này, tổn thất mà gia đình và tôi gặp phải đã ảnh hưởng đến chúng tôi rất nhiều. Như một sự nghiệt ngã trớ trêu của số phận, chính những mệnh lệnh quân đội do cha tôi ban hành rốt cuộc đã gây nên cái chết cho anh trai tôi, đó chính là điều mà tôi muốn thừa nhận.

Gia đình tôi có một truyền thống binh nghiệp đáng tự hào

Hầu như mỗi cuộc chiến mà nước Mỹ tham gia kể từ Cách mạng Mỹ đến nay đều có ít nhất một người mang họ Zumwalt phục vụ. Bạn bè thân thiết không hề ngạc nhiên khi biết rằng tất cả các thành viên nam trong gia đình trực hệ của tôi đều xung phong phục vụ tại Việt Nam.

Từ năm 1968 đến 1970, người cha giờ đã quá cố của tôi, Elmo R. Zumwalt, Jr., là Phó Đô đốc chỉ huy lực lượng hải quân tại Việt Nam. Trong vai trò “COMNAVFORV” (Commander Naval Forces Vietnam – Tư lệnh Hải lực tại Việt Nam), ông chỉ huy tất cả lực lượng duyên hải và đường sông của Hải quân Mỹ tham chiến tại Nam Việt Nam.

Ngay khi cha tôi đến Việt Nam, thượng cấp trực tiếp của ông, Tướng Creighton Abrams, đã bày tỏ sự không hài lòng về vai trò của Hải quân trong cuộc chiến lúc ấy. Ông muốn Hải quân phải quyết liệt hơn nữa. Trên cơ sở đó, cha tôi đã vạch ra một chiến lược hung hãn hơn, với mục đích biến hệ thống kênh rạch miền Nam Việt Nam, vốn lâu nay bị Việt Cộng sử dụng làm đường chuyển quân, thành bãi chiến trường. (Từ “Việt Cộng” là một cách diễn đạt với hàm ý xấu được chính quyền Sài Gòn và sau đó là quân đội Mỹ sử dụng để chỉ những chiến binh cộng sản tại miền Nam chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền. Dù cụm từ “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” (“People’s Liberation Armed Forces” – PLAF) là chính xác hơn, tôi vẫn dùng “Việt Cộng” bởi từ này quen thuộc hơn đối với người Mỹ. Tôi không có ý thiếu tôn trọng PLAF khi sử dụng từ đó).

Chiến lược mới của cha tôi đã tạo ra những sự xáo trộn lớn cho Việt Cộng khi việc sử dụng hệ thống sông ngòi để tiếp vận và xâm nhập (từ phía Campuchia) sụt giảm nghiêm trọng. Tiếp tế của Việt Cộng suy giảm, thương vong của Lục quân Mỹ ở Đồng bằng Mê Kông (thường gọi là “Đồng bằng”) nhờ đó mà giảm theo. Duy trì sự hiện diện ổn định trong khu vực, người Mỹ đã có thể thúc đẩy tiến trình bình ổn Đồng bằng, làm gia tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền Sài Gòn và chính phủ Mỹ.

Sự thành công của chiến lược do cha đưa ra đã giết chết anh trai tôi nhiều năm sau đó

Trong khi thương vong của Lục quân Mỹ giảm thì phía Hải quân tổn thất gia tăng nghiêm trọng với lực lượng đường sông chiếm tới sáu phần trăm trong tổng thương vong hằng tháng. Điều này có nghĩa là nguy cơ bị giết hoặc bị thương đối với những người phục vụ “bên trong” (chiến đấu trong khu vực chiến sự ở Việt Nam) trên những chiếc thuyền tuần tra là ba-trên-bốn – tức cứ bốn người thì ba người đối mặt với nguy cơ – trong thời gian nghĩa vụ một năm. Cha tôi đã lập tức tìm kiếm phương pháp nâng cao an toàn cho lực lượng này.

Hải quân chịu thương vong lớn là do đặc trưng của địa hình họ chiến đấu – sông nhỏ hẹp với cây cối um tùm hai bên. Đối với Việt Cộng, đó là môi trường lý tưởng cho các cuộc phục kích nhằm vào tàu tuần tra; đối với người Mỹ, đó là một địa hình ác mộng cho khả năng phòng thủ. Vùng cây cối rậm rạp ven sông là nơi trú ẩn và là lá chắn tốt cho Việt Cộng trong các cuộc phục kích, giúp họ có thể tấn công vào Hải quân Mỹ ở cự ly rất gần. Với yếu tố bất ngờ, Việt Cộng hầu như không cho thủy thủ đoàn cơ hội nào để phản công.

