Sáng 17.3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc năm 2023 cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Lễ tế tại đàn Xã Tắc (P.Thuận Hòa, TP.Huế) do ông Nguyễn Văn Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trong trang phục áo dài khăn đóng làm chủ tế, thực hiện các nghi lễ truyền thống như Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Thượng hương (dâng hương), Nghinh trần (rước thần đến dự), Hiến tước (dâng rượu).
Tham dự lễ tế còn có đại diện lãnh đạo các sở ngành, đơn vị cùng đông đảo người dân địa phương. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì lễ tế đàn Xã Tắc sau khi lễ này được phục dựng lần đầu năm 2008. Những năm trước, tế đàn Xã Tắc do phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hóa chủ trì.
Lễ tế đàn Xã Tắc năm nay gồm 2 phần, phần nghi lễ truyền thống và phần dành cho người dân, du khách vào dâng hương, cầu nguyện. Phần nghi lễ ngoài các lễ nói trên còn có lễ Điện Ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Truyền chúc (đọc chúc văn), Phú tộ (hưởng lộc), Triệt soạn (hạ cỗ), Tống thần (đưa tiễn thần) và Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).
Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập đàn Xã Tắc và tổ chức lễ tế Xã Tắc 2 lần trong năm vào mùa xuân, mùa thu nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với đất nước và toàn thể nhân dân. Đàn Xã Tắc ở Huế nằm ở phường Thuận Hòa, được xây vào tháng 4.1806 dưới thời vua Gia Long để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lúc xây đàn, triều đình nhà Nguyễn huy động dinh trấn cả nước cống nạp đất sạch để đắp.
Các nghi lễ này đề cao những giá trị nhân văn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam và đã được nghiên cứu, phục hồi, tái hiện trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Việc phục dựng lễ Xã Tắc không chỉ là hành động thiết thực để tưởng nhớ tiền nhân, giáo dục thế hệ sau mà còn là một nét đẹp văn hóa cũng như là điểm nhấn du lịch đối với cố đô Huế.