Đường Nguyễn Thông (quận 3) - lối vào ga Sài Gòn được mệnh danh là “chợ cá cảnh” bởi những cửa hàng chuyên cung cấp các loại cá cảnh và phụ kiện liên quan tới thủy sinh, thu hút người chơi cá.
“Chợ” bán cá cảnh này được hình thành sau năm 1975, lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Thế nhưng, do quá trình đô thị hóa, đến nay “chợ” chỉ còn hơn 30 cửa hàng bán cá cảnh và phụ kiện bể cá đi kèm. Tầm 8 giờ sáng, các cửa hàng nơi đây đồng loạt mở cửa phục vụ khách hàng từ giới bình dân cho đến các đại gia. Cá cảnh ở đây được bán với đủ chủng loại như: Cá lau kiếng, cá hỏa tiễn, cá tiên ông, cá koi Nhật…
Mỗi loại cá lại có kích thước và loại thức ăn khác nhau. Chính vì vậy mà mức giá cũng trở nên chênh lệch. Bình dân thì có cá ba đuôi đầu lân, ông tiên, hạc đĩnh hồng, sặc gấm, bạc phụng, kim sơn… chỉ có vài chục ngàn đồng/con. Dân trung lưu trở lên thì chơi cá la hán, cá đĩa, cá rồng… mỗi con có thể trị giá vài ngàn USD là chuyện thường. Có những loài cá quý, giá có thể lên tới tiền tỉ. Chẳng hạn như có con cá rồng dài 50cm và nặng 1,5kg, giá 1,2 tỉ đồng. Không chỉ thế, giá của chúng còn tùy thuộc vào độ trưởng thành, vẻ đẹp và sức khỏe của chúng. Anh Dư, một chủ cửa hàng bán cá cho biết: “Để cá có sức khỏe tốt, ngày nào tôi cũng phải lau kính, thay nước và cho chúng ăn đều đặn ba bữa".
Anh Dư kể: Nếu thấy con cá nào yếu, có biểu hiện lạ, tôi vớt ra kiểm tra liền chứ mình mà không quan tâm, chăm sóc, để nó chết thì cả bể cá sẽ bị ô nhiễm. Khi cho ăn không được cho ăn quá nhiều, nếu không thức ăn thừa cũng làm bể cá bị dơ.
Cũng như anh Dư, nhiều hộ gia đình bán cá cảnh tại đây cho biết do cửa hàng nhỏ nên họ chỉ nhập về bán với số lượng ít nhưng bán nhiều loại khác nhau để khách dễ dàng chọn lựa. Không chỉ việc dọn bể sạch sẽ, trang trí bể đẹp mắt mà đôi khi những chú cá chưa bán được còn phải chăm sóc kỹ lưỡng, nếu không chúng sẽ bị “mất giá”. Cứ mỗi cặp cá được bán đi cho người chơi cá, những chủ cửa hàng ở đây lại cảm thấy an tâm vì chúng sẽ có “ngôi nhà mới” rộng rãi và đẹp đẽ hơn. Không chỉ vậy, chúng còn được chú ý và chăm sóc tốt hơn lúc còn ở cửa hàng.
Ở đâu cũng vậy, cá có mẻ này mẻ kia được cất về bán, ngày này qua ngày khác cá cũng yếu dần. Chủ cửa hàng không thể chăm sóc tốt hàng trăm con cá cùng lúc. Ông Hoàng Hải Vinh (53 tuổi, ngụ Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi chơi cá cảnh cũng gần 3 năm nay. Con phố này cũng là nơi tôi tới mua cá thường xuyên. Ở đây, các chủ cửa hàng không chỉ bán những con cá cảnh đảm bảo đủ tiêu chí đẹp, khỏe mà họ còn tư vấn miễn phí cách chăm sóc cá và cách trang trí bể cá để cá có môi trường sống tốt”. Bên cạnh những cửa hàng bán cá thường có cửa hàng bán cây kiểng, bể cá và cả những phụ kiện khác để trang trí bể thủy sinh, chẳng hạn máy tạo ô xy, đèn bể, sỏi, rêu giả… và các loại thức ăn phù hợp cho từng loại cá.
Điều thú vị ở “chợ” cá cảnh này là khách hàng cứ chạy việc xe và ngắm, ưng ý cửa hàng nào thì tấp vào mua. Hầu hết khách hàng hay lui tới đây là những người chơi cá cảnh lâu năm. Họ tới những cửa hàng quen mua cá. Có người chịu chơi, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua được những chú cá cảnh quý hiếm. Dân chơi cá cảnh thường săn lùng những con cá độc và lạ, chẳng hạn như cá rồng, cá koi Nhật… Những con cá với đủ màu sắc, hình dáng, kích thước làm cho bể cá thêm phần sinh động. Và sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, nhìn đàn cá tung tăng bơi lội cũng khiến con người giảm bớt căng thẳng trong công việc và yêu thiên nhiên hơn.
Nguyễn Hường/Duyên dáng Việt Nam