Trong số những chiến binh đường sông dũng cảm của Mỹ hoạt động trong lực lượng “Hải quân Nước nâu” (tức hệ thống đường sông nội địa ở Nam Việt Nam) có người anh trai của tôi, Trung úy Hải quân Elmo R. Zumwalt, III. Từng được biên chế về một vị trí khá nhàn trên khu trục hạm ở Norfolk, Virginia, Elmo tự cảm thấy có bổn phận phải phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Anh không bao giờ hỏi ý kiến cha tôi về vấn đề này, bởi Elmo biết cha sẽ đưa ra những lập luận chặt chẽ để thuyết phục anh không nên đi. (Thời còn ở trường trung học và Học viện Hải quân, cha tôi đã được trao nhiều giải thưởng về tranh biện. Tôi và anh Elmo từ nhỏ đã biết rằng không bao giờ nên tranh luận với ông vì ông luôn là người chiến thắng bằng một vũ khí mà chúng tôi không thể có - lập luận chặt chẽ). Nếu Elmo hỏi ý kiến, cha tôi có thể sẽ không đưa ra những lý lẽ làm nản lòng anh, vì cha tôi hiểu người con trai này có một ý thức trách nhiệm lớn. Trong trường hợp này, cha tôi có thể nói với Elmo những lời thiên về tình cảm, chẳng hạn: “Tại sao lại để cho mẹ con phải lo nghĩ thêm nữa về việc có một đứa con đối mặt với bất trắc trên chiến trường, giữa lúc bà đã có một người chồng đang sống cận kề hiểm nguy như thế?”. Elmo cho rằng cha tôi có thể sẽ khuyên anh nên chờ đến khi cha tôi hết thời hạn công tác ở Việt Nam thì anh mới tình nguyện sang đấy. Đó là một sự cân nhắc có cơ sở. Nhưng Elmo biết anh không chọn Hải quân như một sự nghiệp suốt đời. Nếu không xung phong đi lần này, anh có thể sẽ mất cơ hội duy nhất của mình.

Elmo đã đến Việt Nam

Elmo đến Việt Nam và đảm nhiệm vị trí chỉ huy duy nhất trong sự nghiệp hải quân ngắn ngủi – thuyền trưởng một tàu tuần tra đường sông, thường gọi là “tàu nhanh” – PCF-35 (viết tắt của Patrol Craft Fast). Là tư lệnh của tàu cao tốc, Elmo nằm dưới quyền chỉ huy của một guồng máy do cha tôi đứng đầu – đó là COMNAVFORV. Quan hệ gia đình không bao giờ mang lại một đặc ân nào đó trong nhiệm vụ, bởi cả cha và anh tôi đều không nhập nhằng chuyện gia đình và nghĩa vụ quốc gia. Tính cách của hai người là vậy.

(Trong một phút trải lòng về sau, cha tôi thừa nhận mình từng có làm chệch đi một chút so với thông lệ trong quân đội, chỉ bởi anh Elmo phục vụ ở vùng chiến sự. Dù sự thiên lệch đó không có gì quan trọng, nhưng cha tôi vẫn cảm thấy có chút tội lỗi. “Mỗi buổi sáng”, cha tôi nhớ lại, “khi nhận được danh sách thương vong trong các chiến dịch của đêm hôm trước, với tên người được xếp theo thứ tự A, B, C, cha thường bắt đầu đọc danh sách từ cuối lên đầu”.

Với họ “Zumwalt”, nếu Elmo nằm trong danh sách thương vong, tên anh chắc chắn sẽ ở hàng cuối. Tôi không nghĩ rằng có ai đó sẽ trách cha tôi về sự thiên vị này). Cha tôi là một người đàn ông đầy đam mê và thông tuệ. Tôi không tin có lúc nào đó ông đưa ra một quyết định quân sự mà không cân nhắc tới những tác hại của nó đối với người lính. Nhưng trong giai đoạn mới nắm quyền chỉ huy tại Việt Nam, có khi ông ở vào hoàn cảnh không thấy hết được tác động từ quyết định của mình. Dù quyết định ấy đã giúp đạt được mục tiêu giảm thương vong cho Hải quân Mỹ, ông không thể ngờ rằng nó cũng chính là nguyên nhân cướp đi mạng sống của người con trai cùng tên với ông.

Trích sách Chân trần chí thép

Tác giả Chân trần chí thép - Trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt là thành viên của một gia đình có truyền thống binh nghiệp dày dặn, ông rất tự hào được phục vụ bên cạnh người thân trong cuộc xung đột ấy. Ông đã mất bạn bè và bạn học trên chiến trường – và một người anh trai của ông sống sót trở về từ cuộc chiến để rồi lại phải chiến đấu, và thất bại, trước một cuộc chiến khác chống bệnh ung thư do phơi nhiễm Chất độc Cam do chính Cha mình gây nên. Điều đó khiến ông trở nên nhạy cảm đối với khổ đau mà cuộc chiến gây ra cho người Mỹ – những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã chiến đấu cũng như những gia đình mòn mỏi chờ người thân trở về. Nhưng mãi đến khi trở lại Việt Nam năm 1994 cùng cha và sau hơn 10 năm ông mới nhận ra rằng nỗi đau chiến tranh đã giáng xuống cuộc đời tất cả những người đàn ông và đàn bà dũng cảm chiến đấu ở cả hai đầu chiến tuyến – cũng như gia đình họ.

Chân trần chí thép là cuốn sách được tác giả James G. Zumwalt viết để xây dựng nền tảng cho hàn gắn. Với hy vọng rằng, bằng cách hiểu hơn nỗi đau của hai phía phải chịu đựng trong cuộc chiến, những ai vẫn còn nhói đau vì thương tích có thể tìm thấy trong trái tim mình sức mạnh để hàn gắn. “Tôi hy vọng rằng những ai trong chúng ta còn gặp khó khăn trong việc hàn gắn vết thương có thể gác sang một bên sự khác biệt về ý thức hệ để cho vết thương dễ lành”.

Sách do First News thực hiện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh Việt Nam để lại vết hằn không phai cho nước Mỹ