Theo Reuters, Canada đã cấm ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ cấp, có hiệu lực từ hôm 28.2.
Quyết định này được đưa ra bởi Bộ Thông tin Canada nhằm đảm bảo tính bảo mật của thông tin chính phủ. Giới chức Canada cho rằng phương pháp thu thập dữ liệu của TikTok có thể khiến người dùng dễ bị tấn công mạng.
Các cơ quan quản lý quyền riêng tư cấp địa phương và liên bang của Canada cũng đang điều tra ứng dụng thuộc công ty ByteDance của Trung Quốc. Cuộc điều tra về những lo ngại liên quan tới việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân người dùng của nền tảng chia sẻ video này.
Về phần mình, đại diện TikTok khẳng định quyền riêng tư và sự bảo mật thông tin của người dùng "là ưu tiên hàng đầu" của công ty, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc điều tra là cơ hội để chứng minh rằng công ty này luôn bảo về quyền riêng tư của người dùng tại Canada.
Không chỉ có Canada, nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của TikTok do lo ngại rằng ứng dụng này có thể đang thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng trái phép.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 23.2 áp đặt lệnh cấm nhân viên sử dụng TikTok trước bằng chứng cho thấy TikTok thu thập lượng dữ liệu khổng lồ trên toàn thế giới, đặc biệt tập trung vào các mục tiêu chính trị và an ninh có giá trị cao.
“Để bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh mạng, ban quản lý EC đã quyết định tạm dừng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của ủy ban và thiết bị cá nhân”, tuyên bố của EC cho biết.
Tháng trước, chính phủ Hà Lan khuyến cáo quan chức tránh xa ứng dụng này vì những lo ngại tương tự. Trước đó, Mỹ cũng đã cấm cài đặt TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang vào tháng 12 do lo ngại về khả năng gián điệp. Một số tiểu bang Mỹ trong tuần trước cũng đã thực hiện các hạn chế tương tự.