Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ mạnh dạn báo cáo và đề nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM chuyển đổi công việc đối với những lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ.
Chiều 2.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp sơ kết kinh tế - xã hội tháng 7 và triển khai nhiệm vụ mới cho tháng 8.2018.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa nói rằng trong 7 tháng đầu năm 2018, kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển tốt. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng hơn 12,5% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài TP.HCM thu hút được cũng tăng 70% so với cùng kỳ...
Trong 7 tháng đầu năm 2018, TP.HCM đã có 24.303 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 315.003 tỉ đồng, tăng 5,8% về số lượng và 6% về số vốn đăng ký so cùng kỳ. TP.HCM còn có 553 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 508,25 triệu USD, tăng 26% về số dự án cấp mới và bằng 68% vốn đầu tư so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thành phố cũng có 148 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 453,38 triệu USD, tăng 27,6% số dự án điều chỉnh và tăng 13,3% vốn đầu tư.
Đáng chú ý, dù đánh giá cao những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra những tồn tại mà thành phố đang gặp phải. Đó công tác cải cách hành chính vẫn còn rất trì trệ. Minh chứng là việc một doanh nghiệp ngành cơ khí thuộc chương trình kích cầu nhưng thời gian giải quyết vốn để doanh nghiệp mở rộng quy mô mất hơn 1,5 năm.
Hay một công ty cơ khí trong nước có sản phẩm rẻ hơn Trung Quốc, chất lượng Nhật Bản muốn đầu tư mở rộng nhà xưởng trên đất của doanh nghiệp này nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư lại giải quyết rất chậm trễ. Do vậy, ông Phong yêu cầu các sở ngành phải lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn để các doanh nghiệp cần được tập trung thực hiện. Cạnh đó, các cơ quan cần có giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp TP.HCM phát triển.
Sau khi phân công công việc, ông Phong khẳng định sẽ mạnh dạn báo cáo và đề nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM chuyển đổi công việc đối với những lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ.
“Tôi đề nghị sẽ chuyển đổi công việc đi nơi khác để cho người khác làm, đồng thời phải gắn với việc tăng thu nhập dựa trên hiệu quả công việc. Kế hoạch triển khai sẽ áp dụng theo nghị quyết của HĐND TP.HCM. Chúng ta phải thẳng thắn với nhau, nếu làm không xong công việc được giao thì cần phải chuyển sang việc khác”, ông Phong đề nghị.
Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng chỉ đạo đến ngày 2.9 tới, Phó chủ tịch UBND Thường trực Lê Thanh Liêm phải chỉ đạo công bố danh mục sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp và nông nghiệp, bởi việc xác định sản phẩm chủ lực đã được lãnh đạo TPHCM đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong đó, trách nhiệm cá nhân thuộc về Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên.
“Đến thời hạn nêu trên mà vẫn không hoàn thành thì tôi sẽ đề nghị phân công lại công việc đối với Giám đốc Sở Công Thương”, ông Phong khẳng định.
Trong khi đó, về tình hình ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông vận tải từ đây đến cuối năm phải tập trung một vài trọng điểm làm mạnh, giảm nhanh, không phải cứ nơi nào cũng chạm đến, cũng làm rồi không có hiệu quả.
Song song đó, cơ quan này cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giảm ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, khu vực trung tâm thành phố. Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện chủ trương hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đặc biệt, Sở phải lập danh sách các trung tâm thương mại, cao ốc, bệnh viện, trường học… khu vực nội đô thường xuyên gây ùn tắc giao thông để yêu cầu chủ đầu tư có phương án khắc phục hoặc đề xuất kiến nghị điều chỉnh chức năng hoạt động.
Phan Diệu