Rất nhiều cách để những cán bộ phường có thể lựa chọn, nhưng họ đã chọn cách xấu nhất để “đối phó” với người dân - chị bán rau.
Ngày 18.4, mạng xã hội đăng tải clip về chị bán rau, bị lực lượng cán bộ P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, “cưỡng chế” đưa chiếc xe chở rau, cải, mướp… mà chị dùng đi bán dạo, về phường. Năn nỉ mãi không được tha, chị uất ức cầm dao - như phản xạ tự nhiên, thì bị quy là chống đối, bị nhiều người xông vào khóa tay, áp tải nằm chỏng gọng trên thùng xe tải, chở về phường.
Đầu clip, người phụ nữ bán rong gào khóc van xin: "Cô ơi tha cho cháu đi, con không có tiền nong, cô đừng lấy của cháu nữa. Xin đừng lấy của cháu". Còn bà cán bộ quát to: "Con này mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường… Không nói nhiều nữa"...
Trong lúc người người giãn cách, vì sao chị phải ra đường? Vì cái ăn! Cán bộ, viên chức, nghỉ để phòng chống dịch, vẫn hưởng lương, nhưng chị thì không. Người giàu, có của cải tích lũy, nằm nhà vài ba tuần, thiệt đôi chút, nhưng chẳng sao, nhưng chị thì đói. Tiền hỗ trợ của Chính phủ, vẫn chưa đến tay chị, trong khi gia đình chị, hàng ngày vẫn phải ăn. Và chị phải bấm bụng, lấm lét ra đường, mưu sinh. Vì chị biết, ai cũng phải cần ăn, hàng của chị sẽ bán được.
Cứ nhìn thử hình ảnh đoàn người rồng rắn ở Hà Nội... chờ đến lượt nhận gạo từ “ATM gạo”, và tự trả lời. Dù người nhận gạo - có người khó thật, có người không, nhưng nhu cầu gạo để nấu ăn hàng ngày là có thật. Người giàu, hay người nghèo, đều phải ăn mà sống.
Xe rau cải của chị, nhìn sơ qua mà đoán, có lẽ bán tất cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng. Nhưng có lẽ, đó là cả gia tài của chị, của gia đình chị. Cứ nhìn chị khẩn khoản van nài, kêu la thảm thiết, thì chắc đoán được. Thậm chí, số tiền để mua rau cải bán, chưa chắc là của chị, mà còn phải vay, nên mới tiếc vậy. Và khi biết rằng cả gia tài của mình bị đưa về phường, sắp mất, không cách gì van xin, thì hành động cầm dao như bị dồn vào bước đường cùng của chị, hoàn toàn có thể hiểu được.
Nhưng trong clip, cái giọng nữ ra vẻ chỉ huy, vẫn rất lạnh lùng, vô cảm. Giọng chị này yêu cầu thu giữ con dao làm tang chứng, ghép chị vào hành vi chống đối người thi hành công vụ. Cả đoàn người, lạnh lùng, vét từng bó rau, trái mướp… Chỉ có chị bán rau, la thất thanh, tiếng thét lạc lõng giữa phố, rồi bị vật ra nằm giữa thùng xe.
Cán bộ phường xúm vào gom rau của chị, đem về phường - Ảnh cắt từ clip
Phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, kể cả hỗ trợ cho người nghèo. Ưu tiên nhất, là thực hiện các biện pháp cần thiết để không cho dịch bệnh lây lan. Nhưng, kể cả lãnh đạo tỉnh, quận, liệu có ai chỉ đạo cách đối phó với chị bán rau - người dân nghèo, như cách các cán bộ P.Bãi Cháy đã làm?
Hồi năm 2017, khi có đề xuất giao súng về cho công an xã, rất nhiều người phản đối. Bởi có những công an viên cấp cơ sở, có người thậm chí còn mù mờ về luật nhưng rất ham chứng tỏ uy quyền, giao súng cho họ khác gì chắp thêm cánh cho chuyện lạm quyền.
Cán bộ cấp xã, phường cũng vậy. Nhiều người, kiến thức còn hạn chế, nên đôi khi cấp trên chỉ đạo, thì thực thi quá máy móc, chỉ muốn tỏ uy quyền. Như vừa rồi, sau khi chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội, một số địa phương vô tình hay cố tình hiểu không đúng, ra sức ngăn sông cấm chợ, để sau đó cấp trên lại phải có phải có công văn hướng dẫn chi tiết. Luật do con người xây dựng, thực thi luật cũng là con người. Đừng cứ như cái máy. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người dân như chị bán rau kia và, bên cạnh luật, hãy đối xử với nhau bằng tình người...
Chị bán rau, ra đường bán dạo nếu sai thì cán bộ phường có thể nhắc nhở chị, thậm chí có thể bắt làm biên bản cam kết không tái phạm, rồi cho chị về. Và nếu cán bộ thương dân, thì cố giúp vận động ai đó mua giúp mớ rau của chị, để chị về nhà với những đứa con đỏ mắt chờ mẹ mang thức ăn về. Không thì mỗi người một ít mua giúp, ai cũng phải ăn mà. Người thân cô thế cô giữa đám đông cán bộ ấy, không ai dám manh động đâu, hãy thương họ…
Rất may, lãnh đạo Thành ủy Hạ Long đã phát hiện sự việc, và yêu cầu Bí thư P.Bãi Cháy xác minh sự việc, cùng với Chủ tịch phường đến tận nhà xin lỗi chị, tuyên truyền rõ về việc nên chấp hành chủ trương. Một cái kết có hậu cho chị bán rau. Nhưng còn những cán bộ vô cảm?
Hồ Hùng